Home Công nghệ AI Dự báo việc làm ở Việt Nam dưới tác động của trí...

Dự báo việc làm ở Việt Nam dưới tác động của trí tuệ nhân tạo

0


Bài viết phân tích những thay đổi sâu rộng của thị trường lao động Việt Nam dưới tác động của Trí tuệ nhân tạo.

NCS. Phạm Thị Hồng Hạnh

Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước – Bộ Tài chính

Email: hanhpth1908@gmail.com

PGS.TS. Phan Thế Công

Trường Đại học Thương mại

Email: congpt@tmu.edu.vn

ThS. Trần Đình Thiềng

Công ty CP ĐT&TM Quang Long

Email: thiengdinhtran@gmail.com

Hoàng Bình Minh

Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay Vaeco

Email: minhhb.vaeco@vietnamairlines.com

Tóm tắt

Bài viết phân tích những thay đổi sâu rộng của thị trường lao động Việt Nam dưới tác động của Trí tuệ nhân tạo. Sự bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo một mặt khiến nhiều ngành nghề truyền thống có nguy cơ thu hẹp do tự động hóa, vừa tạo ra những cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực công nghệ cao. Trước những tác động đó, bài viết đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: Đổi mới giáo dục, hoàn thiện chính sách hỗ trợ từ nhà nước, và nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược thích ứng để đảm bảo tăng trưởng bền vững và duy trì khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế số.

Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo, việc làm, thất nghiệp, dự báo việc làm

Summary

Summary This article analyzes the profound transformations occurring in Vietnam’s labor market under the influence of Artificial Intelligence. The surge of artificial intelligence is simultaneously shrinking traditional job sectors through automation while generating new employment opportunities in high-tech fields. In response to these shifts, the article proposes several key solution groups: educational reform, improved government support policies, and enhanced corporate roles in human resource development. It emphasizes that Vietnam must proactively develop adaptive strategies to ensure sustainable growth and maintain competitiveness in the digital economy.

Keywords: Artificial intelligence, employment, unemployment, job forecast

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chuyển đổi số đã tác động không đồng đều đến các ngành nghề chủ lực của Việt Nam, đặc biệt trong công nghiệp và dịch vụ. Theo VietnamWorks (2023), nhu cầu tuyển dụng các vị trí như lập trình viên và chuyên gia dữ liệu tăng 35% mỗi năm từ 2020-2023. Sự phát triển của các công ty như FPT và Viettel Solutions trong lĩnh vực giải pháp số cũng góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm mới.

Cùng với đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi sâu rộng cấu trúc thị trường lao động toàn cầu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2020), đến năm 2025, AI có thể làm mất 85 triệu việc làm nhưng cũng tạo ra 97 triệu cơ hội mới. Điều này cho thấy AI không chỉ gây mất việc làm mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, đòi hỏi người lao động phải cập nhật kỹ năng để thích ứng.

Nghiên cứu này thực hiện phân tích thực trạng thị trường lao động của Việt Nam, nêu bật cơ hội và đặt ra các thách thức cần đối mặt để dự báo nguồn lực con người trong tương lai.

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số tại Việt Nam trong những năm qua đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu thị trường lao động, đặc biệt từ giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam (2023), lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người vào năm 2023, trong đó tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp giảm từ 38,7% năm 2019 xuống còn 29,1% năm 2023, trong khi lao động trong ngành dịch vụ tăng từ 35,2% lên 40,8%. Sự chuyển dịch này phần lớn xuất phát từ sự mở rộng của kinh tế số, với giá trị kinh tế số đạt 30 tỷ USD vào năm 2023, đóng góp 12% GDP (Google, Temasek & Bain, 2023). Các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada đã tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm gián tiếp từ 2020-2023, chủ yếu trong lĩnh vực giao hàng và bán hàng trực tuyến.

Theo một nghiên cứu của Google, nếu AI được áp dụng rộng rãi, nó có thể mang lại lợi ích kinh tế lên tới 79,3 tỷ USD cho doanh nghiệp Việt Nam vào năm 2030, tương đương gần 12% GDP của quốc gia. Điều này cho thấy AI không chỉ thay đổi phương thức làm việc mà còn có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

AI đang mở ra nhiều cơ hội cho người lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực như kỹ sư AI, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên phát triển ứng dụng AI và tư vấn AI. Những ngành nghề này có mức lương cao và là cơ hội hấp dẫn cho thế hệ trẻ nếu họ biết tận dụng thời cơ, nâng cao kỹ năng và tiếp cận các công nghệ mới. Tuy nhiên, AI cũng đặt ra những thách thức đáng kể. Tại Việt Nam, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, đã cảnh báo rằng có thể lên đến 70% người lao động sẽ mất việc nếu không thích nghi với sự phát triển của AI và robot (Lao Động, 2024).

