Trí tuệ nhân tạo (AI) đã “đổ bộ” vào Việt Nam như một làn sóng mạnh mẽ, mang theo vô vàn hứa hẹn và sự hăm hở. Từ hành lang chính sách, nơi những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng được đề ra nhằm đưa đất nước lọt vào nhóm dẫn đầu khu vực, đến các văn phòng doanh nghiệp, nơi gần 90% lãnh đạo tin rằng AI là yếu tố sống còn để duy trì cạnh tranh. Người dân cũng nhanh chóng tiếp cận. Một báo cáo gần đây cho thấy 88% lao động tri thức Việt Nam đã sử dụng AI tạo sinh trong công việc, một tỷ lệ vượt cả mức trung bình toàn cầu.
Trên các sàn thương mại điện tử, 92% người dùng tương tác với các tính năng AI mỗi tuần. Những con số này dường như phác họa một bức tranh về một quốc gia đang tích cực đón nhận tương lai số.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh về sự hăm hở tiếp nhận, có những khía cạnh phức tạp hơn cần được nhìn nhận. Sự phát triển nhanh chóng của AI tại Việt Nam dường như đang tiềm ẩn nguy cơ chuyển từ trạng thái “háo hức khám phá” sang “thừa thãi, phản cảm”, thậm chí đôi khi chỉ là sự phô trương hình thức và lãng phí tài nguyên. Liệu chúng ta có thực sự đang tích hợp AI một cách chiến lược, hay chỉ đơn thuần là đang diễn một “vở kịch” tiếp cận công nghệ quy mô lớn, nơi sự sợ hãi bị bỏ lại phía sau quan trọng hơn việc hiểu rõ mình đang làm gì?
“Fomodeus”: Loài người mới trong kỷ nguyên AI
Sự dễ dàng tiếp cận với vô số công cụ AI, từ các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT, Gemini đến các ứng dụng tạo ảnh, video hay chatbot xã hội, đang định hình một kiểu người dùng mới tại Việt Nam: Fomodeus. Khái niệm này kết hợp FOMO (Fear Of Missing Out – nỗi sợ bỏ lại) với Homo Deus (con người thần thánh – ám ảnh về việc phải làm chủ công nghệ). Fomodeus không nhất thiết muốn hiểu sâu về AI hay khai thác tối đa tiềm năng thực sự của nó. Thay vào đó, Fomodeus chỉ đơn giản sợ bị bỏ lại phía sau trong một cuộc đua dường như được tạo ra bởi mạng xã hội và truyền thông.
Một công cụ AI giúp tạo ảnh chân dung theo mô tả (Ảnh: Quang Huy).
Chúng ta chứng kiến một chu kỳ lặp đi lặp lại khá phổ biến. Cứ vài tuần, một “trend” AI lại nổi lên, càn quét mạng xã hội trong vài ngày rồi lắng xuống. Từ “ảnh tôi khi về già”, “tôi lúc nhỏ”, “đổi giới tính”, đến “ảnh Disney”, “swap mặt siêu anh hùng”, và gần đây là “ảnh Ghibli”. Sự hào hứng này thường không xuất phát từ niềm vui của quá trình tạo tác hay giải quyết vấn đề. Nó đến từ sự ghi nhận tức thời: những lượt thích, bình luận, chia sẻ, và cảm giác mình đã làm được điều gì đó “đáng chú ý” trên mạng xã hội. Đây là thứ “ghi nhận ngắn hạn” mà AI cung cấp, khác biệt với “niềm vui từ quá trình tạo tác”. Hệ quả là những sản phẩm được tạo ra vội vàng thường thiếu chiều sâu, thiếu cảm xúc, và hiếm khi có giá trị thương mại hay nghệ thuật lâu dài.
Fomodeus tìm kiếm sự chú ý (một dạng tiền tệ mới trên mạng xã hội), và cảm giác “đã làm được”, dù chỉ thông qua vài thao tác đơn giản. Đó chính là một thú vui mới mà nhiều người dường như đang nghiện, như đã từng nghiện khoe thân, khoe của, khoe địa vị lên trên các mạng xã hội bấy nay. Đi cùng với đó là những lớp dạy “dùng AI để kiếm tiền nhanh” nở rộ như nấm sau mưa.
Trong bối cảnh các công ty AI cần sự thổi phồng để thu hút đầu tư, và nhiều tổ chức cần những con số ấn tượng về chuyển đổi số, Fomodeus trở thành những người tham gia vào một trò chơi mà bản thân họ chưa nắm rõ luật. Khi mỗi trào lưu dùng ứng dụng AI nào đó lắng xuống, sẽ có những cảnh báo xuất hiện, chẳng hạn như việc dữ liệu khuôn mặt có thể bị sử dụng cho mục đích khác… Phải chăng chúng ta đang vui vẻ trao “khuôn mặt” và “tâm hồn” cho AI để đổi lấy vài phút hào nhoáng ảo, một cái giá khá… hời cho kẻ thu thập dữ liệu?
