Home Vào công việc AI - Bán hàng & marketing Cơ hội thiết thực nâng tầm thương hiệu Việt

Cơ hội thiết thực nâng tầm thương hiệu Việt

0

Vai trò hạt nhân của doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại điện tử đang là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu. Định hướng này được khẳng định rõ trong Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó thương mại điện tử được xác định là lĩnh vực tiên phong, ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa hệ thống sản xuất, mô hình phân phối, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo đà tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, việc hình thành và phát triển một hệ sinh thái thương mại điện tử đồng bộ từ trong nước ra thị trường nước ngoài, từ nhà sản xuất tới kênh phân phối quốc tế hiệu quả là không thể thiếu.

Các trọng tâm chính bao gồm hoàn thiện thể chế và xây dựng chính sách để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và cộng đồng bằng các chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hạ tầng và công nghệ với các giải pháp thanh toán không tiền mặt, logistics thông minh và AI, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tìm kiếm và mở rộng kênh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO của ACCESSTRADE Vietnam cho rằng doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Cấn Dũng

Nói về vai trò của doanh nghiệp trong hệ sinh thái này, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO ACCESSTRADE Vietnam cho biết, doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái thương mại điện tử, đặc biệt là trong việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh việc chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số, marketing số và quản trị dữ liệu. Đây là những yếu tố then chốt giúp hàng hóa Việt có thể tiếp cận hiệu quả hơn với thị trường toàn cầu.

Để làm được điều đó, doanh nghiệp không thể đứng riêng lẻ mà cần liên kết với các nền tảng hỗ trợ, tận dụng mạng lưới dịch vụ hậu cần, thanh toán, phân phối, cũng như các kênh truyền thông quốc tế. Quan trọng hơn, bản thân doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi tư duy kinh doanh, từ tiếp cận truyền thống sang tiếp cận số hóa, lấy dữ liệu làm trung tâm để thấu hiểu người tiêu dùng và điều chỉnh chiến lược phù hợp.

“Nếu doanh nghiệp Việt làm tốt vai trò của mình trong hệ sinh thái, kết hợp hiệu quả với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và nền tảng công nghệ, thì thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ không còn là sân chơi xa vời, mà trở thành cơ hội thiết thực để nâng tầm thương hiệu Việt”, ông Đỗ Hữu Hưng cho hay.

Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, với thương mại điện tử xuyên biên giới, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước mang tính định hướng và tạo nền tảng ban đầu để doanh nghiệp có thể tự tin vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, chú trọng hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương nhằm tháo gỡ rào cản về thuế quan, thủ tục hải quan và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: Phong Lâm

Đồng thời, Nhà nước cũng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn chuyên sâu, cung cấp thông tin thị trường và kết nối với các sàn thương mại điện tử toàn cầu. Việc xây dựng hạ tầng số, hệ thống truy xuất nguồn gốc, và công cụ xác thực uy tín cũng là những trụ cột quan trọng để giúp hàng hóa Việt Nam được quốc tế công nhận và tin dùng.

“Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan như: Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Bộ Công an để quản lý, giám sát các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng về những vấn đề liên quan tới chất lượng hàng hoá trên thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chúng tôi xác định, thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng tầm vị thế, do đó vai trò của Nhà nước là đồng hành, thúc đẩy và tạo điều kiện để quá trình hội nhập số diễn ra thuận lợi, hiệu quả và bền vững”, bà Lê Thị Hà cho hay.

Trong bức tranh kinh tế số Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, thương mại điện tử nổi lên như một động lực then chốt. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tới 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thương mại điện tử, xếp thứ 5 thế giới về tốc độ phát triển. Thương mại điện tử đang tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số và trở thành trụ cột trong nền kinh tế số.

https%3A%2F%2Fcongthuong.vn%2Fthuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-co-hoi-thiet-thuc-nang-tam-thuong-hieu-viet-411834.html

Exit mobile version