Home Tin tức AI Chiến thuật dùng AI “ngược” giúp startup Việt nhân đôi quy mô

Chiến thuật dùng AI “ngược” giúp startup Việt nhân đôi quy mô

0

AI không thay thế bạn nhưng những người dùng AI sẽ làm điều đó

Trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế con người nhưng những ai biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ làm được điều đó”. 

Đây là điều Nguyễn Việt Hùng (SN1995), CEO một công ty phát triển phần mềm ứng dụng AI tại Hà Nội, vài năm trước, thường xuyên nói với nhân sự của mình.

Nguyễn Việt Hùng (SN1995), CEO một công ty phát triển phần mềm tại Hà Nội.

CEO này cho biết, từ những buổi trò chuyện trong công ty, mọi người dần thay đổi nhận thức, chuyển từ tò mò sang chủ động tìm hiểu vì không muốn bị tụt lại phía sau.

Ngay từ sớm, công ty đã định hướng 100% nhân sự cần biết cách tích hợp AI vào công việc nhưng hiểu như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng nắm rõ.

“Trí tuệ nhân tạo là một khái niệm rất rộng. Ngoài kia có khoảng 30.000 đến 40.000 công cụ khác nhau. Nếu chỉ nói rằng nhân sự cần biết dùng AI thì rất chung chung”, anh nhận xét.

Theo Hùng, việc sử dụng các công cụ phổ biến như ChatGPT chỉ là bước khởi đầu. Điều tạo ra sự khác biệt nằm ở khả năng ứng dụng AI chuyên sâu theo từng lĩnh vực. 

“Trí tuệ nhân tạo sẽ không thay thế con người nhưng những ai biết cách sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ làm được điều đó”, Hùng chia sẻ.

Đây là loại công cụ được thiết kế riêng cho các lĩnh vực như phần mềm, kiểm thử, tài chính, chăm sóc khách hàng… và chính là “vũ khí” tạo lợi thế vượt trội cho người biết khai thác.

Dữ liệu từ công ty cho thấy, sau khi đưa các công cụ AI chuyên biệt vào quy trình làm việc, tốc độ phát triển phần mềm tăng gấp ba, thậm chí gấp bốn lần. Tỷ lệ lỗi cũng giảm khoảng một nửa. 

Thay vì đi theo hướng cắt giảm nhân sự khi AI đã giúp “một người làm việc bằng 3”, CEO này cho biết, chiến lược của mình là giữ nguyên nhân sự để tạo được sự tăng trưởng đột biến về số lượng và chất lượng công việc. Từ đó, doanh nghiệp có thể bước vào sân chơi lớn hơn.

Tuy nhiên, Hùng nhấn mạnh rằng không phải cứ dùng AI là mang lại hiệu quả.

“Việc gì cũng có hai mặt. Với những người tiếp cận máy móc, không hiểu rõ bản chất công việc, việc dùng công cụ có thể khiến mọi thứ thêm rối rắm. Sai sót tăng lên, hiệu suất giảm đi, bởi họ không đủ khả năng kiểm soát đầu ra của AI”, giám đốc trẻ nhận định.

Từ thực tế đó, công ty xây dựng nguyên tắc rõ ràng: không sử dụng AI nếu chưa thực sự nắm chắc chuyên môn. Nếu không người dùng sẽ chỉ là mắt xích yếu trong một hệ thống rối loạn.

“Phải hiểu bản chất đầu ra của công cụ. Nếu không, sẽ tạo ra một hệ thống chắp vá, không duy trì được và đầy rủi ro với khách hàng”, Hùng nói thêm.

Công cụ AI giống như một con dao hai lưỡi.

Năng suất tăng vọt nhờ AI, nhân sự có được tăng lương?

AI được ứng dụng chuyên biệt theo nhiều hướng tại doanh nghiệp này.

Nhóm kiểm thử không còn phải soạn tay tài liệu hay kịch bản mà tập trung tối ưu hóa quy trình để AI tự động xử lý phần còn lại.

Nhóm chăm sóc khách hàng và phát triển giải pháp cũng sử dụng công cụ để phân tích dữ liệu, hiểu rõ người dùng hơn và đưa ra đề xuất sát nhu cầu hơn.

AI được ứng dụng chuyên biệt theo nhiều hướng tại doanh nghiệp này.

“Khi bạn hiểu khách hàng đủ sâu, bạn mới đưa ra được giải pháp có xác suất thành công cao”, Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, năng suất tăng lên cũng kéo theo áp lực mới: nhân sự có được hưởng phần giá trị tạo thêm hay không? 

Đây không phải là bài toán dễ với bất kỳ doanh nghiệp nào. Trước đây, mỗi khi phát triển một tính năng mới, đội ngũ thường họp để ước lượng thời gian cần thiết. Nhưng hiện tại, khi AI đã rút ngắn đáng kể thời gian triển khai, kỳ vọng cũng thay đổi. 