Cái kéo sắc và đám đông múa rìu
AI là một công cụ mạnh mẽ, có khả năng nhân rộng hiệu quả phi thường. Giống như một cái kéo thật sắc chỉ hữu ích nếu người dùng biết cách sử dụng nó. Nếu không, thay vì cắt đẹp, họ có thể làm hỏng. Vấn đề lớn nhất hiện nay dường như không nằm ở sự yếu kém của AI (đặc biệt là các mô hình hàng đầu), mà nằm ở năng lực và tư duy của người sử dụng.
Có thể mô tả hiện tượng này là “múa rìu qua mắt thợ”. Cái rìu ở đây là AI – công cụ sắc bén và mạnh mẽ. Đám đông múa rìu là những người dùng sử dụng nó một cách hời hợt, thiếu kỹ năng hoặc sự hiểu biết sâu sắc. Còn “thợ” là những chuyên gia, nghệ nhân, nghệ sĩ – những người có kiến thức chuyên sâu và cảm nhận tinh tế trong lĩnh vực của họ. Họ thường cảm thấy khó chịu, thậm chí là phiền lòng, khi thấy một công cụ mạnh mẽ bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng quy trình và giá trị cốt lõi. Chẳng phải sự “múa rìu” này đang làm giảm đi giá trị thực của “cây rìu”, thậm chí gây nguy hiểm cho những người xung quanh đang mải mê nhìn vào sự khoa trương đó hay sao?
AI, ở mức độ trung bình trong thiết kế của nó, giống như một tấm gương phản chiếu năng lực của người dùng. Khi bạn sử dụng AI và cảm thấy nó làm “rất hay”, liệu có khả năng đó là do bạn chưa đủ giỏi trong lĩnh vực đó? Có thể kiến thức nền, vốn từ vựng tiếng Việt (một mối lo ngại được nhắc đến ở một bộ phận giới trẻ), hay khả năng tư duy cấu trúc của bạn còn hạn chế, khiến bạn dễ dàng bị ấn tượng bởi những gì AI tạo ra.
Ngược lại, khi bạn sử dụng AI cho công việc chuyên môn và cảm thấy nó làm “chưa đủ tốt”, “chưa đủ sâu sắc”, “cần sửa đi sửa lại”, đó lại là một dấu hiệu tích cực. Điều này cho thấy bạn đang sở hữu một kỹ năng, một tiêu chuẩn, một chiều sâu tư duy vượt trên mức trung bình của AI.
Nhiều biên tập viên tạp chí, trưởng phòng trong các doanh nghiệp, hay các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà tôi biết thường là những người khó tính với AI. Họ thấy AI hữu ích như một công cụ hỗ trợ ban đầu, nhưng luôn đòi hỏi sự can thiệp và tinh chỉnh đáng kể của con người vì AI chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cao của họ. Họ biết chính xác kết quả cuối cùng cần đạt được, và AI chỉ là một bước trên con đường đó, một bước còn nhiều điểm cần cải thiện.
Như vậy, không phải AI đang đánh giá chúng ta, mà chính chúng ta đang tự đánh giá năng lực của mình qua lăng kính của AI. Và đôi khi, sự thật trong tấm gương ấy khá rõ ràng. Phải chăng sự hài lòng với AI đang là thước đo cho mức độ “trung bình” của chính chúng ta, một cách trung thực đến phũ phàng?
Vực thẳm số và tha hóa tư duy
Tấm gương AI có thể tiềm ẩn nguy cơ biến thành vực thẳm số nếu chúng ta không cẩn trọng khi nhìn vào đó. Vực thẳm của sự dễ dàng, của việc thay thế quy trình bằng kết quả tức thời. Triết gia Nietzsche từng cảnh báo: “Kẻ nào chiến đấu với quái vật, đừng để bản thân mình trở thành quái vật. Bởi khi anh nhìn chằm chằm vào vực thẳm, vực thẳm sẽ mở mắt nhìn lại anh.” Liệu chúng ta có đang nhìn quá lâu vào vực thẳm số do AI tạo ra, một vực thẳm phản chiếu những mong muốn và sự lười biếng sâu thẳm nhất của chúng ta?
Ngày càng nhiều người ứng dụng AI vào công việc (Minh họa: Vincent Kilbride).
Tỷ lệ sinh viên sử dụng AI cho việc học là rất cao, có nơi báo cáo gần 90% sinh viên đại học sử dụng ChatGPT. Khoảng 88% lao động trẻ cũng dùng AI cho công việc. Sự tiện lợi này, ban đầu có vẻ vô hại, đang tạo ra một xu hướng lệ thuộc đáng lo ngại. Học sinh, sinh viên tự nhận mình “nghiện” AI, cảm thấy khó khăn hoặc bế tắc nếu thiếu nó cho việc làm bài tập, nghiên cứu.
