Home Tin tức AI AI là giải pháp đột phá trong chuyển đổi số hành chính...

AI là giải pháp đột phá trong chuyển đổi số hành chính công

0

Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1-7-2025, việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyển đổi số hành chính công không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp chiến lược để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước trong thời kỳ mới.

Vượt qua thách thức của mô hình chính quyền hai cấp

Mô hình chính quyền hai cấp giúp giảm tầng trung gian, là bước ngoặt thể chế quan trọng trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước nhưng đồng thời làm gia tăng áp lực lên cấp xã, phường, nơi phải tiếp nhận nhiều nhiệm vụ trước đây thuộc về cấp huyện.

Các nền tảng trực tuyến cho phép người dân nộp hồ sơ, tra cứu tiến độ mà không cần di chuyển xa, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ảnh: VĂN THUẬN

Trong khi đó, người dân không thể “vượt cấp” lên tỉnh, thành để giải quyết thủ tục mỗi ngày. Điều đó, buộc cấp xã, phường phải làm việc nhiều hơn, nhanh hơn, chính xác hơn nhưng vẫn đảm bảo sự thân thiện, minh bạch và gần dân.

Bên cạnh đó, với nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương thiếu cán bộ chuyên môn và thiết bị cơ bản, dẫn đến nguy cơ quá tải trong xử lý thủ tục hành chính. Chuyển đổi số trở thành lời giải tất yếu, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người dân và cơ quan hành chính. Các nền tảng trực tuyến cho phép người dân nộp hồ sơ, tra cứu tiến độ mà không cần di chuyển xa, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Chuyển đổi số trở thành lời giải tất yếu, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người dân và cơ quan hành chính. Ảnh: VĂN THUẬN

Lúc này, chuyển đổi số không còn là xu hướng mà trở thành điều kiện tiên quyết để đảm bảo bộ máy chính quyền vận hành hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn. Cùng với đó, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một trụ cột then chốt, đột phá trong chuyển đổi số hành chính công.

Tư duy mới và vai trò tiên phong của lãnh đạo

Để chuyển đổi số thành công, cần một sự thay đổi sâu sắc về tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ”. Lãnh đạo địa phương phải tiên phong, tổ chức bộ máy tinh gọn, đồng thời lựa chọn đội ngũ cán bộ tận tâm, có năng lực và nhiệt huyết để đảm bảo hoạt động hành chính thông suốt.

Việc phát động phong trào thi đua đổi mới sáng tạo, như “bình dân học vụ số”, sẽ khuyến khích cả cán bộ và người dân tham gia. Bên cạnh đó, hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng sử dụng AI là bước đi thiết yếu.

AI – Trụ cột của chuyển đổi số hành chính công. Ảnh: VĂN THUẬN

Lãnh đạo cũng cần lắng nghe phản hồi từ người dân và doanh nghiệp để cải tiến dịch vụ, đồng thời sử dụng dữ liệu để ra quyết định, tăng cường trách nhiệm giải trình và hạn chế tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm”.

Thành công của chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo các cấp. Họ cần “dám nghĩ – dám làm”, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ và tạo ra văn hóa đổi mới trong đơn vị.

AI Trụ cột của chuyển đổi số hành chính công

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích cực ứng dụng AI trong quản trị địa phương. Công nghệ AI, kết hợp với hạ tầng như đám mây, blockchain và mạng 5G/6G, tạo nên một hệ sinh thái số mạnh mẽ.

Cụ thể, AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho phép triển khai chatbot thông minh, trả lời thắc mắc 24/7, hỗ trợ tiếng Việt và ngôn ngữ dân tộc thiểu số, đồng thời tự động phân loại đơn từ. Công nghệ thị giác máy tính giúp đọc giấy tờ qua OCR, xác thực danh tính bằng eKYC và kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ.

ThS. NGUYỄN HỮU TÌNH – Giảng viên Khoa CNTT, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tập huấn sáng tạo nội dung với AI. Ảnh: H.TÌNH

Trong khi đó, học máy (machine learning) – một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo, có khả năng học từ kinh nghiệm và đóng vai trò như một người trợ lý thông minh, dự đoán nhu cầu dịch vụ công, phát hiện gian lận như sim rác hay lừa đảo mạng, và cá nhân hóa trải nghiệm người dân. Tự động hóa quy trình hỗ trợ xử lý hồ sơ, kết nối cơ sở dữ liệu và quản lý luồng công việc, giảm đáng kể tải trọng cho cán bộ.

