Thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp khá nhịp nhàng với các bộ, ngành khác trong việc tham mưu và triển khai thực hiện các chính sách, phát huy tác dụng tương đối tốt trong việc hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vì một số lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nên một số chính sách chưa thực sự phát huy tác dụng tốt như: chính sách phát triển thị trường vốn, lãi suất; phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy đầu tư công ở một số ngành, lĩnh vực…
Trả lời phỏng vấn TBTCVN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa chỉ thực sự phát huy tốt tác dụng khi được triển khai đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tiền tệ, thông qua công cụ lãi suất và hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thị trường vốn…; thu hút vốn trong, ngoài nước; đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công.
Trong câu chuyện với phóng viên TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, về lâu dài các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán thận trọng hơn. Bởi trên thực tế, các chính sách tài khóa đã trực tiếp đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cũng như người dân được thụ hưởng, về lâu dài cần cân nhắc tránh ảnh hưởng tới mục tiêu cân đối ngân sách.
Những hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng được nhiều chuyên gia của các tổ chức quốc tế có uy tín khuyến cáo lâu nay. Theo đó, Việt Nam nên hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách về xã hội trong chính sách pháp luật về thuế.
Trên thực tế, theo Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu này, tuy nhiên quá trình thực hiện còn tùy vào diễn biến thực tế khi nền kinh tế, doanh nghiệp cần, Chính phủ phải “dang tay” giúp đỡ. Như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đặt mục tiêu sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi thuế không còn phù hợp; hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt hoàn thành các nhiệm vụ. Bộ Tài chính chủ động lên các phương án, kịch bản về chính sách tài khóa trình Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chi ngân sách hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Năm 2025 và những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế trong nước đang dần hồi phục và dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, kể cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trong ngắn hạn và thực hiện chính sách tài chính bền vững trong dài hạn.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước cũng đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, do đó đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc để cùng đoàn kết, quyết tâm đưa đất nước ta phát triển.
Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa vẫn phải cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng là vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia./.
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-tai-khoa-be-do-cho-nen-kinh-te-phat-trien-162194.html