Sự lệ thuộc này dẫn đến “tải nhận thức ra ngoài” (cognitive offloading) – não bộ có xu hướng trở nên “lười biếng” khi dựa vào AI để làm thay các tác vụ tư duy. Đây là một hình thức tha hóa về mặt tư duy.
Khi chúng ta chỉ quan tâm đến kết quả do AI trả về, khả năng tư duy phản biện, sáng tạo, giải quyết vấn đề độc lập có thể bị xói mòn. Kỹ năng viết lách, thậm chí là vốn từ vựng tiếng mẹ đẻ, cũng có nguy cơ suy giảm khi AI làm thay phần việc này. Chẳng phải chúng ta đang đánh đổi kỹ năng con người, thứ khó khăn để xây dựng, lấy sự tiện lợi nhất thời, thứ dễ dàng có được và dễ dàng mất đi sao?
Một nghịch lý khác cũng tồn tại: khi học sinh, sinh viên dùng AI làm bài luận, hành vi này thường bị coi là gian lận, đạo văn và không được chấp nhận. Tuy nhiên, khi giảng viên soạn giáo án, nhà quản lý viết báo cáo, họ lại sử dụng AI và điều này được xem là “chuyển đổi số”, “ứng dụng công nghệ 4.0”.
Nhà tuyển dụng có thể dùng AI để sàng lọc và đánh giá hồ sơ xin việc của bạn, trong khi bạn lại dùng AI để viết chính hồ sơ đó. Liệu sự “chuyển đổi số” này có đang che đậy một dạng “gian lận” mới, tùy thuộc vào vị trí xã hội của người dùng hay không? Một dạng bất bình đẳng AI mới: tôi dùng thì được, còn anh thì không có quyền.
Khá mỉa mai phải không?
Đáng lo ngại nhất là việc AI đang dần làm thay những công việc cơ bản, lặp đi lặp lại – vốn là các vị trí thường dành cho thực tập sinh, các nhiệm vụ ban đầu mà thế hệ trước dùng để học hỏi, thử và sai, mài sắc những kỹ năng nền tảng. Nếu AI làm thay các vị trí thực tập sinh không lương này, thế hệ trẻ có thể mất đi cơ hội quan trọng để “mài rìu” – rèn luyện kỹ năng từ gốc rễ. Liệu một thế hệ lớn lên không có cơ hội mài rìu, chỉ biết “múa rìu” trên nền tảng có sẵn, sẽ đối mặt thế nào với những thách thức phức tạp của tương lai, những thách thức mà AI trung bình không thể giải quyết?
Như vậy, chúng ta đang chứng kiến cảnh AI làm hết các công việc có tính chất nhàm chán hoặc lặp lại, trong khi chúng ta mải miết “múa rìu” trên mạng xã hội và có nguy cơ quên đi cách mài sắc bản thân. Phải chăng đây là đỉnh cao của sự lười biếng trí tuệ, được bọc trong lớp vỏ hào nhoáng của công nghệ.
Học cách sống cùng AI: Hãy bắt đầu bằng việc mài rìu
Bong bóng về AI, sớm hay muộn, rồi sẽ điều chỉnh. Những lời thổi phồng về AI là “vị cứu tinh toàn năng” hay “kẻ hủy diệt việc làm” đều là những cách nhìn cực đoan.
Muốn dùng AI đúng cách, phải chăng chúng ta cần sớm có cảm giác thất vọng về nó, cảm thấy nó làm chưa đủ tốt cho chính mình, và quyết tâm làm tốt hơn nó?
Có lẽ đây là thời điểm quan trọng. Hệ thống giáo dục cần nhanh chóng có quy định và chiến lược rõ ràng, không né tránh AI mà hướng dẫn sử dụng nó như công cụ hỗ trợ tư duy, đồng thời củng cố các kỹ năng nền tảng. Phụ huynh cần trò chuyện với con cái về cách chúng tương tác với AI, kể cả ở khía cạnh cảm xúc. Cá nhân mỗi chúng ta cần tỉnh táo, vượt qua cơn sốt bề mặt, né tránh vực thẳm số, và tập trung vào việc mài sắc chính mình.
Bởi khi nhìn vào vực thẳm số quá lâu, vực thẳm ấy sẽ mở mắt nhìn lại ta bằng một ánh mắt lạnh lẽo, và nó thì thầm rằng:
Tôi tài giỏi, bạn hình như cũng thế…
Hoặc không.
Tác giả: Lê Bích là bút danh của anh Đinh Trần Tuấn Linh, tác giả của những cuốn sách “Đời về cơ bản là buồn cười”, “Dịch từ tiếng yêu sang tiếng Việt”, “Đời vai phụ”, “Người nói đạo lý thường sống khá giả”… Anh Tuấn Linh cũng là nhà sáng lập của Urah Network, Sakedemy và Unikon – đơn vị sở hữu nền tảng Aicontent.vn.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Ftam-diem%2Fdung-ai-mua-riu-qua-mat-tho-20250502070321846.htm