Những công nghệ này không chỉ tăng tốc độ xử lý mà còn đảm bảo an ninh và minh bạch, đáp ứng yêu cầu của Ban Cơ yếu Chính phủ về chứng thư chữ ký số từ ngày 1-7-2025.

Chuyển đổi số có lộ trình – Ưu tiên số hóa dịch vụ thiết yếu

Chuyển đổi số không thể làm một sớm một chiều. Nhưng có thể bắt đầu ngay từ những việc tốn thời gian nhất như: Xử lý hồ sơ hành chính; gửi, nhận thông báo, lịch họp; tạo báo cáo định kỳ; giao tiếp với người dân qua nền tảng số.

Khi những tác vụ này được AI hỗ trợ hoặc tự động hóa, cán bộ xã/phường có thêm thời gian để làm việc lớn: ra quyết định, theo dõi thực địa, tổ chức đối thoại với dân.

Trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành “cánh tay phải” của cán bộ xã, phường. Trong ảnh người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công phường Tam Bình, TP.HCM. Ảnh: VĂN THUẬN

Trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành “cánh tay phải” của cán bộ xã, phường. Chưa cần phải biết công nghệ cao siêu, nhiều địa phương đã sử dụng các công cụ AI đơn giản để: Soạn thảo văn bản, báo cáo tuần, quý chỉ trong vài phút; tự động điền mẫu biểu hành chính; trả lời hàng trăm câu hỏi của người dân qua chatbot; một “trợ lý AI” như vậy làm việc không nghỉ, không than phiền, và đặc biệt: không tăng biên chế – điều mà chính quyền hai cấp đặc biệt coi trọng.

Hành động vì một nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Chuyển đổi số hành chính công với AI không phải là cuộc chạy đua công nghệ mà là cuộc cách mạng toàn diện trong tư duy quản trị. Từ nền hành chính “quản lý” chuyển sang “kiến tạo và phục vụ”, từ quy trình thủ công sang tự động thông minh, từ ra quyết định theo kinh nghiệm sang dựa trên dữ liệu khoa học.

Mô hình chính quyền hai cấp đòi hỏi bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả cao. AI chính là “người trợ lý thông minh” giúp mỗi cán bộ có thể đảm nhiệm khối lượng công việc lớn hơn với chất lượng tốt hơn. AI không thay cán bộ, nhưng AI giúp cán bộ phục vụ dân tốt hơn. Đó là sự chuyển mình đúng hướng, đúng thời điểm.

Chuyển đổi số thành công không phải khi có nhiều phần mềm, mà khi người dân thấy rõ sự thay đổi: Làm giấy tờ nhanh hơn; nhận phản hồi chính xác; không phải đi lại nhiều lần; được phục vụ chu đáo – dù là trực tuyến hay trực tiếp.

Thành công được đo bằng sự hài lòng của người dân, sự tin tưởng của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư và niềm tự hào của đội ngũ cán bộ, công chức khi đóng góp vào việc xây dựng một Việt Nam số, thịnh vượng và bền vững.

Cẩn trọng nhưng không chần chừ

Bên cạnh những lợi ích to lớn, chuyển đổi số với AI cũng đối mặt với không ít thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu lớn, thiếu hụt chuyên gia AI, thêm vào đó một bộ phận cán bộ và người dân chưa quen sử dụng công nghệ.

Triển khai AI trong hành chính công không phải không có rủi ro nhưng nếu cứ chần chừ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng tốc.

Về mặt pháp lý, cần hoàn thiện khung pháp lý cho AI, xây dựng tiêu chuẩn chung và cơ chế liên thông. Đặc biệt, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và an ninh mạng cần được ưu tiên hàng đầu.

Triển khai AI trong hành chính công không phải không có rủi ro nhưng nếu cứ chần chừ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng tốc khi đã có trụ cột – là AI – chờ được phát huy.

*Giảng viên Khoa CNTT, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM



https%3A%2F%2Fplo.vn%2Fai-la-giai-phap-dot-pha-trong-chuyen-doi-so-hanh-chinh-cong-post861015.html

Exit mobile version