Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế quy định chặt chẽ về trách nhiệm của những bên liên quan khi tình trạng hàng giả, hàng nhái đang được bán tràn lan trên các nền tảng số.
Trong thời đại phát triển của các nền tảng số, hình thức mua sắm trực tuyến đang trở thành một lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Bên cạnh những tiện ích từ kinh doanh và mua hàng online, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái vẫn đang phổ biến trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu những quy định về trách nhiệm của các bên liên quan, dẫn tới việc kiểm soát hàng hóa trên nền tảng số còn lỏng lẻo.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã thực hiện các chương trình, kế hoạch, trong đó chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Tới thời điểm hiện tại, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính gần 63 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn đang bán rộng rãi trên nền tảng số xuất phát từ việc một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn ham hàng giá rẻ, nên sản phẩm vẫn được nhiều người mua dù không biết chất lượng, nguồn gốc ra sao.
Ngoài ra, vấn đề giám sát, truy xuất giao dịch trực tuyến, truy xuất nguồn gốc hàng hóa kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử còn nhiều khó khăn do liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, đồng thời do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Vì lợi ích riêng, một số cá nhân, doanh nghiệp vẫn bất chấp kinh doanh hàng giả.
Trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Grab, có tới hơn 300 nghìn gian hàng chưa định danh người bán, doanh thu trên 70.000 tỉ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát sản phẩm đang được bán trên nền tảng của mình.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tổ chức phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào ngày 17/5 vừa qua. Trong đó, nội dung về quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc đưa thêm các quy định về kiểm soát chất lượng sản phẩm trong thương mại điện tử là phù hợp. Thực tế cho thấy, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc vẫn đang được bày bán tràn lan trên các nền tảng số, trong khi người tiêu dùng gặp khó trong việc xác định đơn vị chịu trách nhiệm pháp lý.
Đại biểu đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa vi phạm trong môi trường số thông qua việc kết nối dữ liệu giữa các sàn thương mại điện tử và cơ quan quản lý nhà nước. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu các thông tin về hàng hóa, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng cảnh báo, hậu kiểm, xử lý vi phạm trên phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, việc đồng bộ dữ liệu về kinh doanh trực tuyến sẽ giúp bảo đảm khả năng giám sát phát hiện sớm rủi ro và truy xuất trách nhiệm rõ ràng đối với từng sản phẩm lưu hành trực tuyến.
Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, vẫn còn thiếu các chế tài đi kèm để giải quyết tình trạng này. Đơn cử như năm 2024, nhiều vụ việc mỹ phẩm nhái, kém chất lượng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, nhưng không có cơ chế để kịp thời xử lý, gỡ bỏ.
Chính vì vậy, Đại biểu đề nghị Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bổ sung về trách nhiệm, nghĩa vụ của các sàn thương mại điện tử trong việc kiểm tra điều kiện pháp lý về chất lượng như công bố hợp chuẩn, hợp quy trước khi cho phép bán trên các gian hàng trực tuyến.
Đồng thời, cần có những chế tài xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử như cố tình tiếp tay, không gỡ bỏ sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng.
Các sàn thương mại điện tử cũng cần đưa ra yêu cầu hậu kiểm định kỳ đối với người bán hàng. Nếu không cung cấp được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng sản phẩm thì cả nền tảng và người bán đều phải chịu trách nhiệm.
Liên quan tới vấn đề quảng cáo sai sự thật trên nền tảng số, Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng cần siết chặt quy định về quảng cáo, đặc biệt là những quảng cáo quá mức về công dụng sản phẩm. Các sai phạm của sản phẩm có ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng cũng cần được tăng chế tài xử lý.
https%3A%2F%2Fdoanhnghiepkinhtexanh.vn%2Fai-chiu-trach-nhiem-truoc-van-nan-hang-gia-hang-nhai-tran-lan-tren-nen-tang-so-a32167.html