Home Tin tức AI AI Agent đang định hình lại doanh nghiệp tương lai

AI Agent đang định hình lại doanh nghiệp tương lai

0

Từ Trí tuệ nhân tạo dần trở thành “đồng nghiệp” biết ra quyết định

AI Agent hay còn gọi là AI tác nhân đang trở thành tâm điểm trong làn sóng đổi mới công nghệ toàn cầu. Theo Viện McKinsey Global, đến năm 2030, AI có thể tự động hóa tới 30% số giờ làm việc tại Mỹ, trong đó AI Agent sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thay thế các công việc văn phòng truyền thống.

Khác với chatbot theo kịch bản hay công cụ dự đoán thông thường, AI tác nhân có khả năng học hỏi từ môi trường, tương tác linh hoạt và tự động đưa ra quyết định phù hợp với mục tiêu đặt ra. “Đây không chỉ là một bước tiến công nghệ, mà là một cuộc cách mạng không thể đảo ngược”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định.

AI Agent là cuộc cách mạng không thể đảo ngược. Ảnh minh họa

Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều xem AI Agent là “biên giới tiếp theo” của trí tuệ nhân tạo. NVIDIA cho rằng công nghệ này đang mở ra kỷ nguyên mới, còn IBM nhấn mạnh tiềm năng ứng dụng trong các hệ thống năng động như robot, trợ lý ảo và quy trình tự động hóa phức tạp.

Điểm khác biệt cốt lõi của AI Agentic là khả năng suy luận và nhận thức giúp hệ thống không chỉ xử lý dữ liệu, mà còn hiểu được bối cảnh và hành động gần giống con người. Khi kết hợp nhiều AI tác nhân trong cùng một hệ thống (multi-agent AI), doanh nghiệp có thể tự động hóa toàn bộ chuỗi giá trị vận hành, từ sản xuất đến chăm sóc khách hàng.

CEO Microsoft Satya Nadella từng tuyên bố rằng các phần mềm truyền thống như Word, Excel hay ERP sẽ dần “chết đi” và bị thay thế bởi AI Agent – những hệ thống có thể tự thu thập, phân tích và trình bày thông tin chỉ trong vài giây. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân dự đoán, “trong tương lai gần, một công ty có thể chỉ cần một CEO hoặc chủ tịch, còn toàn bộ nhân sự bên dưới sẽ là các AI Agents”.

Trong thực tế, nhiều lĩnh vực đã bắt đầu ứng dụng AI Agent. Ngành tài chính sử dụng AI để dự đoán rủi ro tín dụng và tối ưu hóa khuyến nghị khách hàng. Lĩnh vực logistics triển khai các thuật toán tối ưu hóa, giúp doanh nghiệp giảm số lượng phương tiện vận tải tới 50%. Trong sản xuất, AI tác nhân hỗ trợ bảo trì dự đoán, kiểm soát chất lượng và tối ưu năng lượng.

Tại Việt Nam, FPT Smart Cloud đã triển khai trợ lý ảo AI Agent cho các sự kiện chuyên nghiệp như giải chạy VnExpress Marathon, với khả năng xử lý hàng trăm truy vấn cùng lúc, nhận diện cảm xúc, mã QR, và phản hồi linh hoạt theo ngữ cảnh. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng AI Agents đang trở thành “đồng nghiệp ảo”, tương tác trực tiếp với khách hàng và hỗ trợ các bộ phận vận hành như con người.

Lộ trình chuyển mình và những thách thức phía trước

Theo đó, lộ trình triển khai AI Agent không thể rút gọn thành việc “gắn API vào dữ liệu” như một số CEO lầm tưởng. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc xác định mục tiêu cụ thể, đánh giá hạ tầng và dữ liệu hiện có, thử nghiệm ở quy mô nhỏ (pilot), sau đó mới mở rộng triển khai. Sự thành công phụ thuộc vào năng lực nội tại và mức độ hợp tác với đối tác công nghệ. Khi AI Agent tiếp tục lan rộng, doanh nghiệp nào chậm thích ứng sẽ tụt hậu. “Chúng ta buộc phải thích nghi với thời đại mới này”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh. “AI không chỉ là một công cụ, mà là một làn sóng định hình lại cách chúng ta làm việc và cạnh tranh.”

Tuy mang đến cơ hội lớn, AI Agent cũng đặt ra loạt thách thức về đạo đức, bảo mật và năng lực tổ chức. Các hệ thống này xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, trong đó nhiều thông tin nhạy cảm đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt về quyền riêng tư. Bên cạnh đó, làn sóng tự động hóa có thể dẫn đến nguy cơ mất việc làm nếu doanh nghiệp không đầu tư đào tạo lại nhân lực.

Theo TS Nguyễn Thị Thủy – giảng viên cấp cao về trí tuệ nhân tạo tại Đại học RMIT Việt Nam, Agentic AI đang cách mạng hóa nhiều ngành nghề như y tế (cá nhân hóa phác đồ điều trị), sản xuất (bảo trì dự đoán), bán lẻ (quản lý hàng tồn kho thông minh). “Để tận dụng hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn lực và xây dựng chiến lược ứng dụng AI có đạo đức”, bà Thủy chia sẻ.

Về dài hạn, Việt Nam cần chiến lược phát triển hệ sinh thái AI toàn diện: đầu tư nghiên cứu, đào tạo nhân tài, thúc đẩy hợp tác công – tư, và ban hành khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo  TS Nguyễn Thị Thủy, “các chính sách AI có đạo đức, khung bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng là chìa khóa đảm bảo ứng dụng AI một cách có trách nhiệm”.

Duy Trinh



https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fai-agent-dang-dinh-hinh-lai-doanh-nghiep-tuong-lai-d233199.html

Exit mobile version