Những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm chăm sóc khách hàng, thiết kế đồ họa, nhập liệu, thu ngân, người mẫu chụp ảnh sản phẩm, content marketing, kế toán và thậm chí cả giáo viên (Vietnam Economic Times, 2024). Điều này cho thấy AI không chỉ tác động đến những công việc mang tính lặp lại mà còn có thể ảnh hưởng đến cả những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo và chuyên môn cao.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, 2024) dự báo, tới năm 2030, hơn 40% lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Theo báo cáo mới nhất ở Mỹ (Work Trend Index Report, tháng 5/2024): 75% người đi làm đã dùng AI trong công việc; 46% mới dùng AI trong 6 tháng vừa qua; 66% lãnh đạo sẽ không tuyển những người không có năng lực về AI.

Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số đã thúc đẩy các xu hướng làm việc mới như làm việc từ xa và tự do (freelance), đặc biệt trong giai đoạn 2020-2023. Theo Vietnam Economic Times (2023), hơn 200.000 lao động Việt Nam tham gia các nền tảng quốc tế như Upwork và Fiverr, tập trung ở các lĩnh vực thiết kế, lập trình và dịch thuật. Tuy nhiên, xu hướng này chủ yếu tập trung ở đô thị, làm gia tăng bất bình đẳng giữa khu vực thành thị và nông thôn. Sự chênh lệch này không chỉ phản ánh hạn chế về hạ tầng số mà còn về khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh việc nắm bắt các cơ hội, cũng đặt ra nhiều thách thức phải đối mặt, cụ thể:

Mức độ kỹ năng số thấp so với yêu cầu thị trường. Đây là một trong những thách thức lớn nhất về kỹ năng lao động ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB, 2022), chỉ 18% lao động Việt Nam dưới 35 tuổi có kỹ năng số cơ bản như sử dụng phần mềm văn phòng, lập trình đơn giản hoặc quản lý dữ liệu, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 35% của khu vực ASEAN.

Hệ thống đào tạo chưa bắt kịp xu hướng công nghệ. Điều này dẫn đến việc lao động thiếu các kỹ năng cần thiết để thích ứng với thị trường mới. Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023) cho biết, chỉ 38% lao động Việt Nam được đào tạo từ trình độ sơ cấp trở lên, và phần lớn chương trình đào tạo vẫn tập trung vào các kỹ năng truyền thống như cơ khí, may mặc, thay vì kỹ năng số hóa như lập trình, phân tích dữ liệu hay quản trị đám mây.

Khoảng cách kỹ năng giữa đô thị và nông thôn. Sự chênh lệch về kỹ năng lao động giữa đô thị và nông thôn là một thách thức khác tại Việt Nam. Báo cáo của Tổng cục Thống kê (2024) chỉ ra rằng thu nhập bình quân tháng của lao động đô thị trong ngành công nghệ thông tin (15-20 triệu đồng) cao gấp ba lần lao động nông thôn (6,5 triệu đồng), phản ánh sự bất bình đẳng về kỹ năng và cơ hội.

Thiếu kỹ năng mềm và khả năng thích ứng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO, 2023), các doanh nghiệp tại Việt Nam đánh giá thấp lao động trong các kỹ năng như tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Đây là những kỹ năng cần thiết trong môi trường công nghệ cao. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện tại chủ yếu tập trung vào lý thuyết và kỹ năng cứng, ít chú trọng đến phát triển kỹ năng mềm, khiến lao động khó đáp ứng yêu cầu của các công việc mới.

Áp lực từ tốc độ tự động hóa và nhu cầu đào tạo lại. Báo cáo của McKinsey Global Institute (2023) dự đoán rằng đến năm 2030, 14% lao động toàn cầu, tương đương khoảng 7-8 triệu lao động Việt Nam, sẽ cần chuyển đổi nghề nghiệp do tự động hóa. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo lại tại Việt Nam vẫn còn manh mún, thiếu quy mô và chiến lược dài hạn.