“Nhân sự cũng thấu hiểu điều đó. Họ hiểu nếu còn giữ cách làm cũ, họ sẽ là người đầu tiên bị xem xét lại. Hoặc bạn thay đổi hoặc doanh nghiệp buộc phải thay đổi bạn”, anh thẳng thắn.

Theo Hùng, khi AI giúp tăng năng suất, sẽ dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp bán sản phẩm rẻ đi để chạy đua về giá. CEO này ví von như câu chuyện “được mùa mất giá” của người làm nông.

“Do đó, không phải nhân sự tăng gấp 3 lần khối lượng công việc làm được so với trước kia nhờ AI mà sẽ được tăng gấp 3 lần thu nhập. Tuy nhiên, họ cũng sẽ có mức tăng trưởng lương, thưởng tốt hơn nhờ doanh thu công ty tăng do lợi thế mà AI tạo ra. Điều này giúp các nhân sự có thêm động lực tìm tòi và ứng dụng sâu AI vào tác vụ hiện có”, Hùng chia sẻ.

Thị trường bước vào giai đoạn sàng lọc

Thị trường phần mềm ứng dụng trí tuệ AI đang bước vào giai đoạn biến động mạnh. Theo vị CEO 9X, có hai thay đổi lớn đang định hình lại toàn ngành. Đó là rào cản gia nhập giảm mạnh và áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt.

“Trước đây, để xây dựng một công ty phần mềm cần đầu tư nhiều thứ: từ nhân sự, hạ tầng đến công nghệ. Bây giờ, chỉ với một nhóm nhỏ, thậm chí một lập trình viên độc lập, cũng có thể tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh. Các công cụ AI khiến mọi thứ trở nên dễ tiếp cận hơn rất nhiều”, Hùng nhận định.

Theo Hùng, thị trường phần mềm ứng dụng trí tuệ AI đang bước vào giai đoạn biến động mạnh.

Khi việc tham gia thị trường trở nên dễ dàng, hệ quả tất yếu là phân mảnh. Nhiều đơn vị nhỏ xuất hiện với mô hình linh hoạt, cách tiếp cận đa dạng. Nguồn cung tăng, cuộc đua về giá sớm diễn ra. 

Ngay cả công ty của Hùng cũng đã điều chỉnh chiến lược về giá để thích nghi. Tuy nhiên, anh khẳng định đây không phải là kết quả của việc đánh đổi chất lượng mà xuất phát từ năng suất tăng lên rõ rệt. 

“Số lượng lập trình viên không thay đổi nhiều nhưng số lượng dự án tăng gần gấp đôi trong vòng một năm. AI giúp rút ngắn thời gian, giảm áp lực lên nhân sự, từ đó chi phí sản xuất cũng giảm theo”, Hùng chia sẻ.

Dưới góc nhìn của Hùng, đó là sự vận hành tự nhiên của quy luật cung cầu. Khi năng suất tăng, chi phí giảm, giá dịch vụ cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng. 

“Dù muốn hay không, toàn ngành cũng sẽ phải thay đổi theo hướng đó”, anh nói.

Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh rằng giá cả chưa bao giờ là yếu tố đầu tiên mà khách hàng quan tâm. 

Trong lĩnh vực phát triển phần mềm, yếu tố được cân nhắc trước tiên luôn là năng lực chuyên môn, khả năng hỗ trợ dài hạn và danh mục dự án đã thực hiện. Trí tuệ nhân tạo có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ vận hành, nhưng không thể thay thế được nền tảng năng lực lõi của doanh nghiệp.

Áp lực cạnh tranh cũng kéo mặt bằng chất lượng chung đi lên. Khi mọi đơn vị đều buộc phải tối ưu hóa quy trình, sản phẩm sau cùng của ngành cũng dần tốt hơn nhưng ở một chiều khác, thị trường cũng đang tái cấu trúc.

Tận dụng AI, doanh nghiệp Việt cạnh tranh tốt với quốc tế

Câu hỏi về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam trên thị trường quốc tế đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, nhất là khi làn sóng AI bắt đầu định hình lại toàn bộ ngành công nghệ toàn cầu. 

Khi AI được triển khai đồng loạt trên toàn cầu, thì chính những điều từng là điểm mạnh của Việt Nam như chi phí nhân công thấp hay tốc độ triển khai cũng dần bị thu hẹp.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã được định vị là một trong những quốc gia có ngành gia công phần mềm phát triển nhanh và lớn nhất thế giới. Có ba yếu tố chính làm nên lợi thế đó. 

Thứ nhất, người Việt có nền tảng tư duy logic và toán học tốt, nhờ hệ thống giáo dục chú trọng các môn tự nhiên. Đây là yếu tố rất quan trọng khi đào tạo lập trình viên. 

Thứ hai, mức sống vừa phải giúp duy trì chi phí nhân công thấp. 

Thứ ba, Việt Nam đã xây dựng được uy tín về chất lượng ổn định, tốc độ triển khai nhanh và giá cả hợp lý.

