Các trung tâm dữ liệu được ví như cỗ máy ngốn năng lượng khổng lồ, gây sức ép lên lưới điện và nguồn nước, vốn đang phải chịu áp lực rất lớn.
Việt Nam đặt nhiều tham vọng trong nỗ lực khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo (A.I) và chuyển đổi số.
Email và chai nước
Để phục vụ cho một nền kinh tế số, Việt Nam đang sở hữu vài chục trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ với tổng công suất toàn quốc là 182 MW, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 870 MW được đặt ra cho năm 2030. Chẳng hạn, Viettel đang xây dựng 11 trung tâm dữ liệu quy mô lớn với tổng công suất 350 MW. Ngoài ra, tỉ lệ sử dụng A.I ngày càng tăng trong bộ phận dân số am hiểu công nghệ rất đông đảo ở Việt Nam cũng đang góp phần vào nhu cầu toàn cầu lớn hơn, thúc đẩy việc xây dựng thêm nhiều trung tâm dữ liệu ở các nước láng giềng như Singapore và Malaysia.
Ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC, dẫn dự báo của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, trong vòng 10 năm qua, tổng doanh thu toàn cầu về sản phẩm và dịch vụ tăng trưởng từ 2.500 tỉ USD năm 2023 lên khoảng 16.400 tỉ USD vào năm 2033, tức tăng khoảng 6,5 lần. Trong đó, thị phần đóng góp của A.I tăng từ 189 tỉ USD lên 4.772 tỉ USD, tức tăng trưởng gấp 25 lần. Điều đó cho thấy A.I đã trở thành công nghệ vượt trội, có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống và trở thành nhân tố quan trọng của thế giới công nghệ hiện nay.
Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng tương đối cao, dự báo đạt 630 triệu USD trong năm nay và sẽ chạm mốc 1,1 tỉ USD vào cuối thập kỷ. Sự gia tăng đột biến của các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới dự kiến gây áp lực lên lưới điện và nguồn nước ở các quốc gia.
“Nhiều người coi A.I là một công nghệ kỳ diệu, tồn tại trên hạ tầng đám mây và không có tác động lên thế giới bên ngoài. Thế nhưng, thực tế là mỗi câu lệnh A.I đều tiêu hao tài nguyên vật lý từ nơi nào đó trên thế giới”, Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết.
Theo Viện Nghiên cứu Điện năng (EPRI), một yêu cầu tìm kiếm trên A.I sử dụng nhiều điện hơn khoảng 10 lần so với tìm kiếm Google thông thường (2,9 Wh so với 0,3 Wh). Việc tạo một email 100 từ bằng ChatGPT cần khoảng 0,14 kWh điện, tương đương với việc cung cấp năng lượng cho 14 bóng đèn LED trong 1 giờ và 1 chai nước. Nếu tính riêng lẻ, đây có thể được coi là một lượng nhỏ, nhưng nếu cộng lại trên quy mô toàn quốc thì tác động sẽ rất lớn. “Nếu cứ 1 trong 10 người lao động Việt Nam sử dụng A.I hằng ngày chỉ để viết email, nguồn lực tiêu hao cả năm sẽ lên đến hàng trăm ngàn mét khối nước và đủ điện để cung cấp cho một quận nhỏ ở thành thị”, chuyên gia RMIT nói thêm.
Dễ tổn thương và cách cân bằng
Theo Cushman & Wakefield, Việt Nam sở hữu 51 MW công suất trung tâm dữ liệu đang hoạt động, 11 MW đang xây dựng và dự kiến có thêm 28 MW trong tương lai. Để dễ hình dung, 1 MW có thể cung cấp điện cho khoảng 800-1.000 ngôi nhà trong một năm với điều kiện sử dụng bình thường.
Việc có thêm nhiều trung tâm dữ liệu quy mô lớn hơn đi vào hoạt động ở Việt Nam sẽ đặt ra thách thức đáng kể bởi tình trạng thiếu điện đang xảy ra định kỳ. Với việc nhiệt điện than chiếm 1/2 sản lượng điện của Việt Nam và dự kiến công suất được mở rộng thêm 15% (theo Reuters), lượng khí thải carbon từ nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ năng lượng cao hơn khi dùng A.I.
Cũng như vậy, theo World Bank, đến năm 2030, ước tính 70% công suất trung tâm dữ liệu toàn cầu sẽ phục vụ A.I, đòi hỏi giải pháp làm mát và năng lượng mới. Các công ty công nghệ cũng đang nghiên cứu giải pháp cho bài toán này. Microsoft, Google và những nhà cung cấp lớn khác đang đầu tư vào các trung tâm dữ liệu hiệu quả hơn và khám phá các phương pháp làm mát sử dụng ít nước hơn.
Một ví dụ đáng chú ý ở Việt Nam là trung tâm dữ liệu công suất 30 MW của Viettel tại Hòa Lạc – công trình sử dụng công nghệ xanh và năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ. Trung tâm dữ liệu xanh của FPT Telecom được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế Tier 3, tích hợp các công nghệ làm mát tiên tiến, hệ thống quản lý năng lượng thông minh với hơn 30.000 máy chủ…
Đại diện của Cummins cho rằng các trung tâm dữ liệu cần chuyển sang năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm dấu vết carbon và tiến hành kiểm kê carbon để có cơ sở đánh giá cụ thể. “Chúng ta cần một phong trào phát triển kỹ thuật số bền vững tại Việt Nam, nơi các chi phí môi trường tiềm ẩn được ghi nhận công khai”, Tiến sĩ Scott McDonald cho biết.
Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo lên khoảng 39% vào năm 2030. Vì vậy, các nhà vận hành trung tâm dữ liệu cũng cần phải theo đuổi mục tiêu bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục số hóa nhanh chóng, việc hiểu được tác động thực tế của các công cụ ảo sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Giải pháp chắc chắn không phải là từ bỏ A.I – công nghệ mang đến lợi ích thực sự về năng suất – mà là sử dụng A.I một cách có ý thức. “Lần tới khi định yêu cầu A.I soạn một email đơn giản, hãy nhớ rằng email đó tốn hết một chai nước và lượng điện đủ để bạn thắp sáng bàn làm việc trong nhiều giờ”, Tiến sĩ Scott McDonald nói.
Có thể bạn quan tâm
https%3A%2F%2Fnhipcaudautu.vn%2Fcong-nghe%2Fchi-phi-ngam-cua-ai-3362772%2F