Dự thảo Luật Thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ điều chỉnh hoạt động thương mại trên không gian mạng mà còn đặt nền tảng pháp lý cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, hướng tới một thị trường số phát triển bền vững, minh bạch và cân bằng quyền lợi giữa người tiêu dùng – doanh nghiệp – cơ quan quản lý.
Bùng nổ TMĐT và bài toán quản lý dữ liệu
Thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối chủ lực tại Việt Nam. Không chỉ các tập đoàn lớn, mà cả doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể cũng đang nhanh chóng số hóa, tận dụng nền tảng trực tuyến để mở rộng thị trường, tối ưu chi phí và gia tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển vượt bậc là những nguy cơ đáng báo động về rò rỉ dữ liệu cá nhân, sử dụng sai mục đích thông tin người tiêu dùng, gian lận thương mại, và cả những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Đặc biệt, với đặc thù xuyên biên giới, TMĐT đòi hỏi một khung pháp lý hiện đại để vừa bảo vệ quyền riêng tư, vừa đảm bảo trật tự thị trường. Theo đó, Dự thảo Luật TMĐT, đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng được kỳ vọng sẽ là công cụ pháp lý nền tảng cho thời đại số, thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã lỗi thời, đưa hoạt động thương mại trên không gian mạng đi vào khuôn khổ và bảo vệ dữ liệu cá nhân một cách hiệu quả.
Từ lưu trữ đến trách nhiệm nền tảng
Theo đó, một trong những điểm nhấn quan trọng của Dự thảo là nhóm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và an toàn thông tin mạng. Theo đó, các nền tảng TMĐT, từ sàn giao dịch đến mạng xã hội có chức năng bán hàng hay nền tảng tích hợp đa dịch vụ, đều có trách nhiệm lưu trữ, quản lý, cung cấp và bảo mật thông tin người dùng.
Dự thảo yêu cầu các nền tảng TMĐT phải lưu trữ đầy đủ dữ liệu về sản phẩm, giao dịch, hình ảnh livestream, và thông tin phản hồi của người tiêu dùng trong ít nhất 3 năm.
Đây là cơ sở phục vụ kiểm tra, thanh tra và xử lý khiếu nại sau này. Thông tin về chủ thể kinh doanh, điều kiện giao dịch, đánh giá của người dùng cũng phải được hiển thị công khai – trừ trường hợp vi phạm pháp luật hoặc đạo đức xã hội.
Với nền tảng trung gian và tích hợp đa dịch vụ, hệ thống công nghệ phải đạt tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3, có cơ chế phân quyền truy cập, lưu trữ và kiểm soát dữ liệu tuân thủ luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đặc biệt, người bán phải được cấp công cụ truy xuất dữ liệu liên quan đến giao dịch và khách hàng, đảm bảo quyền tiếp cận dữ liệu công bằng trong mô hình TMĐT đa bên.
AI và trách nhiệm giải trình của nền tảng, công cụ giám sát toàn diện
Một điểm mới đáng chú ý là yêu cầu các nền tảng TMĐT quy mô lớn thiết lập hệ thống giải quyết khiếu nại trực tuyến, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát việc sử dụng AI trong đề xuất, phân phối sản phẩm.
Theo Dự thảo, khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng, nền tảng phải cung cấp dữ liệu giao dịch, mô tả và giải thích thuật toán sử dụng AI, bao gồm logic vận hành, mục tiêu và chức năng. Điều này nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm dụng dữ liệu người tiêu dùng để tạo lợi thế cạnh tranh hoặc thao túng thị trường.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ là đầu mối quản lý nhà nước về TMĐT, đồng thời vận hành cơ sở dữ liệu TMĐT quốc gia, nơi tích hợp thông tin từ các nền tảng TMĐT, kết nối với hệ thống thuế, hải quan, thanh toán và vận chuyển.
