Từ ngày 15/5 – 16/5, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng Đoàn công tác Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT) với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững: Kết nối, đổi mới, thịnh vượng” tại tại Jeju, Hàn Quốc.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn, cuộc họp nhấn mạnh vai trò lâu dài của APEC trong việc duy trì hệ thống thương mại, đầu tư cởi mở và có thể dự đoán.
Với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững: Kết nối, đổi mới, thịnh vượng”, các thành viên APEC cùng thảo luận về cách APEC có thể hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và xem xét các đề xuất cụ thể để thúc đẩy chương trình nghị sự Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), thúc đẩy thương mại kỹ thuật số, tăng cường khả năng phục hồi và kết nối chuỗi cung ứng. Đồng thời, tăng cường hợp tác về các sáng kiến tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Hội nghị được tổ chức theo 3 phiên, gồm: Phiên 1 về “Trí tuệ nhân tạo cho thương mại” để tạo thuận lợi cho thương mại. Phiên họp thứ hai, “Kết nối thông qua Hệ thống thương mại đa phương” sẽ thảo luận về các cách đổi mới WTO và vai trò của APEC trong việc khôi phục hệ thống thương mại đa phương.
Phiên họp thứ ba, “Thịnh vượng thông qua thương mại bền vững” sẽ được tổ chức vào ngày 16/5 để thảo luận về các cách thức hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, bao gồm ứng phó với khủng hoảng khí hậu cũng như chuỗi cung ứng ổn định.
Ngay sau các phần phát biểu khai mạc, Hội nghị bước vào Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo cho thương mại”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên – Trưởng đoàn công tác của Việt Nam là diễn giả thứ 3 phát biểu trong Phiên thảo luận.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 của Việt Nam, AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
Chia sẻ quan điểm về AI và thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin: Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những cơ hội cho thương mại, cả trực tiếp và gián tiếp.
Cụ thể, về tác động trực tiếp, AI có thể được ứng dụng để giảm chi phí thương mại liên quan đến hậu cần, quản lý chuỗi cung ứng, hỗ trợ tự động hóa và hợp lý hóa quy trình thông quan và kiểm soát biên giới, dự báo rủi ro…
Thương mại điện tử sẽ hiệu quả hơn với AI bởi nhờ khắc phục được rào cản ngôn ngữ và giảm thiểu chi phí tìm kiếm và khớp lệnh. Tất cả những điều này sẽ góp phần giảm chi phí, từ đó giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường toàn cầu hiệu quả hơn và tham gia sâu hơn vào thương mại quốc tế. Với ý nghĩa đó, Việt Nam hoan nghênh Sáng kiến AI APEC với tầm nhìn “Xây dựng tương lai bền vững với AI: Tăng trưởng kinh tế sáng tạo trên toàn châu Á – Thái Bình Dương”.
Về tác động gián tiếp, AI thúc đẩy nhu cầu và thương mại các sản phẩm liên quan đến công nghệ. Việc đào tạo và ứng dụng AI làm tăng nhu cầu đối với các hàng hóa bổ sung liên quan đến cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin, dịch vụ máy tính và viễn thông, công cụ phát triển chuyên biệt và thư viện phần mềm.
Nhiều hàng hóa và dịch vụ AI (như vật liệu bán dẫn, Điện thoại thông minh) này được cung cấp bởi một số ít nền kinh tế, do vậy, thương mại quốc tế đóng vai trò là kênh chính thúc đẩy sự phát triển AI trong khu vực và thế giới.
Xa hơn nữa ở thượng nguồn (upstream) chuỗi giá trị, các hoạt động khai thác, chế biến kim loại – khoáng sản quan trọng là đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa liên quan đến AI sẽ trở nên sôi động hơn.
Thứ hai, bên cạnh những cơ hội, Bộ trưởng Diên cho rằng, các nền kinh tế APEC phải cân nhắc và giải quyết những rủi ro, thách thức để đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều có thể hưởng lợi đầy đủ từ việc ứng dụng AI trong thương mại.
Về mặt pháp lý, bản chất tiến hóa của AI khiến có đôi khi các quy định trong nước khó bắt kịp thực tiễn, đặc biệt là các quy định chuyên ngành về sở hữu trí tuệ và dữ liệu… Về hợp tác quốc tế, số lượng ngày càng tăng các sáng kiến hợp tác song phương và khu vực về quản trị AI, nhiều sáng kiến tập trung vào các ưu tiên khác nhau, làm tăng nguy cơ tạo ra cách tiếp cận rời rạc hoặc trùng lắp trong hoạt động.
Các ưu tiên chính sách trong nước khác nhau, việc thiếu một tiêu chuẩn chung về AI đã gây ra sự phân mảnh quy định pháp lý ngày càng tăng liên quan đến AI. Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Công Thương cho biết, Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của chủ nhà Hàn Quốc và ủng hộ bắt đầu thảo luận về khả năng thành lập Diễn đàn Tiêu chuẩn AI trong APEC, từ đó góp phần xây dựng một khuôn khổ quản trị AI toàn cầu thống nhất.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp song phương với Tổng giám đốc WTO theo đề xuất của WTO. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương khẳng định, Việt Nam luôn tôn trọng, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và đề nghị WTO phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trung tâm trong việc duy trì trật tự thương mại toàn cầu. Bộ trưởng cho rằng, WTO cần được cải cách toàn diện để củng cố, phát huy vai trò của mình và thích ứng với những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới hiện nay.
Theo Bộ trưởng Diên, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng các các thành viên WTO khác trong việc thúc đẩy thảo luận về các sáng kiến, giải pháp cải cách WTO để trình lên các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 14 dự kiến sẽ diễn vào tháng 3/2026 tại Cameroon.
Tuấn Kiệt
https%3A%2F%2Fthuonghieuvaphapluat.vn%2Fbo-cong-thuong-neu-quan-diem-ve-ai-va-thuong-mai-tai-hoi-nghi-apec-d73692.html