Home Ứng dụng AI Vào cuộc sống Cuộc đua AI Mỹ – Trung Quốc: 3 sự kiện định hình...

Cuộc đua AI Mỹ – Trung Quốc: 3 sự kiện định hình giai đoạn mới, đầy cam go

0

Các sự kiện này bao gồm: phiên điều trần của Thượng viện Mỹ với tiêu đề “Chiến thắng trong cuộc đua AI”, nơi các nhà lập pháp đồi Capitol bày tỏ lo ngại rằng khoảng cách dẫn đầu của Mỹ so với Trung Quốc đang nhanh chóng bị thu hẹp; tiếp theo là lệnh cấm toàn cầu của Mỹ đối với chip AI Ascend của Huawei; cuối cùng, Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ thứ hai đã thực hiện chuyến công du Trung Đông để ký hàng loạt thỏa thuận lớn về chip AI với các đồng minh chiến lược trong khu vực.

Nguồn: Minh họa của Fox News

Những cột mốc này cho thấy một bước chuyển trong cuộc đua AI: từ chiến lược kiềm chế sang hình thành các khối liên minh công nghệ; đây không chỉ còn là cuộc cạnh tranh về các mô hình AI, mà là cuộc chiến về tiêu chuẩn, mức độ ứng dụng và cấu trúc của toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu.

DeepSeek và khoảnh khắc Sputnik AI

Ngày 8/5, các lãnh đạo từ các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ OpenAI, Microsoft, CoreWeave và AMD đã ra điều trần trước Quốc hội, cảnh báo rằng lợi thế AI của Mỹ so với Trung Quốc chỉ còn tính bằng vài tháng; hồi đầu năm, Trung Quốc đã khiến Washington bàng hoàng với mô hình AI DeepSeek – phát triển với ngân sách eo hẹp nhưng vẫn cạnh tranh được với các mô hình tiên tiến của Mỹ. Nhiều người ví đây như một “khoảnh khắc Sputnik AI” – gợi nhớ đến cảm giác lo sợ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik năm 1957.

Dù Mỹ vẫn dẫn đầu về đổi mới đột phá, khả năng triển khai hạ tầng quy mô lớn của nước này lại gặp nhiều khó khăn. Một ví dụ điển hình là trung tâm dữ liệu 400 megawatt của Microsoft ở Wisconsin đã bị trì hoãn nhiều năm do vướng mắc môi trường. Trong khi đó, Trung Quốc có thể xây dựng cơ sở tương tự chỉ trong vài tháng nhờ chi phí năng lượng rẻ và mô hình điều phối tập trung. CEO OpenAI Sam Altman đã thẳng thắn: tương lai AI có thể phụ thuộc nhiều hơn vào điện năng chứ không chỉ là trí thông minh.

Từ tranh chấp thương mại đến cấm vận công nghệ

Ngày 13/5, chỉ vài giờ sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm ngừng căng thẳng thương mại trong 90 ngày, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố mọi hoạt động sử dụng chip Ascend của Huawei trên toàn cầu sẽ bị coi là vi phạm luật xuất khẩu của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc lệnh kiểm soát công nghệ của Mỹ đã được mở rộng ra toàn thế giới. Bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào vi phạm có thể bị Mỹ trừng phạt, chẳng hạn mất quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ hoặc bị đưa vào danh sách đen thương mại.

Diễn biến này cho thấy tình trạng leo thang rõ rệt – từ tranh chấp thuế quan sang cấm vận công nghệ, nhưng được giải thích dưới các mỹ từ như “bảo đảm an ninh quốc gia”.

Trung Đông trở thành mặt trận mới

Chỉ vài ngày sau, Tổng thống Donald Trump thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tới vùng Vịnh và thông báo một ngoại lệ chiến lược: Mỹ sẽ xuất khẩu chip hiệu suất cao cho UAE, Ảrập Xêút và Qatar – đảo ngược các chính sách thời Tổng thống Joe Biden; đổi lại, các quốc gia này cam kết xây dựng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ.

Trung Đông, với nguồn vốn dồi dào và chi phí năng lượng thấp đang được định hình như một vùng dự phòng điện toán nếu Đông Á trở nên bất ổn. Những dự án liên doanh như mô hình ngôn ngữ tiếng Ảrập của OpenAI với công ty G42 của UAE cho thấy các cường quốc hạng trung không còn là khán giả, mà đã trở thành người chơi chủ động trong cuộc cạnh tranh AI toàn cầu.

Từ cạnh tranh phần cứng đến thu hút nhân tài

Cuộc đua AI không chỉ dừng ở phần cứng. Phiên điều trần của Thượng viện còn phơi bày một lỗ hổng mềm khác: vốn và nhân lực. Thượng nghị sĩ Dan Sullivan đã cảnh báo về dòng vốn mạo hiểm của Mỹ đang chảy vào các công ty AI Trung Quốc thông qua tài khoản nước ngoài, vô hình trung, Mỹ đang tài trợ cho đối thủ tiềm tàng.

