Home Công nghệ AI AI – Giải pháp tất yếu hay cái cớ cắt giảm nhân...

AI – Giải pháp tất yếu hay cái cớ cắt giảm nhân sự?

0

Những lo ngại về Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành hiện thực. Ngay khi công nghệ tự động hóa và AI bắt đầu phát triển đã dấy lên những nghi ngờ về tác động của chúng đối với thị trường lao động. Những người lạc quan tin rằng, dù một số công việc có thể bị thay thế, thì các vị trí mới sẽ xuất hiện để bù đắp phần nào sự mất mát đó.

Tuy nhiên, làn sóng sa thải kỷ lục trong ngành công nghệ năm 2025 đang cho thấy những lo ngại ban đầu không phải là không có cơ sở. Chỉ trong nửa đầu năm nay, hơn 50.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ đã bị cắt giảm – một con số đáng báo động. Điều đó cho thấy AI không chỉ tác động đến một số ít nhân viên mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghệ.

Microsoft tăng tốc đầu tư AI: Cái giá của sự chuyển mình

Một ví dụ điển hình là Microsoft. Công ty này đã thông báo sa thải khoảng 6.000 nhân viên, chiếm khoảng 3% lực lượng lao động toàn cầu tính đến ngày 13/5.

Đây là đợt sa thải nhân sự lớn thứ hai của Microsoft dưới thời Tổng giám đốc điều hành Satya Nadella kể từ năm 2023, nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu hoạt động.

Ông Satya Nadella cho biết, việc cắt giảm nhân sự là một phần trong chiến lược toàn diện của tập đoàn, với mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp để phù hợp với lĩnh vực ưu tiên trọng tâm AI. Đồng thời, động thái này cũng nhằm thúc đẩy tư duy hướng đến hiệu quả hoạt động bền vững trong dài hạn.

Theo thông báo WARN tại bang Washington, gần 2.000 việc làm bị ảnh hưởng là tại địa phương, bao gồm 475 vị trí làm từ xa. Trong số này có cả những nhân viên kỳ cựu, như một lập trình viên đã góp phần quan trọng vào việc cải tiến hiệu suất của TypeScript suốt gần một thập kỷ.

“Sau 18 năm làm việc tại Microsoft, trong đó có gần 10 năm gắn bó với TypeScript, thật đáng tiếc khi tôi bị cho nghỉ việc”, người này chia sẻ trên mạng xã hội X. Câu chuyện này là minh chứng rõ ràng cho những mất mát cá nhân và tổn thương tinh thần khi bị thay thế trong kỷ nguyên AI đang bùng nổ.

Dù Microsoft từ chối đưa ra bình luận, nhiều nhà phân tích cho rằng việc sa thải không hẳn vì AI đang trực tiếp thay thế con người, mà chủ yếu do chiến lược tái phân bổ ngân sách để dồn lực vào đầu tư AI, đồng thời cảnh báo rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, có thể sẽ có hơn 10.000 việc làm bị mất mỗi năm.

Microsoft cho biết họ có kế hoạch đầu tư tới 80 tỷ USD trong năm tài chính 2025. Khoản đầu tư này sẽ được dùng để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các dịch vụ AI. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tối ưu hóa quy mô hoạt động trong mảng AI nhằm duy trì thị phần giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp AI khác.

Tự động hóa như một chiến lược tài chính

Các chuyên gia trong ngành, như Deedy Das từ Menlo Ventures, cho rằng chi phí hạ tầng cho AI tạo sinh ngày càng tăng là nguyên nhân chính khiến các công ty cắt giảm nhân sự và hạn chế tuyển dụng mới. Đồng thời, vai trò của AI trong phát triển phần mềm ngày càng tăng.

CEO Microsoft, Satya Nadella, cho biết hiện tại khoảng 20% đến 30% mã nguồn trong kho lưu trữ của họ được tạo ra bởi AI. Deedy Das đã đặt ra một câu hỏi đáng suy ngẫm: “Liệu đây có phải là điều bình thường mới?”, hàm ý rằng các tập đoàn công nghệ có thể sẽ vận hành hiệu quả hơn với đội ngũ tinh gọn, nhờ vào AI.

