Trong bối cảnh AI ngày càng hiện diện mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, nhóm việc làm bị ảnh hưởng rõ rệt nhất chính là các vị trí cấp đầu vào (Entry level), những công việc dành cho những người mới bắt đầu sự nghiệp, thường yêu cầu ít hoặc không cần kinh nghiệm – nơi thường được xem là bước khởi đầu để người trẻ tích lũy kinh nghiệm, hình thành tư duy nghề nghiệp và từng bước trưởng thành.
Không làm biến mất hoàn toàn các vị trí này như nhiều cảnh báo, song AI đang âm thầm thay đổi cách chúng được thực hiện, đòi hỏi người lao động trẻ phải biết thích nghi và thay đổi cách làm việc.
Nhiệm vụ cũ, kỹ năng mới
Theo ông Fawad Bajwa, chuyên gia từ Công ty tư vấn nhân sự cấp cao Russell Reynolds Associates, các công việc cấp đầu vào đang dần thoát khỏi tính chất lặp lại, đơn điệu, nhờ sự hỗ trợ của AI.
“Thay vì soạn thảo email, làm sạch dữ liệu cơ bản hay đặt lịch họp, người mới đi làm giờ đây cần chọn lọc đầu ra do AI tạo ra và đưa ra đánh giá cuối cùng”, ông Fawad Bajwa cho biết.
Một ví dụ điển hình là lĩnh vực marketing, nơi nhân viên trẻ sử dụng AI để soạn nháp các tài liệu quảng bá, hoặc trong lĩnh vực phân tích dữ liệu, nơi AI hỗ trợ chuẩn bị dữ liệu để con người xử lý sâu hơn.
Ông Zanele Munyikwa, chuyên gia kinh tế tại Revelio Labs – Công ty phân tích dữ liệu lao động cho biết, AI đang thúc đẩy một “cuộc chuyển đổi nghề nghiệp” ở nhóm công việc đầu vào. “Các nhiệm vụ do nhân sự trẻ đảm nhận đang chuyển dần sang những phần việc ít bị AI can thiệp hơn”, ông nhận định.
Tuy AI chưa xóa sổ hoàn toàn nhóm công việc đầu vào, tác động của nó đang khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc lại cách tuyển dụng và đào tạo người trẻ. “Nếu không còn các nhiệm vụ cơ bản để bắt đầu, người trẻ sẽ thiếu cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế và hình thành sự tự tin nghề nghiệp”, ông Bajwa cảnh báo.
Thực tế, một khảo sát của Russell Reynolds Associates cho thấy, 54% lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại việc phụ thuộc vào AI sẽ làm xói mòn tư duy phản biện của nhân sự trẻ. Khoảng 25% quan ngại AI có thể làm giảm chất lượng sản phẩm và quy trình nội bộ. Tỷ lệ lãnh đạo lo ngại về việc sa thải nhân sự do AI cũng tăng gấp đôi trong một năm qua – từ 20% lên 40%.
Những công việc nào dễ bị thay thế?
Theo phân tích của Revelio Labs, những vị trí dễ bị AI thay thế nhất là các nghề mang tính kỹ thuật cao như kỹ sư dữ liệu, quản trị cơ sở dữ liệu, chuyên viên an ninh mạng, kiểm toán viên… Đây là nhóm công việc có tần suất sử dụng AI cao nhất – với khoảng 30% người lao động đã dùng AI để xử lý các tác vụ hàng ngày.
Trong khi đó, các công việc đòi hỏi sự tương tác trực tiếp như dịch vụ lưu trú, sản xuất thủ công hay chăm sóc khách hàng vẫn có nhu cầu cao và ít bị ảnh hưởng. Những năm gần đây, nhu cầu đối với các vị trí này tăng nhanh hơn nhóm công việc có tần suất sử dụng AI cao.
Yêu cầu cho nhà tuyển dụng
“Dù AI giúp tăng năng suất, nếu không được triển khai đồng bộ và được dẫn dắt bởi những nhà quản lý có tầm nhìn, nó khó tạo ra hiệu quả về chi phí hoặc cơ hội nghề nghiệp thực sự cho người trẻ”, chuyên gia kinh tế Munyikwa nhận định.
Sự thay đổi của công việc cấp đầu vào buộc các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng lao động phải nghĩ đến những “đường băng” mới để người trẻ có thể học nghề và phát triển, dù một số nhiệm vụ truyền thống dần biến mất. Các mô hình học việc, các khóa huấn luyện có hỗ trợ AI hoặc chương trình đào tạo tích hợp công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng.
“Không thể chỉ đào tạo một lần, doanh nghiệp cần đầu tư vào quá trình nâng cấp kỹ năng liên tục để đội ngũ nhân sự trẻ vừa sử dụng tốt công nghệ, vừa phát triển được năng lực nghề nghiệp của riêng mình”, ông Munyikwa nhấn mạnh.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cần xem xét lại cấu trúc đội ngũ. Việc cắt giảm quá nhiều vị trí cấp thấp có thể dẫn tới tình trạng “đầu nặng – chân nhẹ”, khi đội ngũ thiếu lớp kế cận và mất cân bằng trong vận hành.
Bài học cho người trẻ bước vào thị trường lao động
Trong bối cảnh AI dần thay đổi diện mạo của công việc, người trẻ cần chuẩn bị hành trang mới. Không chỉ là kiến thức chuyên môn, họ cần biết cách sử dụng công cụ AI, phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, và khả năng thích ứng nhanh. Quan trọng hơn, người trẻ phải chủ động học hỏi – cả trong công việc lẫn từ chính những công nghệ đang dần trở thành “đồng nghiệp” mới.
AI không giành mất cơ hội nghề nghiệp của người trẻ, nhưng nó đang định nghĩa lại “cơ hội” đó theo cách hoàn toàn khác. Người thành công trong thời đại này là người biết tận dụng công nghệ như một bàn đạp để học hỏi, thích nghi và phát triển bền vững.
https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Fai-dang-tai-tao-moi-truong-lam-viec-nhung-cong-viec-nao-de-bi-thay-the-10381311.html