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam có thể thấy tác động chậm hơn. Theo Bộ Lao động Việt Nam (2024), 76% nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết họ sẽ không tuyển dụng những ứng viên không có kỹ năng AI, so với 66% trên toàn cầu. Đáng chú ý, 78% nhà lãnh đạo Việt Nam ưu tiên tuyển dụng những ứng viên ít kinh nghiệm nhưng có kỹ năng AI hơn là những ứng viên giàu kinh nghiệm nhưng thiếu kỹ năng này, trong khi con số này trên thế giới là 71%.

DỰ BÁO VIỆC LÀM Ở VIỆT NAM TRONG 10 NĂM TỚI DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Không nằm ngoài xu thế chung, Việt Nam cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ dưới tác động của AI. Theo một số dự báo, khoảng 70% công việc trong các ngành nghề truyền thống tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự phát triển của AI trong vòng một thập kỷ tới.

Những ngành nghề bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi AI thường có các đặc điểm sau: Công việc lặp đi lặp lại, có quy trình rõ ràng; Dễ dàng tự động hóa; Dựa vào dữ liệu và xử lý thông tin; Phụ thuộc vào giao tiếp đơn giản.

AI và chuyển đổi số sẽ làm biến đổi mạnh mẽ thị trường lao động trong thập kỷ tới. Các công việc lặp lại, hành chính, tài chính, bán lẻ, vận tải và sản xuất sẽ giảm mạnh số lượng nhân sự. Để thích nghi, người lao động cần nâng cao kỹ năng công nghệ, sáng tạo và thích ứng với nền kinh tế số. Đào tạo lại kỹ năng là chìa khóa để tránh bị đào thải trong kỷ nguyên AI.

Sự phát triển của AI và chuyển đổi số không chỉ làm giảm số lượng việc làm trong một số lĩnh vực mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới trong các ngành nghề đòi hỏi tư duy sáng tạo, kỹ thuật số và công nghệ cao. Các ngành dự kiến tăng số lượng việc làm trong 10 năm tới được thể hiện cụ thể như Bảng.

Bảng: Ngành nghề dự kiến tăng số lượng việc làm do tác động của AI trong 10 năm tới


















Nhóm ngành

Ngành nghề cụ thể

Nguyên nhân

Công nghệ thông tin & AI

Kỹ sư phần mềm, chuyên gia AI, kỹ sư dữ liệu, nhà phát triển ứng dụng

AI và chuyển đổi số đòi hỏi nhiều nhân sự trong việc phát triển hệ thống thông minh và quản lý dữ liệu.

An ninh mạng & bảo mật thông tin

Chuyên gia an ninh mạng, kỹ sư bảo mật, chuyên viên phân tích rủi ro an ninh

Các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng, đòi hỏi nhân sự chuyên sâu để bảo vệ dữ liệu.

Khoa học dữ liệu & Phân tích dữ liệu

Nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia phân tích dữ liệu lớn (Big Data), kỹ sư học máy

Sự phát triển của dữ liệu lớn tạo ra nhu cầu cao về các chuyên gia phân tích và xử lý dữ liệu.

Chuyển đổi số & Công nghệ 4.0

Chuyên gia chuyển đổi số, kỹ sư IoT, chuyên gia blockchain

Các doanh nghiệp và Chính phủ đang đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, yêu cầu nhân sự có trình độ cao trong lĩnh vực này.

Năng lượng tái tạo & Môi trường

Kỹ sư năng lượng tái tạo, chuyên gia phát triển bền vững, kỹ sư môi trường

Xu hướng phát triển xanh và chống biến đổi khí hậu thúc đẩy nhu cầu lao động trong lĩnh vực này.

Y tế & Chăm sóc sức khỏe

Bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế từ xa, kỹ sư thiết bị y tế, chuyên gia AI y tế

Dân số già hóa và AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh sẽ thúc đẩy ngành y tế và công nghệ chăm sóc sức khỏe phát triển mạnh.

Giáo dục & Đào tạo

Giảng viên công nghệ, chuyên gia đào tạo trực tuyến, cố vấn nghề nghiệp số

Giáo dục trực tuyến phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ AI và chuyển đổi số.

Thương mại điện tử & Marketing số

Chuyên gia marketing kỹ thuật số, chuyên gia SEO/SEM, nhà phân tích hành vi khách hàng

AI phân tích dữ liệu khách hàng giúp các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận và cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm.

Robot & Tự động hóa

Kỹ sư robot, chuyên gia điều khiển tự động, chuyên gia AI trong sản xuất

Ứng dụng robot và tự động hóa vào các ngành sản xuất đòi hỏi nhân lực chuyên môn cao.

