Thích ứng và làm chủ AI
Do đặc thù công việc nên anh Đỗ Văn Duyên, Trưởng phòng Chuyển đổi số và truyền thông, Trung tâm Khoa học công nghệ và chuyển đổi số Bình Phước thường xuyên sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ. “Với các câu lệnh ngắn gọn đặt ra cho ChatGPT, tôi chỉ mất vài giây chờ đợt, kết quả đáp ứng khoảng 90% nội dung cần tìm. Các công cụ này đã giúp tôi rút ngắn từ 70-90% thời gian so với yêu cầu công việc đặt ra. Có những công việc trước đây phải làm vài ngày thì nay chỉ cần vài tiếng đồng hồ là xong. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, AI ngày càng trở nên phổ biến và thâm nhập sâu rộng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, cán bộ, công chức cần biết khai thác các ứng dụng AI để giúp giảm áp lực và thúc đẩy tiến độ công việc được xử lý nhanh chóng và thuận tiện hơn” – anh Duyên chia sẻ.
Bình Phước đang rất quan tâm, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức trang bị kiến thức, kỹ năng đưa AI vào thực tiễn công việc, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Đặc biệt, trong giai đoạn tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, khối lượng công việc của cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều. Trong điều kiện đó, AI sẽ giúp cán bộ, công chức giải quyết công việc trên hệ thống thông suốt hơn. Ông Vũ Thanh Ngữ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Trước đây tìm hiểu tài liệu phải làm thủ công, nay có AI hỗ trợ chỉ tìm trong tích tắc, thời gian xử lý công việc cũng được rút ngắn tối đa. Qua các lớp tập huấn và tự học, tôi đã chủ động sử dụng AI một cách tối ưu, biến nó thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong công việc của mình.
Lĩnh vực giáo dục, các trường học trong tỉnh cũng từng bước ứng dụng AI vào dạy và học, đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích học sinh sử dụng AI, ChatGPT như một công cụ tìm kiếm, mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng trong giải quyết vấn đề và kiến thức ngoài sách giáo khoa.
Em Trần Vũ Ngọc Đạt, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Hùng Vương, TP. Đồng Xoài chia sẻ: “Em đã sử dụng AI để phân tích bài toán, tìm kiếm tài liệu và thậm chí là hỗ trợ viết mã nguồn cho các ứng dụng thực tế. Điều này không chỉ giúp chúng em tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao tư duy sáng tạo trong học tập. Tuy nhiên, AI như con dao 2 lưỡi, nếu sử dụng không đúng cách thì sẽ biến mình trở nên thụ động”.
Mỗi người cần có một trợ thủ AI
Nhằm nâng cao năng lực công nghệ số và ứng dụng AI trong công tác hành chính, học tập, Bình Phước đã mở các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng AI cho cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng các công cụ AI như: ChatGPT, Google Gemini… để ứng dụng cho hoạt động quản lý nhà nước như: soạn thảo văn bản hành chính; tạo báo cáo, quản lý tài liệu, phân tích dữ liệu; lập kế hoạch; viết kịch bản báo cáo, thuyết trình hội nghị… Việc ứng dụng có chọn lọc các ứng dụng AI sẽ hỗ trợ cán bộ, công chức khi xử lý công việc hành chính trên nền tảng số.
Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Bình Phước cho rằng: AI đang là “trợ thủ” giúp tôi quản lý, điều hành các chương trình đào tạo; quản lý đơn vị trực thuộc, khoa, phòng. Trong giảng dạy, AI giúp soạn thảo giáo trình, giáo án, chương trình đào tạo, tiến độ đào tạo… Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, tôi cũng kết hợp AI với kiến thức và kinh nghiệm cá nhân để đưa ra quyết định trong công việc chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào nó.
Theo ông Nguyễn Thăng Long, chuyên gia đào tạo AI, Giám đốc đào tạo Học viện AI Citys, không thể phủ nhận AI đang rút ngắn 80-90% thời gian giải quyết công việc cho cán bộ, công chức. Dù làm việc ở bất kỳ ngành nghề nào, hãy biến AI thành công cụ phục vụ công việc cho mình. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều có thể tự học, tự nâng cao năng lực số, ứng dụng AI vào công việc hằng ngày hiệu quả, cũng như tránh những mặt trái của AI. Nếu không làm chủ được dữ liệu, không biết ứng dụng AI vào công việc hằng ngày, chính chúng ta sẽ tự đào thải mình.
AI không thay thế được con người nhưng nó sẽ thay đổi đáng kể tính chất và cách thức triển khai các công việc của chúng ta nếu được sử dụng hiệu quả. Thay vì nỗi lo mất việc vì AI, mỗi cán bộ, công chức cần nhanh chóng học cách làm việc cùng AI, điều hành AI như một trợ lý ảo ngay trong tầm tay mình. Mỗi người nên có ít nhất một trợ lý AI trong công việc. Chủ động học tập và ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt mới là “chìa khóa” để chúng ta không chỉ đứng vững mà còn tiên phong trong kỷ nguyên số. Ông ĐINH DUY LINH, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Khoa học công nghệ, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông TP. Hồ Chí Minh |
Các lớp đào tạo kỹ năng sử dụng AI Bình Phước đang triển khai là hoạt động nhằm thực hiện chương trình “Bình dân học vụ số” đến các địa phương trong tỉnh, cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhất là tiến tới việc tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bắt buộc đội ngũ cán bộ, công chức phải có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số để có thể giải quyết công việc nhanh nhất, hiệu quả nhất nhưng ít tốn thời gian nhất. Và AI chính là trợ thủ đắc lực có thể giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
https%3A%2F%2Fbaobinhphuoc.com.vn%2Fnews%2F502%2F172690%2Fbien-ai-thanh-tro-thu-dac-luc