Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng AI để tăng tốc chuyển đổi số
Báo cáo “AI for Business: APAC Trends in AI Adoption” do Deloitte – một trong những công ty kiểm toán, tư vấn tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới công bố mới đây cho thấy, Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có mức độ ứng dụng AI cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, 93% doanh nghiệp Việt Nam đã tích hợp ít nhất một công cụ AI vào quá trình giao tiếp và tiếp cận khách hàng, cho thấy sự sẵn sàng cao trong tiếp nhận đổi mới công nghệ.
Theo ông Benjamin Joe – Phó Chủ tịch phụ trách Đông Nam Á của Meta, người tiêu dùng Việt Nam đang thiết lập một chuẩn mực mới trong việc tích hợp AI vào đời sống hằng ngày. “Có tới 15% người tiêu dùng tại đây sử dụng AI để tìm kiếm ý tưởng mua sắm cho mùa lễ – tỷ lệ cao nhất trong số các thị trường được khảo sát. Điều này mở ra cơ hội rất lớn để doanh nghiệp cá nhân hóa trải nghiệm và tăng tốc chuyển đổi số”, ông Benjamin nhận định.
Ông Khôi Lê – Giám đốc Quốc gia của Meta tại Việt Nam cho biết thêm, 66% doanh nghiệp Việt đang dùng AI để giao tiếp với khách hàng và 63% sử dụng AI để tìm kiếm khách hàng mới. Thực tế này cho thấy AI không còn là một công nghệ viễn tưởng mà đã trở thành thành phần cốt lõi trong chiến lược phát triển kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng – CEO một công ty phát triển phần mềm ứng dụng AI tại Hà Nội, ngay từ sớm, công ty đã định hướng 100% nhân sự cần biết cách tích hợp AI vào công việc nhưng hiểu như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng nắm rõ.
“Trí tuệ nhân tạo là một khái niệm rất rộng. Nếu chỉ nói rằng nhân sự cần biết dùng AI thì rất chung chung. Điều quan trọng là biết khai thác các công cụ chuyên biệt phù hợp với từng lĩnh vực”, ông Hùng chia sẻ. Thay vì tập trung vào ChatGPT hay các công cụ phổ thông, doanh nghiệp này đầu tư vào các nền tảng AI chuyên sâu dành riêng cho lập trình, kiểm thử phần mềm, tài chính hoặc chăm sóc khách hàng. Kết quả, tốc độ phát triển phần mềm tăng gấp ba đến bốn lần, tỷ lệ lỗi giảm một nửa. Đặc biệt, thay vì cắt giảm nhân sự – điều dễ thấy khi AI làm thay phần lớn công việc công ty vẫn giữ nguyên đội ngũ nhằm gia tăng sản lượng, mở rộng quy mô hoạt động và tiến vào các thị trường quốc tế.
Rủi ro “ảo giác AI” ngày càng gia tăng
Tuy mang lại những chuyển biến tích cực, sự phát triển nhanh chóng của các mô hình AI đặc biệt là các hệ thống suy luận (reasoning systems) cũng đang đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng, điển hình là tình trạng “ảo giác” (hallucination), khi AI tự tạo ra những thông tin sai lệch một cách thuyết phục.
Một ví dụ điển hình xảy ra vào tháng 4 vừa qua. Bot AI hỗ trợ khách hàng của Cursor – công cụ lập trình do Công ty Anysphere phát triển đã thông báo tới nhiều người dùng rằng họ không còn được sử dụng phần mềm trên nhiều thiết bị. Điều đáng nói là thông tin này hoàn toàn không có thật.
Ông Michael Truell – CEO của Anysphere sau đó xác nhận rằng chính bot AI đã tự “bịa ra” chính sách không tồn tại. Sự cố khiến không ít người dùng tức giận và hủy tài khoản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín sản phẩm và doanh nghiệp.
Theo tờ New York Times, nguyên nhân nằm ở chỗ các chatbot hiện nay dựa trên mô hình học máy phân tích dữ liệu số khổng lồ, nhưng lại không có khả năng xác định được đâu là đúng – sai. Việc “suy đoán” của chúng có thể chính xác ở nhiều tình huống, nhưng cũng dễ dẫn đến sai lệch thông tin trong những ngữ cảnh phức tạp hoặc thiếu dữ liệu nền tảng.
Tình trạng “ảo giác AI” đang được ghi nhận rõ rệt hơn qua các nghiên cứu gần đây. Theo báo cáo của chính Công ty OpenAI – công ty mẹ của ChatGPT, mô hình mới o3 bị “ảo giác” trong 33% câu hỏi thuộc bộ dữ liệu kiểm tra nội bộ về kiến thức con người (PersonQA) cao gấp đôi so với các mô hình o1 và o3-mini (lần lượt 16% và 14,8%). Mô hình o4-mini thậm chí còn sai tới 48% thời lượng bài kiểm tra.
OpenAI thừa nhận trong báo cáo kỹ thuật rằng “cần nghiên cứu thêm để hiểu tại sao tình trạng ‘ảo giác’ lại trở nên tồi tệ hơn” khi các mô hình suy luận được mở rộng quy mô. Việc các AI suy nghĩ nhiều hơn để đưa ra quyết định tưởng như có lợi lại kéo theo nhiều câu trả lời sai lầm hơn, nhất là khi cần đưa ra các lập luận có tính khẳng định mạnh.
Không chỉ OpenAI, các công ty khác như Google hay DeepSeek cũng đang chứng kiến tỷ lệ “bịa đặt” gia tăng. Từ cuối năm 2023, Công ty Vectara của ông Amr Awadallah đã thực hiện các thử nghiệm bằng cách yêu cầu các chatbot tóm tắt những bài báo có thể kiểm chứng. Kết quả cho thấy, dù là nhiệm vụ đơn giản, tỷ lệ chatbot tạo ra thông tin sai lệch dao động từ 3% đến 27%.
Dù hiện tại nhiều công ty đã giảm tỷ lệ này xuống mức 1-2%, nhưng đối với các mô hình suy luận nâng cao, tình trạng “ảo giác” vẫn tăng. Ví dụ, R1 của DeepSeek tăng 14,3%, còn o3 của OpenAI tăng 6,8% so với giai đoạn trước đó.
Vấn đề đặt ra là: khi AI ngày càng được tích hợp sâu vào đời sống và doanh nghiệp, làm sao để kiểm soát và giảm thiểu các hậu quả từ thông tin sai lệch? Giới chuyên gia cho rằng, không thể chỉ phụ thuộc vào công nghệ. Việc đào tạo lại người dùng, thiết lập quy chuẩn kiểm định AI và phát triển hệ thống kiểm tra chéo là những bước đi cần thiết để bảo vệ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi những sai lầm “do máy móc tưởng tượng ra”.
Duy Trinh
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fco-hoi-va-rui-ro-cua-doanh-nghiep-khi-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-d233115.html