Thực tế ảo & Thực tế tăng cường (VR/AR)

Nhà phát triển VR/AR, kỹ sư thiết kế sản phẩm ảo, chuyên gia sáng tạo nội dung số

VR/AR ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong giáo dục, giải trí và thương mại điện tử.

Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng

Chuyên gia logistics thông minh, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng tự động

Sự phát triển của thương mại điện tử và AI trong quản lý chuỗi cung ứng giúp tăng nhu cầu về nhân sự trong lĩnh vực này.

Công nghiệp sáng tạo & Giải trí số

Nhà sản xuất nội dung số, chuyên gia phát triển game, đạo diễn kỹ thuật số

Các nền tảng số phát triển mạnh tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong ngành sáng tạo nội dung.

Tài chính & Ngân hàng số

Chuyên gia công nghệ tài chính (Fintech), nhà phân tích blockchain, cố vấn đầu tư AI

Fintech phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ AI, blockchain và dữ liệu lớn.

Phát triển đô thị thông minh

Chuyên gia quy hoạch đô thị số, kỹ sư giao thông thông minh, chuyên gia quản lý dữ liệu đô thị

Các thành phố thông minh cần nhân lực trong quản lý dữ liệu, giao thông, năng lượng và dịch vụ công.

Nguồn: Tổng hợp của các tác giả từ ChatGPT, Deepseek và Grok.

Dù AI có khả năng thay thế nhiều công việc, nhưng con người vẫn giữ vai trò không thể thay thế hoàn toàn. Để thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động, người lao động cần nâng cao kỹ năng chuyên môn, cập nhật tri thức công nghệ và sẵn sàng cho những yêu cầu mới trong công việc. Chỉ bằng cách liên tục học hỏi và đổi mới, con người mới có thể làm chủ công nghệ và duy trì lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ

Đối với người tìm việc làm và khởi nghiệp

Người lao động Việt Nam cần liên tục nâng cao kỹ năng số và tận dụng AI như một công cụ hỗ trợ thay vì lo ngại bị thay thế. Đồng thời, cần phát triển các kỹ năng mà AI chưa thể thay thế, như tư duy sáng tạo, giao tiếp, làm việc nhóm và phản biện. Ngoài ra, đa dạng hóa kỹ năng và sẵn sàng làm việc linh hoạt là chìa khóa để thích ứng với thị trường biến động.

Khởi nghiệp trong kỷ nguyên AI mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ. Để khởi nghiệp thành công, người Việt Nam cần chú trọng vào một số giải pháp quan trọng. Trước hết, cần ứng dụng AI vào mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm chi phí và tăng hiệu suất.

Bên cạnh đó, việc học hỏi từ các mô hình khởi nghiệp AI thành công là rất quan trọng. Ngoài ra, kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp AI cũng là một yếu tố then chốt. Việc tham gia các chương trình ươm tạo khởi nghiệp (Incubators) sẽ giúp các startup nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, đồng thời tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào AI như AI Fund, Sequoia Capital để tìm kiếm nguồn vốn phát triển. Cuối cùng, cần tận dụng AI để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Đối với các trường học và trường nghề

Thứ nhất, cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động AI. Nhà trường cần đưa các môn học liên quan đến AI, khoa học dữ liệu, lập trình, an ninh mạng, tự động hóa vào chương trình giảng dạy từ bậc phổ thông đến đại học; Đào tạo kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề; Tích hợp các khóa học về kỹ năng mềm như giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm để giúp sinh viên thích nghi tốt hơn với môi trường làm việc trong kỷ nguyên AI.

Thứ hai, đẩy mạnh đào tạo nghề và kỹ năng thực tiễn. Nhà trường cần mở rộng các chương trình đào tạo nghề liên quan đến AI, robot, tự động hóa, điều khiển máy móc thông minh; Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng mô hình “học đi đôi với hành”, giúp học viên có trải nghiệm thực tế với công nghệ AI.

Thứ ba, thúc đẩy thói quen tự học và học tập suốt đời. Nhà trường cần phát triển hệ thống học tập trực tuyến về AI và kỹ năng số, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận các khóa học nâng cao; Xây dựng các quỹ hỗ trợ học tập cho người lao động để họ có thể tham gia các khóa đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển việc làm mới. Khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề sử dụng AI nhưng đồng thời tạo ra việc làm, như công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử, y tế số, nông nghiệp thông minh, logistics AI; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhưng vẫn đảm bảo cân bằng việc làm, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tạo quỹ hỗ trợ đào tạo lại lao động giúp những người mất việc do AI có cơ hội học kỹ năng mới.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý về lao động trong thời đại AI. Ban hành chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp ứng dụng AI để thay thế nhân lực; Quy định rõ ràng về việc sử dụng AI trong tuyển dụng và quản lý nhân sự, tránh tình trạng AI làm gia tăng bất bình đẳng trong việc làm; Xây dựng chính sách thuế và hỗ trợ đối với doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm thay vì chỉ tập trung vào tự động hóa.

