Dùng AI để học, mua sắm, giải trí – lợi hay hại tùy cách dùng
Trước đây, anh Trần Hiếu (quận Tân Phú, TP.HCM) từng sử dụng vài công cụ hỗ trợ viết nội dung, chỉnh sửa video đăng lên trang bán đồ ăn. Nhưng kể từ khi tham gia lớp học trực tuyến bốn buổi về AI trong marketing, anh phát hiện nhiều công cụ mới lạ như Runway, WeShop AI và học được cách viết prompt hiệu quả, sáng tạo clip từ âm thanh và video thô nhờ AI. “Người ta hướng dẫn rõ cách viết nội dung hấp dẫn hơn cho TikTok, Facebook. Tôi còn biết chỉnh giọng văn theo phong cách trẻ trung, nghiêm túc hoặc lãng mạn, rất tiện lợi”, anh nói.
Một lớp học online về ứng dụng AI trong marketing thu hút hơn 200 học viên đủ mọi ngành nghề. Giảng viên Hoàng Mạnh Cường đặt vấn đề thực tế: Làm sao dùng AI để tạo nội dung, video thu hút khách hàng? Học viên Thanh Thùy (28 tuổi, quận Gò Vấp) – chủ một kênh bán nước hoa kể từng quay cả chục video công phu mà vẫn không tăng lượt xem. “Học xong mới biết có thể dùng AI để lên ý tưởng, viết kịch bản, dựng video. Tôi không giỏi công nghệ nhưng sẽ tập dùng dần”, chị chia sẻ. Còn anh Lâm Phúc (Bình Dương), kinh doanh tấm lót bàn ăn, xác định AI là công cụ để cải thiện việc tiếp thị và tiết kiệm chi phí nhân sự.
Giảng viên cũng chỉ ra rằng AI có thể giúp tạo idol ảo, nội dung đa nền tảng, chạy quảng cáo thông minh. Từ đó giúp lan tỏa thương hiệu mà người bán không cần lộ diện. Lấy ví dụ minh họa, ông nhập một câu lệnh vào ChatGPT: “Hãy viết kịch bản TikTok 90 giây về mẹo trị mụn tại nhà cho dân văn phòng tuổi 25-30, văn phong vui vẻ”. Ngay lập tức, một kịch bản hoàn chỉnh hiện ra, gồm lời thoại, bối cảnh, đạo cụ…
Các lớp học kiểu này giới thiệu nhiều công cụ AI: HeyGen, Synthesia (tạo video giới thiệu sản phẩm); Meta Ads AI, TikTok Ads AI (chạy quảng cáo thông minh); Canva AI, ChatGPT (viết nội dung, thiết kế hình ảnh). Một số đơn vị còn cung cấp khóa học cho doanh nghiệp, tích hợp AI vào vận hành, bán hàng, quản trị.
Thị trường hiện có vô số khóa học online về AI với học phí dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Có khóa dạy sử dụng ChatGPT từ A-Z chỉ 890.000 đồng (giá khuyến mãi), cũng có khóa chuyên sâu đào tạo “người huấn luyện AI” lên tới 14,5 triệu đồng/18 buổi. Ngoài ra, các khóa miễn phí cơ bản thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội như một cách tiếp thị thu hút học viên mới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Cấn Mạnh Linh – người đào tạo kinh doanh trên TikTok, học AI hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào mục tiêu cụ thể của người học. “Nhiều người học theo phong trào, cưỡi ngựa xem hoa, không đi sâu. Trong khi muốn AI hỗ trợ tốt, cần biết mình muốn gì”, ông cho biết.
Không chỉ phục vụ công việc kinh doanh, AI đang trở thành “trợ lý học tập” đắc lực của nhiều học sinh, sinh viên. Như Phan Phước Lam King (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) sử dụng ChatGPT để hiểu bài nhanh hơn, nhất là với bài tập khó. Còn Phạm Nguyễn Đan Trường (ĐH Bách khoa TP.HCM) áp dụng AI để tóm tắt tài liệu, giải thích thuật ngữ, và dự báo nhu cầu doanh nghiệp trong đề tài nghiên cứu logistics.
Đối với Nguyễn Lê Hoàng Long (THPT chuyên Vĩnh Phúc) là người dùng AI thường xuyên trong học tập và dạy học. “Notion AI giúp mình viết luận IELTS, còn Tome hỗ trợ tạo slide PowerPoint sinh động khi dạy gia sư”. Theo Long, AI giúp cá nhân hóa việc học, tạo phản hồi tức thì, và hỗ trợ tự động hóa quản lý thời gian, dữ liệu.
Em Lê Bảo Ngọc, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM lại xem AI là “người thầy thứ hai”. “Mình dùng ChatGPT để dịch, tóm tắt, còn Dall-E để tạo hình ảnh minh họa bài học mà không tốn thời gian”.
Cũng như các sinh viên nói trên, Nguyễn Tạ Huy Hoàng (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) thì cho rằng AI đang thay đổi cách viết báo cáo, đề xuất nội dung, hỗ trợ viết mã code (qua GitHub Copilot, Blackbox) và tối ưu công việc hàng ngày như lên lịch tự động, dẫn đường.
5 mẹo giúp sử dụng AI hiệu quả và an toàn hơn
Theo các chuyên gia, để AI thực sự hữu ích, người dùng cần lưu ý những nguyên tắc sau:
1. Viết câu lệnh chi tiết, cụ thể: Thay vì ra lệnh mơ hồ, hãy mô tả rõ yêu cầu, mục tiêu, giọng văn… để AI hiểu đúng và phản hồi sát ý bạn.
2. Kiểm tra lại kết quả: AI có thể “ảo giác” và đưa ra thông tin sai. Hãy kiểm chứng qua các nguồn tin cậy hoặc hỏi lại với cách diễn đạt khác.
3. Giữ bí mật dữ liệu cá nhân: Tránh đưa thông tin nhạy cảm vào các hệ thống AI, đặc biệt khi dữ liệu được xử lý trên đám mây.
4. Không nhân cách hóa AI: AI không “nghĩ”, không “biết yêu thương” – nó chỉ mô phỏng trí tuệ. Hãy xem AI như một công cụ, không phải con người.
5. Cân nhắc thời điểm dùng AI: AI phù hợp với các nhiệm vụ lặp lại, ít sáng tạo. Đừng kỳ vọng AI thay thế cảm xúc hoặc trực giác con người.
AI đang trở thành công cụ không thể thiếu trong học tập, kinh doanh và cuộc sống. Nhưng để tận dụng đúng, người dùng cần học cách “sống chung” với AI một cách có hiểu biết – từ kỹ năng viết prompt, kiểm tra phản hồi đến giữ an toàn dữ liệu cá nhân. Dùng AI đúng cách không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mở ra những cơ hội sáng tạo không giới hạn.
Duy Trinh (t/h)
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fnguoi-dung-ai-thong-minh-biet-tan-dung-va-biet-canh-giac-d232710.html