Home Vào công việc AI - Bán hàng & marketing Đại biểu Quốc hội: “Quản lý thế nào mà để cả chợ...

Đại biểu Quốc hội: “Quản lý thế nào mà để cả chợ Ninh Hiệp bán hàng giả?”

0

Những thực trạng nhức nhối về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tổ sáng 23/5 về kinh tế – xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho biết gần đây dư luận rất quan tâm vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu ghi nhận Chính phủ đã quyết liệt, nhanh chóng mở đợt cao điểm tấn công hàng giả, song bà chia sẻ lo lắng khi xu hướng hàng giả ngày càng gia tăng và len lỏi khắp nơi, từ chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử đến các nền tảng xã hội.

“Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo 389 được thành lập từ Trung ương đến địa phương với cơ cấu bộ ngành đầy đủ để phòng chống hàng giả, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp”, bà Nguyệt nói và nhắc đến nhiều vụ hàng giả quy mô khủng gây tổn hại đến người tiêu dùng vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.

Một điều khiến bà Nguyệt băn khoăn nữa, đó là việc không rõ trách nhiệm của các bộ, ngành nên không rõ ai là người phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này, trong khi người dân vẫn phải chịu thiệt thòi vì không thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu tỉnh Hậu Giang Thái Thu Xương cũng chia sẻ bức xúc trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, bao gồm cả sữa giả, thuốc giả.

Đáng chú ý, bà Xương nhắc đến trường hợp chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm (Hà Nội), cả chợ bán hàng giả, hàng nhái và khi có đoàn kiểm tra thì cả chợ đóng cửa toàn bộ. 

“Một chợ rất lớn như vậy, vậy vai trò quản lý thị trường thế nào mà cả chợ bán công khai như thế?”, nữ đại biểu đặt vấn đề và cho rằng các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương phải tăng cường kiểm tra, vì người dân làm sao biết được đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng.

“Tôi rất bức xúc vấn đề này, cả chợ như thế chứ không phải chỉ một vài cửa hàng, vì vậy phải tăng cường quản lý Nhà nước”, nữ đại biểu chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ sáng 23/5 (Ảnh: Phạm Thắng).

Cũng phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành đã phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng muốn dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng.

“Mấy tuần qua, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt với số lượng khủng. Các ban chỉ đạo mình có hết, từ Trung ương tới địa phương, tại sao lại để hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như vậy? Cái này phải kiểm điểm nghiêm túc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo ông, trách nhiệm chính là ở địa phương. Chủ tịch Quốc hội quán triệt phải tăng cường quản lý, các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng nhái quyết liệt hơn để người dân tin tưởng.

“Bây giờ báo đài đưa tin, người dân rất hoang mang không biết ăn gì, uống gì”, Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh thêm phải có giải pháp với hàng giả, hàng nhái thì mới khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), gây thiệt hại lớn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính và ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin đối với môi trường kinh doanh số.

Theo ông, việc thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng công tác quản lý chưa theo kịp đã xuất hiện nhiều hàng trôi nổi, làm giả thương hiệu nội địa, gây mất niềm tin người tiêu dùng.

“Có nhiều doanh nghiệp bức xúc kêu rằng họ liên tục bị làm giả thương hiệu và sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop. Thậm chí, có tình trạng gian thương lợi dụng khuyến mãi để tiêu thụ hàng kém chất lượng”, ông Tuấn nêu thực tế.

Theo ông, nếu không siết chặt quản lý, môi trường thương mại điện tử sẽ mất dần tính minh bạch, bền vững và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Ảnh: Hồng Phong).

Từ những bất cập đã nêu, vị đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành quy định với các nội dung chặt chẽ hơn theo hướng “bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải xác thực danh tính người bán” bằng mã số thuế, CCCD và chịu trách nhiệm liên đới nếu để hàng giả tồn tại.

Ông cũng đề xuất có hình thức xử lý mức phạt cao đối với các sàn thương mại điện tử cố tình cho tồn tại các gian hàng có hàng hóa vi phạm.

Vị đại biểu gợi mở có thể triển khai quy định “Ứng dụng AI để phát hiện dấu hiệu bất thường” về giá, hình ảnh, mô tả sản phẩm; áp dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trên toàn hệ thống, nhất là với sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng nhanh.

Đặc biệt, ông Tuấn đề nghị Chính phủ thí điểm bộ cơ chế kiểm soát hàng giả online tại 3 ngành hàng trọng điểm gồm: mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng, dụng trên các sàn thương mại điện tử lớn (Tiki, Shopee, Tiktok Shop…).

“Việt Nam có tiềm năng lớn trong thương mại điện tử, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát tốt mặt trái, đặc biệt là nạn hàng giả, chính hệ sinh thái số và niềm tin thị trường sẽ bị bào mòn”, ông Tuấn nêu quan điểm.

https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fxa-hoi%2Fdai-bieu-quoc-hoi-quan-ly-the-nao-ma-de-ca-cho-ninh-hiep-ban-hang-gia-20250523115925719.htm

Exit mobile version