Trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành lực đẩy cốt lõi của đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, việc đảm bảo các hệ thống AI được phát triển, triển khai và vận hành một cách có trách nhiệm là yêu cầu cấp thiết. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã chính thức ban hành tiêu chuẩn ISO/IEC 42006:2025 – bước tiến quan trọng trong hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về trí tuệ nhân tạo.
Đảm bảo chất lượng kiểm toán và chứng nhận AIMS
ISO/IEC 42006:2025 Công nghệ thông tin – trí tuệ nhân tạo – yêu cầu đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán và chứng nhận hệ thống quản lý trí tuệ nhân tạo được thiết kế như một phần mở rộng quan trọng của ISO/IEC 42001 – tiêu chuẩn đầu tiên về hệ thống quản lý trí tuệ nhân tạo (AIMS – Artificial Intelligence Management System), nhằm đảm bảo các tổ chức kiểm toán và chứng nhận AIMS có đủ năng lực, tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc chuyên môn khi đánh giá các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực AI.
ISO/IEC 42006 được xây dựng dựa trên nền tảng của ISO/IEC 17021-1, tiêu chuẩn chung cho hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý, nhưng được bổ sung các yêu cầu đặc thù dành riêng cho AI. Điều này phản ánh sự phức tạp và tính đặc thù của công nghệ AI, vốn đặt ra nhiều thách thức vượt ngoài phạm vi của các hệ thống quản lý truyền thống.
Hệ thống AI đặt ra những thách thức độc đáo trong các lĩnh vực như đạo đức, chất lượng dữ liệu, rủi ro và tính minh bạch. Để chứng nhận một tổ chức quản lý những thách thức này một cách có trách nhiệm, bản thân các kiểm toán viên cần có kiến thức chuyên môn và quy tắc rõ ràng để tiến hành đánh giá.
ISO/IEC 42006 đảm bảo việc kiểm toán và chứng nhận hệ thống quản lý AI được thực hiện một cách nhất quán và đáng tin cậy, mang lại cho khách hàng và các bên liên quan sự tin tưởng rằng tổ chức được chứng nhận đáp ứng kỳ vọng được nêu trong ISO/IEC 42001.
Ảnh minh họa.
Lợi ích thiết thực
Việc ban hành ISO/IEC 42006 mang lại nhiều lợi ích quan trọng như: Kỳ vọng rõ ràng hơn đối với các tổ chức chứng nhận – tiêu chuẩn giúp xác định rõ vai trò, trách nhiệm và năng lực tối thiểu cần có để thực hiện chứng nhận AIMS, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ kiểm toán.
Tăng niềm tin vào kết quả chứng nhận AIMS: Nhờ có bộ tiêu chí nhất quán, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể yên tâm rằng tổ chức được chứng nhận đã thực sự đáp ứng các yêu cầu về quản lý AI một cách có trách nhiệm.
Hỗ trợ kiểm toán mạnh mẽ, nhất quán các rủi ro liên quan đến AI: Tiêu chuẩn cung cấp công cụ giúp tổ chức chứng nhận xác định và đánh giá các rủi ro đặc thù của AI, từ đó đưa ra khuyến nghị phù hợp.
Tăng cường tính minh bạch và sự tin cậy: Một quy trình đánh giá rõ ràng và chuẩn hóa sẽ góp phần tạo dựng lòng tin từ phía khách hàng, đối tác và cơ quan quản lý – những người ngày càng quan tâm đến tác động của AI đối với xã hội.
ISO/IEC 42006:2025 không chỉ là bước tiến trong hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa AI mà còn là công cụ giúp định hình cách chúng ta quản trị công nghệ một cách có trách nhiệm. Trong thời đại mà AI đang nhanh chóng thay đổi mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe đến tài chính, tiêu chuẩn này đóng vai trò như một “lá chắn chất lượng”, bảo vệ lợi ích của xã hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững của công nghệ AI toàn cầu.
Hà My (theo ISO)
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fisoiec-420062025–nang-cao-nang-luc-kiem-toan-va-chung-nhan-he-thong-quan-ly-tri-tue-nhan-tao-d235004.html