Quan trọng hơn, AI đang trở thành “Chiến tranh Lạnh về trí tuệ”. Chính sách nhập cư cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump và ngân sách nghiên cứu thiếu ổn định khiến các tài năng AI hàng đầu đang rời bỏ Mỹ đến các điểm thân thiện hơn như Singapore hay Abu Dhabi. Trong khi đó, Trung Quốc đang đảo ngược tình trạng “chảy máu chất xám” với những chính sách thu hút nhân tài dựa trên uy tín, tự do học thuật và tinh thần sứ mệnh quốc gia.

Tại các viện nghiên cứu như Viện AI của Đại học Thanh Hoa, chương trình đào tạo “Yao Ban” đang đào tạo thế hệ lãnh đạo mới cho ngành AI Trung Quốc. Nhiều cựu sinh viên đã trở thành lực lượng nòng cốt của các kỳ lân như Megvii hay Pony.ai.

Trung Quốc tăng tốc về ứng dụng và thiết lập luật chơi

Trong khi Mỹ vẫn dẫn đầu về nghiên cứu cơ bản, với các bài báo AI được trích dẫn nhiều nhất, thì Trung Quốc lại vượt trội về ứng dụng thực tiễn – chiếm hơn 70% số đơn đăng ký sáng chế AI toàn cầu và tích hợp công nghệ này vào các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, từ cảng biển đến lưới điện.

Con chip Ascend 910C của Huawei là biểu tượng cho sự chuyển mình này. Với hiệu suất tương đương chip hàng đầu của Mỹ và khả năng vận hành hiệu quả trên phần cứng tiết kiệm, nó là giải pháp lý tưởng cho các tác vụ AI quy mô lớn. Khi kết hợp chặt chẽ phần cứng với phần mềm AI do chính mình phát triển, Huawei đã xây dựng được nền tảng công nghệ bản địa – thu hút đặc biệt với các quốc gia bị loại khỏi mạng lưới công nghệ phương Tây.

Từ hợp tác đa cực đến cạnh tranh lưỡng cực

Lịch sử cho thấy tiến bộ khoa học luôn phụ thuộc vào hợp tác quốc tế. Thực tế, Mỹ và Trung Quốc duy trì mối quan hệ hợp tác khoa học lớn nhất thế giới – gấp đôi so với cặp quốc gia đứng thứ hai. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, một “cấu trúc cạnh tranh lưỡng cực” giữa Mỹ và Trung Quốc đã hình thành, được củng cố bởi các rào cản di chuyển nhân tài, hạn chế hợp tác nghiên cứu và tình trạng phân cực ý thức hệ ngày càng sâu sắc giữa bối cảnh đối đầu công nghệ leo thang.

Cuộc đua AI giờ đây không còn là câu chuyện thiết bị hay thị trường tăng trưởng. Đó là cuộc chiến toàn cầu về quyền xây dựng, điều hành và kiểm soát thế giới số. Hạ tầng công nghệ giờ đây không còn trung lập mà mang tính ý thức hệ rõ rệt.

Trong ngắn hạn, các nước đồng minh của Mỹ có thể hưởng lợi. Nhưng về lâu dài, bức tranh trở nên mơ hồ hơn. Trung Quốc đang xây dựng một hệ sinh thái AI tự chủ, nhất là tại các nước Nam bán cầu. Những quốc gia như Indonesia nổi lên như là những “nhà nước dao động”, được cả hai phía săn đón nhưng không chịu sự ràng buộc rõ ràng nào. Về lâu dài, liên minh công nghệ có thể sẽ giống như các liên minh quốc phòng – quyền tiếp cận thuật toán và năng lực xử lý sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào liên kết địa chính trị hơn là năng lực kỹ thuật.

Các thể chế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn đã suy yếu, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề bởi các khối công nghệ đối lập. Bản đồ thế giới đang được vẽ lại – không phải bởi biên giới địa lý, mà bởi luồng dữ liệu và mạng lưới hạ tầng kỹ thuật số.

Sẽ không có người chiến thắng tuyệt đối trong cuộc chiến AI này. Các quốc gia giờ đây không chỉ phải chọn loại chip mình dùng, mà còn phải chọn luật chơi mà họ tuân theo. Chính sách “không liên kết” đang ngày càng trở nên khó duy trì. Từ Australia đến ASEAN, các chính phủ đang bị đẩy vào thế phải chọn phe.

Có một thực tế đang ngày càng trở nên rõ ràng: giấc mơ về một thế giới công nghệ đa cực hợp tác đang nhường chỗ cho một cuộc đối đầu lưỡng cực cứng rắn. Cuộc đua AI không còn chỉ là cuộc đua ai sáng tạo nhanh hơn, mà là ai kiểm soát, ai thiết lập luật chơi.

https%3A%2F%2Fdaibieunhandan.vn%2Fcuoc-dua-ai-my-trung-quoc-3-su-kien-dinh-hinh-giai-doan-moi-day-cam-go-10372973.html

Exit mobile version