Thứ ba, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động AI. Tạo các nền tảng số giúp kết nối người lao động với các công việc mới phù hợp với xu hướng AI. Cung cấp dự báo định kỳ về xu hướng ngành nghề bị ảnh hưởng và ngành nghề mới nổi do AI, giúp người lao động có kế hoạch phát triển bản thân.

Thứ tư, nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người lao động về những thay đổi do AI mang lại và cách thích ứng. Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, xây dựng chính sách bảo vệ nhóm lao động dễ bị tổn thương bởi tự động hóa.

Đối với nhà tuyển dụng và doanh nghiệp

Thứ nhất, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực AI. Xây dựng chương trình đào tạo nội bộ giúp nhân viên nâng cao kiến thức về AI thay vì chỉ tuyển mới nhân sự có sẵn kỹ năng; Khuyến khích nhân viên học tập và phát triển liên tục bằng các chính sách hỗ trợ tài chính hoặc thời gian học tập.

Thứ hai, cân bằng giữa tự động hóa và tạo việc làm. Doanh nghiệp cần tận dụng AI để nâng cao năng suất nhưng vẫn giữ các vị trí công việc mà AI chưa thể thay thế. Doanh nghiệp cần tận dụng AI nhưng không bỏ qua vai trò của con người trong vận hành doanh nghiệp; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, nơi nhân viên có thể phát triển cùng với công nghệ AI thay vì bị đào thải.

Thứ ba, hợp tác với các tổ chức đào tạo để cung cấp nhân lực chất lượng. Hợp tác với các trường đại học, trường nghề để đào tạo nhân sự theo đúng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; Tổ chức chương trình thực tập, học việc giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế về AI và công nghệ số.

KẾT LUẬN

Trong 10 năm tới, AI sẽ tiếp tục làm thay đổi sâu sắc thị trường lao động Việt Nam, đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội lớn để Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại, sáng tạo và bền vững. Những quốc gia có chiến lược thích ứng tốt với AI sẽ tận dụng được lợi thế công nghệ để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng việc làm. Việt Nam cần chủ động hành động ngay từ bây giờ để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023). Báo cáo Giáo dục và Đào tạo 2023. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

CafeBiz. (2025, February 21). 7 ngành nghề có nguy cơ thất nghiệp cao trong 6 năm tới. Https://cafef.vn/7-nganh-nghe-co-nguy-co-that-nghiep-cao-trong-6-nam-toi-du-doan-cua-deepseek-khien-cong-dong-mang-choang-vang-188250217161115065.chn.

FPT (2023). Báo cáo Nhu cầu Nhân lực CNTT Việt Nam 2023. FPT Corporation.

Hồng Đào (2025). 10 công việc AI khó cướp được của con người trong 10 năm tới. Https://nld.com.vn/10-cong-viec-ai-kho-cuop-duoc-cua-con-nguoi-trong-10-nam-toi-196250304200828525.htm.

Frey, C. B., & Osborne, M. A. (2017). The future of employment: How susceptible are jobs to computerisation? Technological Forecasting and Social Change, 114, 254-280. https://doi.org/10.1016/j.techfore.2016.08.019.

Government of Singapore. (2024). SkillsFuture Impact Report 2023. SkillsFuture Singapore Agency.

Microsoft. (2024). Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2024: Đưa AI vào công việc, thách thức nào đang chờ đợi?.

LinkedIn. (2024). Emerging Jobs Report 2024. LinkedIn Corporation.

VietnamWorks. (2023). Vietnam Labor Market Trends 2023. VietnamWorks Report.

World Bank. (2023). Vietnam Economic Update 2023: Resilience Amid Challenges. DOI: 10.1596/978-1-4648-1918-6.




Ngày nhận bài: 18/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 25/6/2025; Ngày duyệt đăng: 01/7/2025



https%3A%2F%2Fkinhtevadubao.vn%2Fdu-bao-viec-lam-o-viet-nam-duoi-tac-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-31760.html

Exit mobile version