Home Công nghệ AI AI là chìa khóa để kiến tạo nên thành phố thông minh

AI là chìa khóa để kiến tạo nên thành phố thông minh

0

AI không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành một yếu tố tất yếu, mang lại sức mạnh to lớn trong việc định hình tương lai, đặc biệt là tương lai đô thị thông minh, ông Đoàn Văn Khải – Giám đốc phát triển kinh doanh kiêm Trưởng bộ phận Niềm tin kỹ thuật số của Viện Tiêu chuẩn Vương quốc Anh (BSI) Việt Nam – nhận định tại Diễn đàn Công nghệ mới & Trí tuệ nhân tạo trong Chuyển đổi số & Phát triển xanh đô thị vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Việt Nam cũng cần chú trọng các tiêu chuẩn khi làm thành phố thông minh”, ông Khải phát biểu tại Diễn đàn

Ông Khải thông tin, tại Việt Nam, các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang phải đối mặt với không ít thách thức hiện hữu. Vấn đề giao thông gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, có thể lên tới 6 đến 8 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ô nhiễm môi trường là một vấn đề quan ngại lớn, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại hai thành phố này thường xuyên vượt mức nguy hiểm, đặc biệt vào mùa đông. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý đô thị hiện tại còn khá lạc hậu, với các thủ tục hành chính tốn kém, làm tăng chi phí lên đến 20-30% so với việc áp dụng các giải pháp thông minh. Điều này dẫn đến thực trạng đáng báo động khi khảo sát của một tổ chức Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, khoảng 65% người dân không hài lòng với thời gian xử lý các thủ tục hành chính.

Tuy vậy, Việt Nam đang chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực và trí tuệ nhân tạo (AI) được xác định là động lực chính cho sự thay đổi này.

AI có thể đóng góp một cách toàn diện vào quá trình xây dựng và vận hành đô thị thông minh tại Việt Nam, từ khâu ban đầu cho đến quản lý lâu dài. Ngay từ thiết kế ý tưởng, AI có khả năng phân tích dữ liệu quy hoạch, ví dụ AI giúp giảm 30% thời gian và tăng 40% độ chính xác trong các dự án thí điểm do Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia phối hợp thực hiện, từ đó tạo ra những thiết kế tối ưu và ít sai sót khi triển khai thực tế.

Trong quá trình xây dựng, AI được ứng dụng để giám sát tiến độ, quản lý chất lượng và tối ưu hóa nguồn lực. Ông Khải đưa ví dụ điển hình là dự án Spark City Bình Dương đã áp dụng AI, giúp giảm 18% chi phí và rút ngắn 25% thời gian hoàn thành. AI cũng hỗ trợ xây dựng bền vững hơn, dự báo nhu cầu năng lượng và quy hoạch thành phố hiệu quả.

AI thể hiện vai trò mạnh mẽ trong quản lý vận hành đô thị. Hệ thống điều khiển giao thông thông minh, như tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt theo báo cáo của Sở Giao thông năm 2023, giúp giảm 35% thời gian di chuyển và 25% lượng khí thải.

Trong lĩnh vực quản lý năng lượng, AI giúp tích hợp năng lượng tái tạo, dự đoán nhu cầu sử dụng (như báo cáo của EVN), điều phối lưới điện để giảm thất thoát và tối ưu hóa tiêu thụ. Hệ thống dựa trên AI có thể giám sát 24/7, tự động điều chỉnh và đưa ra cảnh báo mà không cần quá nhiều sự can thiệp trực tiếp của con người.

Đặc biệt, trong dịch vụ công, việc ứng dụng AI có thể giảm đến 70% thời gian xử lý nhờ toàn bộ quy trình được tự động hóa và hoạt động liên tục 24/7, cho phép người dân thực hiện thủ tục bất cứ lúc nào thuận tiện. AI còn giúp tăng độ chính xác lên đến 90% (với điều kiện dữ liệu đầu vào chính xác), loại bỏ các sai sót tiềm ẩn do con người.

Đối với an ninh và an toàn, hệ thống giám sát thông minh dựa trên AI từ camera và cảm biến góp phần làm cho thành phố an toàn hơn, thậm chí AI có thể phát hiện và vá đến 98% lỗ hổng bảo mật trong các nền tảng công nghệ hiện tại và giúp bảo vệ dữ liệu công dân theo các chuẩn mực quốc tế.

Khả năng dự đoán và phân tích của AI cũng cực kỳ quan trọng, giúp lường trước nhu cầu tăng lên, phân tích dữ liệu để nâng cấp hệ thống kịp thời và tăng cường khả năng chống chịu, khả năng chứa đựng của thành phố trước những phản ứng bất lợi như thời tiết hay thiên tai.

Đây không chỉ là những con số trên lý thuyết. Ông Khải liệt kê trên thế giới, nhiều thành phố đã tiên phong trong lĩnh vực này như Singapore, một quốc gia quốc đảo và cũng là một thành phố, luôn đứng đầu thế giới về chỉ số thông minh và được Liên Hợp Quốc coi là hình mẫu. Thành phố mới Songdo của Hàn Quốc, với khoản đầu tư lớn vào công nghệ thông minh và là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới được chứng nhận theo bộ chỉ số về thành phố thông minh, cũng thể hiện tầm nhìn rõ ràng về đô thị của tương lai. Hay dự án đột phá NEOM và thành phố tuyến tính The Line ở Ả Rập Xê Út, với kế hoạch không có đường bộ, ô tô và tối ưu hóa mọi tiện ích cho người dân, là minh chứng cho những ước mơ táo bạo của nhân loại trong việc kiến tạo không gian sống thông minh.

Để Việt Nam có thể phát triển đô thị thông minh một cách bền vững và không bị lỗi thời, ông Khai đưa ra ba yếu tố kiến nghị quan trọng: kiến trúc bền vững, dịch vụ thông minh và quản trị dựa trên dữ liệu.

Cùng với đó, việc tiêu chuẩn hóa là cực kỳ cần thiết. Cần có các chuẩn mực để đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa các thành phố và các công nghệ khác nhau. Thế giới đã ban hành các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý dữ liệu nền tảng, và Việt Nam cần áp dụng các bộ tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống quản lý để thiết lập khu quản lý, dự án kỹ thuật, chỉ số đánh giá hiệu suất và khả năng phục hồi của đô thị. Các tiêu chuẩn về quản lý an toàn thông tin và quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng là yếu tố không thể thiếu để quản lý các mặt trái tiềm ẩn của AI. Việc áp dụng các khung tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo tính áp dụng lâu dài, tránh phụ thuộc vào các quy định đặc thù mang tính thời điểm hay đặc thù ngành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

AI đang mở ra những cơ hội lớn để giải quyết các vấn đề đô thị tại Việt Nam và kiến tạo nên những thành phố thông minh, hiệu quả và đáng sống hơn. Việc nắm bắt và ứng dụng AI một cách có chiến lược, đồng thời chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, sẽ là chìa khóa để Việt Nam thực sự đóng góp vào quá trình xây dựng đô thị thông minh trong tương lai.

https%3A%2F%2Fdiendandoanhnghiep.vn%2Fai-la-chia-khoa-de-kien-tao-nen-thanh-pho-thong-minh-10154149.html

Exit mobile version