Không chỉ Microsoft, các ông lớn khác như Google và Meta cũng đang cắt giảm nhân sự trong khi tiếp tục đầu tư mạnh vào AI. Google đã tinh giản lực lượng tại các phòng ban như Kinh doanh Toàn cầu, Nền tảng và Thiết bị. Meta cũng cắt giảm 3.600 nhân viên, tương đương 5% lực lượng, trong đợt tái cấu trúc “dựa trên hiệu suất”. Điều này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong ngành – từ con người sang máy móc, từ mở rộng sang tối ưu hóa hiệu suất.

Con người thật, tác động thật

Tại PwC, hơn 1.500 nhân viên ở Mỹ đã bị sa thải sau khi công ty tiến hành tái cấu trúc và đẩy mạnh tự động hóa sau đại dịch. Quy trình sa thải diễn ra chóng vánh khiến nhiều người không khỏi hụt hẫng. “Họ mất hàng tuần để phỏng vấn và tuyển dụng bạn, nhưng lại sa thải bạn trong một cuộc gọi kéo dài vài phút”, một cựu nhân viên chia sẻ với AIM.

Trong khi đó, IBM chọn cách tiếp cận khác. Sau khi thay thế khoảng 200 vị trí bằng AI, CEO Arvind Krishna cho biết công ty đã dùng phần ngân sách tiết kiệm được để tuyển thêm nhân sự. Giám đốc nhân sự Nickle LaMoreaux nhấn mạnh: “Rất ít vị trí sẽ bị thay thế hoàn toàn”, cho thấy AI phù hợp nhất với các công việc lặp lại, chứ chưa thể thay thế toàn bộ vai trò của con người.

Công nghệ giáo dục và dịch vụ khách hàng cũng đang thay đổi

Tác động của AI cũng đang làm thay đổi lĩnh vực công nghệ giáo dục. Chegg đã cắt giảm 248 nhân viên, tương đương khoảng 22% lực lượng lao động, khi người dùng chuyển sang các nền tảng AI như ChatGPT. Duolingo cũng đang giảm số lượng nhân viên trong khi mở rộng các khóa học ngôn ngữ, phần lớn dựa vào AI.

Dịch vụ khách hàng cũng không nằm ngoài làn sóng này, Klarna từng thay thế hàng loạt vị trí hỗ trợ bằng AI. Tuy nhiên, công ty đã phải điều chỉnh sau khi mức độ hài lòng của khách hàng giảm mạnh. CEO Sebastian Siemiatkowski thừa nhận việc chuyển đổi hoàn toàn sang AI là quá sớm, cho thấy vẫn còn những giới hạn nhất định trong ứng dụng công nghệ này.

AI: Sự đột phá hay cái cớ hợp lý?

Liệu AI thực sự đang thay thế con người, hay chỉ đơn giản là một lý do thuận tiện để các công ty cắt giảm chi phí vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tự động hóa chắc chắn đang làm thay đổi cách chúng ta làm việc, nhưng trong nhiều trường hợp, AI dường như được sử dụng như một lá chắn chiến lược để biện minh cho việc cắt giảm nhân sự dưới danh nghĩa “chuẩn bị cho tương lai”.

Điều không thể phủ nhận là tác động thực tế của làn sóng này đến con người. Lời hứa về năng mà AI mang lại có thể là thật, nhưng nỗi đau của sự mất việc cũng vậy. Hiện tại, ngành công nghệ đang tiến lên với niềm tin vào AI – và hàng ngàn nhân viên đang phải trả giá cho điều đó./.

https%3A%2F%2Fictvietnam.vn%2Flan-song-sa-thai-nganh-cong-nghe-2025-ai-giai-phap-tat-yeu-hay-cai-co-cat-giam-nhan-su-69785.html

Exit mobile version