Cơ sở dữ liệu này có vai trò then chốt trong việc: Quản lý hoạt động giao dịch, thuế và minh bạch thị trường; Tiếp nhận phản ánh, khiếu nại và công bố nền tảng hợp pháp – vi phạm; Giám sát dòng tiền, truy vết các giao dịch đáng ngờ.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng quy định này có thể dẫn đến rủi ro lộ lọt bí mật kinh doanh nếu cơ chế bảo mật và chia sẻ dữ liệu không được quy định rõ ràng, nhiều quy định chưa sát thực tiễn. Dù đặt nền móng quan trọng cho quản lý dữ liệu, nhiều tổ chức trong và ngoài nước như USABC, VECOM, Shopee, Grab… đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tính khả thi và một số quy định còn mơ hồ.
Phân loại nền tảng và trách nhiệm pháp lý: Cần rõ ràng, tương xứng
Việc xếp mạng xã hội có chức năng bán hàng vào nhóm “nền tảng trung gian” như sàn TMĐT đang gây nhiều tranh cãi. Theo các hiệp hội, cách phân loại này có thể buộc những nền tảng không được thiết kế như sàn giao dịch phải gánh trách nhiệm pháp lý quá mức.
Nguyên tắc “trách nhiệm tương xứng với vai trò và tính năng” được đề xuất nhằm tránh đồng hóa và đảm bảo công bằng giữa các mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu lưu trữ “đầy đủ” dữ liệu trong ba năm được cho là thiếu định nghĩa rõ ràng. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ mỗi ngày, doanh nghiệp đề xuất nên thay bằng khái niệm “dữ liệu cơ bản” bao gồm các thông tin thiết yếu phục vụ quản lý.
Thêm một điểm gây tranh luận nữa là quy định kiểm duyệt nội dung trước khi hiển thị. Trong khi Nhà nước đang khuyến khích hậu kiểm, quy định tiền kiểm bị cho là đi ngược xu thế, làm tăng chi phí và độ phức tạp vận hành của nền tảng.
Các nền tảng đề xuất thay bằng hậu kiểm kết hợp cảnh báo, gỡ bỏ nội dung vi phạm, gắn với cơ chế phản hồi cộng đồng.
Với hoạt động xuyên biên giới, Dự thảo yêu cầu người bán nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, điều bị đánh giá là quá rườm rà. Các doanh nghiệp cho rằng chỉ cần xác thực qua mã định danh điện tử, đồng thời giao quyền xác minh cho nền tảng là đủ.
Bên cạnh đó, phân biệt trách nhiệm giữa nền tảng nước ngoài có và không có hiện diện tại Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Nếu không làm rõ, sẽ nảy sinh tình trạng bất bình đẳng trong tuân thủ nghĩa vụ pháp lý.
Giữ cân bằng giữa bảo vệ dữ liệu và không kìm hãm đổi mới
Dự thảo Luật TMĐT được đánh giá cao khi đặt trọng tâm vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường trách nhiệm dữ liệu và thúc đẩy minh bạch. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý và cộng đồng doanh nghiệp cũng cảnh báo: nếu không điều chỉnh linh hoạt, Luật có thể gây gánh nặng tuân thủ không cần thiết, làm chậm lại tốc độ phát triển của ngành.
Ở thời đại số, quyền riêng tư và quản lý không nhất thiết là hai thái cực đối lập. Vấn đề là thiết kế chính sách sao cho trách nhiệm gắn với quyền hạn, bảo vệ người dùng nhưng không triệt tiêu sáng tạo.
Dự thảo Luật Thương mại điện tử đã tạo ra một “bản thiết kế” đầy tham vọng cho thị trường số Việt Nam. Tuy nhiên, một bản thiết kế dù vững chắc đến đâu, nếu không phù hợp với thực tiễn và thiếu linh hoạt, sẽ không thể trở thành cây cầu nối được hai bờ: người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo đó, để luật đi vào cuộc sống, cần tiếp thu có chọn lọc các góp ý từ thực tiễn, tránh siết quá chặt khiến thị trường TMĐT bị nghẹt thở, nhưng cũng không để quá lỏng lẻo gây bất an về dữ liệu cá nhân và trật tự thị trường. Chỉ khi đó, thương mại điện tử mới thật sự là động lực phát triển kinh tế số bền vững, công bằng và nhân văn./.
https%3A%2F%2Fthuongtruong.com.vn%2Fnews%2Fluat-tmdt-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-huong-toi-thi-truong-so-phat-trien-ben-vung-minh-bach-146091.html