“Ở giai đoạn đầu, công ty tôi nhận được nhiều đơn hàng lớn từ các tập đoàn quốc tế. Khách hàng tìm đến vì chúng tôi đảm bảo được ba yếu tố: làm nhanh, làm tốt, giá phải chăng”, Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, bối cảnh đang thay đổi. Khi AI được triển khai đồng loạt trên toàn cầu, thì chính những lợi thế từng là điểm mạnh của Việt Nam như chi phí nhân công thấp hay tốc độ triển khai cũng dần bị thu hẹp.

“Không chỉ chúng ta biết dùng AI. Các quốc gia khác cũng sẽ ứng dụng được, thậm chí có thể làm nhanh và sâu hơn. Quốc gia nào có chiến lược triển khai thông minh và đồng bộ hơn sẽ nhanh chóng tạo ra lợi thế cạnh tranh mới”, người đứng đầu công ty này nhận định.

Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Một lập trình viên ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể làm việc từ xa cho một doanh nghiệp ở bất kỳ đâu. 

Trong khi đó, với sự hỗ trợ của AI, các doanh nghiệp nước ngoài có thể cắt giảm chi phí bằng cách tận dụng nguồn lực ngay tại chỗ thay vì thuê gia công từ các nước như Việt Nam.

“Khi khoảng cách chi phí giữa trong và ngoài nước dần được san bằng nhờ công cụ thì động lực để thuê ngoài cũng giảm theo. Đây là yếu tố chúng tôi đang quan sát rất kỹ”, CEO 9X chia sẻ thêm.

Về dài hạn, theo anh, Việt Nam vẫn giữ được một vị thế nhất định trong ngành gia công phần mềm quốc tế, bởi nền tảng kỹ thuật và chất lượng đã được chứng minh qua thời gian. Tuy nhiên, không thể chủ quan. Cuộc chơi đang thay đổi.

“Chúng ta không còn cạnh tranh bằng chi phí thấp nữa mà phải cạnh tranh bằng chất lượng, sự hiểu biết ngành, khả năng đổi mới và cả cách ứng dụng AI thông minh đến đâu”, anh nói.

Tốc độ phát triển phần mềm tại Việt Nam đang rất nhanh nhưng tốc độ đó cũng cần đi kèm với chiến lược rõ ràng và khả năng thích ứng kịp thời với những biến động toàn cầu.

AI đang dần trở thành “nhân sự vô hình” của mọi ngành

“Không phải ngành công nghệ, mà chính các doanh nghiệp mới là những người phản ứng nhanh nhất với làn sóng AI”, Nguyễn Việt Hùng nhận định.

Chỉ trong vòng 2-3 năm, kể từ khi ChatGPT và các mô hình AI thế hệ mới xuất hiện, hàng loạt doanh nghiệp đã chủ động tìm cách tích hợp trí tuệ nhân tạo vào gần như mọi mắt xích trong vận hành.

Từ tuyển dụng, quản lý nhân sự, chăm sóc khách hàng đến phát triển sản phẩm,… AI đang hiện diện ngày càng rõ nét.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu phát triển các hệ thống ứng dụng AI đang tăng nhanh, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà cả ở những ngành tưởng chừng ít liên quan như y tế, du lịch hay giáo dục. Các doanh nghiệp không chờ đợi xu hướng mà chủ động tìm cách tận dụng công cụ mới để tạo ra khác biệt”, Hùng cho biết.

Trong tuyển dụng, AI đang được sử dụng để tự động sàng lọc hàng trăm nghìn hồ sơ mỗi ngày, ghép nối thông tin với yêu cầu tuyển dụng, thậm chí đưa ra gợi ý ứng viên phù hợp dựa trên dữ liệu hành vi. “Công việc từng mất hàng tuần, giờ có thể hoàn thành trong vài phút”, Hùng nói.

Lĩnh vực y tế cũng đang chuyển dịch. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu triển khai công nghệ thị giác máy tính (computer vision), cho phép AI “đọc” và phân tích hình ảnh y khoa, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, theo dõi và tự động hóa một phần quy trình chăm sóc bệnh nhân.

Trong ngành du lịch, một số công ty đang phát triển hệ thống có khả năng lên lịch trình hoàn chỉnh: từ đặt khách sạn, chọn điểm ăn uống, xác định lộ trình di chuyển cho đến đề xuất các trải nghiệm cá nhân hóa cho từng du khách. Tất cả dựa trên dữ liệu và hành vi người dùng.

AI không còn là công cụ dành riêng cho kỹ sư hay lập trình viên. Nó đang dần trở thành nền tảng vận hành mới, hiện diện trong mọi ngành nghề và mọi cấp độ tổ chức.

Trong bối cảnh đó, thách thức không chỉ là theo kịp công nghệ, mà là phát triển tư duy thích nghi, làm sao để con người và công cụ phối hợp nhịp nhàng. Và cách mỗi doanh nghiệp trả lời câu hỏi này sẽ định hình vị trí của họ trong tương lai.

Ảnh: Khánh Vi

https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fcong-nghe%2Fchien-thuat-dung-ai-nguoc-giup-startup-viet-nhan-doi-quy-mo-20250503165708164.htm

Exit mobile version