Home Ứng dụng AI Chuẩn hóa quy trình ứng dụng AI để nâng cao sức cạnh...

Chuẩn hóa quy trình ứng dụng AI để nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp

0

Ứng dụng AI từ xu thế tới đòi hỏi tất yếu

Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về AI. Nắm bắt xu hướng này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn ứng dụng AI vào sản xuất và quản trị nhằm nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh.

TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia nhận định, AI không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yếu tố quyết định hiệu suất của doanh nghiệp. Theo báo cáo của Công ty McKinsey năm 2024, 65% lực lượng lao động toàn cầu đã ứng dụng AI tạo sinh (Generative AI) vào công việc, song chỉ 15% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận rõ rệt. Điều này cho thấy, để tận dụng được tiềm năng AI, doanh nghiệp cần cách tiếp cận bài bản và chiến lược hơn.

 Doanh nghiệp cần ứng dụng AI một cách bài bản để phát huy hết khả năng của công nghệ này. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, theo ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), AI đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Chẳng hạn, trong ngành dệt may, Vinatex đã ứng dụng AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp này đã rút ngắn 30% thời gian sản xuất, nâng cao độ chính xác và giảm thiểu lãng phí. Ở ngành da giày, AI được tận dụng để hỗ trợ thiết kế mẫu mã, phân tích xu hướng tiêu dùng và tự động hóa dây chuyền sản xuất.

Trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, Tổng Công ty Máy động lực và Máy công nghiệp (thuộc Bộ Công Thương) đã triển khai AI nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và bảo trì thiết bị. Hay Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông và Công ty CP Thép Hòa Phát cũng đã tích cực ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Những mô hình ứng dụng thực tiễn này cho thấy AI không chỉ còn là một xu hướng công nghệ mà đã trở thành nhân tố thiết yếu, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp tiên phong cũng khẳng định rằng, các ngành sản xuất khác hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng của AI và cần coi đây là mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI đã tăng mạnh từ 33% năm 2022 lên 72% năm 2024, chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ khách hàng, an ninh mạng, quản trị quan hệ khách hàng và sản xuất nội dung. Đặc biệt, các doanh nghiệp ra quyết định dựa trên dữ liệu có khả năng thu hút khách hàng cao hơn 23 lần so với doanh nghiệp truyền thống.

Chuẩn hóa quy trình – chìa khóa để nhân rộng hiệu quả

Mặc dù vậy, theo chuyên gia của FPT Digital, một thực tế đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp hiện nay mới chỉ ứng dụng AI theo hướng rời rạc, thiếu hệ thống. AI thường được sử dụng như “mẹo vặt cá nhân” thay vì là một phần trong quy trình vận hành tổng thể, dẫn đến hiệu quả không đồng đều, khó nhân rộng và dễ lãng phí nguồn lực.

Giải pháp cốt lõi được các chuyên gia khuyến nghị là chuẩn hóa quy trình ứng dụng AI. Việc này không chỉ dừng ở việc lựa chọn công cụ phù hợp mà còn thiết lập quy trình rõ ràng cho toàn bộ tổ chức: từ cách viết câu lệnh (prompt), quy định công cụ theo phòng ban đến thiết lập cơ chế đo lường hiệu quả dựa trên KPI cụ thể.

Ví dụ, một mẫu prompt AI được chuẩn hóa có thể giúp đội marketing tạo nội dung SEO chỉ trong 2 giờ thay vì mất 2 ngày, hay giúp đội bán hàng phân tích dữ liệu khách hàng nhanh chóng, chính xác hơn. Khi chuẩn hóa, doanh nghiệp có thể xây dựng “văn hóa AI” – nơi mọi nhân viên đều sử dụng AI đồng bộ, chủ động, sáng tạo, từ đó đẩy nhanh tiến trình số hóa và nâng cao hiệu quả vận hành.

Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chiến lược AI hóa. Ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, doanh nghiệp đã hệ thống hóa lý luận, xây dựng chiến lược AI dựa trên ba nguyên tắc: hướng định (AI phục vụ trực tiếp sản xuất, kinh doanh), hệ thống (có lộ trình liên tục) và nền tảng (kết nối công nghệ chặt chẽ).

Trên cơ sở này, Rạng Đông ưu tiên ứng dụng AI vào các quy trình gặp điểm nghẽn, các quy trình yếu và quy trình có dữ liệu đầy đủ. Nhờ đó, Rạng Đông đã thương mại hóa thành công hệ sinh thái sản phẩm 4.0, xây dựng hệ thống sản xuất xanh – thông minh, chuyển đổi mô hình quản trị theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn.

FPT Smart Cloud cũng ghi nhận mức độ ứng dụng AI tăng mạnh trong các doanh nghiệp Việt Nam, từ ngân hàng, bảo hiểm đến bán lẻ, sản xuất. Theo ông Hồ Minh Thắng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI (FPT Smart Cloud), Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong ASEAN và thứ 59 thế giới về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI, với mục tiêu vươn lên top 4 ASEAN và top 50 thế giới vào năm 2030.

AI đang mở ra cơ hội đột phá cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để hiện thực hóa tiềm năng đó, doanh nghiệp cần vượt qua giai đoạn “thử nghiệm manh mún” để tiến tới chuẩn hóa quy trình ứng dụng AI một cách bài bản, hệ thống. Đây không chỉ là bước đi kỹ thuật, mà là chiến lược sống còn để nâng cao hiệu quả vận hành, tăng sức cạnh tranh và bứt phá trong kỷ nguyên số.

Duy Trinh



https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fchuan-hoa-quy-trinh-ung-dung-ai-de-nang-cao-suc-canh-tranh-doanh-nghiep-d232797.html

Exit mobile version