“Nghệ sĩ mới” trong thế giới sáng tạo
AI đang từng bước trở thành một “nghệ sĩ mới” trong thế giới sáng tạo. Từ hội họa, âm nhạc đến văn học, AI không chỉ giúp tăng cường khả năng sáng tạo mà còn mở ra những khả năng chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật. Các công cụ như Midjourney, DALL·E, ChatGPT hay Gemini có thể tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh chỉ từ vài dòng mô tả ngắn. Điều này giúp người sáng tạo tiết kiệm thời gian, mở rộng giới hạn và mang đến những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, bất ngờ.
Trên thế giới, đã có nhiều sản phẩm nghệ thuật được tạo ra thành công từ AI. Chẳng hạn như bức tranh “Edmond de Belamy” của nhóm nghệ sĩ Obvious được tạo ra bởi công nghệ GAN (Generative Adversarial Network) bán với giá 432.500 USD. Trong âm nhạc, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là đối tác sáng tạo, như AI Aiva sáng tác nhạc cổ điển. Taryn Southern, ca sĩ người Mỹ, đã hợp tác với AI sản xuất album “I AM AI”. Còn trong điện ảnh, bộ phim “Sunspring”, viết hoàn toàn bởi AI Benjamin, đã gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng.
Chia sẻ với báo giới gần đây, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội Nguyễn Mai Kiên cho rằng, sự kết hợp giữa công nghệ và sáng tạo hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp văn nghệ sĩ có thêm công cụ để thể hiện ý tưởng của mình. Tuy AI vẫn còn nhiều giới hạn, nhưng trong tương lai, khả năng của AI có thể tiến xa hơn rất nhanh. Các hệ thống AI có thể giúp các văn nghệ sĩ tạo ra các ý tưởng mới, tự động hóa các quy trình sáng tạo và thậm chí tạo ra những trải nghiệm nghệ thuật tương tác.
Điều đáng nói là khả năng AI giúp tạo ra các sản phẩm nghệ thuật với tốc độ nhanh chóng và độ chính xác cao. Chỉ cần vài câu mô tả, AI có thể tạo ra bức tranh mang màu sắc nghệ thuật đặc biệt hoặc một bản nhạc hòa hợp, phù hợp với các xu hướng âm nhạc đương đại. Sự phát triển của AI trong sáng tạo đã giúp nghệ sĩ dễ dàng hơn trong việc thử nghiệm những ý tưởng mới mà không mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Điều này làm dấy lên một câu hỏi lớn về sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật: AI liệu có thể trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tạo của con người?
Hiện nay, trong lĩnh vực âm nhạc, AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn đang dần trở thành đối tác sáng tạo của các nghệ sĩ. Theo bà Vũ Việt Hồng, giảng viên bộ môn đàn tranh tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, AI mang đến cho các nghệ sĩ cơ hội thể hiện âm nhạc theo cách thức mới. “AI không thay thế con người trong âm nhạc mà đang trở thành một người bạn đồng hành, hỗ trợ nghệ sĩ trong hành trình khám phá cái đẹp và cảm xúc thông qua âm thanh”, bà Việt Hồng chia sẻ.
Bảo vệ giá trị sáng tạo như thế nào?
Thị trường nhạc số và xu hướng phát trực tuyến đã giúp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng toàn cầu chỉ trong vài ngày, khi các bài hát hoặc album của họ đạt triệu view, mang lại doanh thu lớn. Tuy nhiên, AI lại đặt ra thách thức về bản quyền và quyền sở hữu các tác phẩm này. Khi AI có thể sao chép hoặc tái tạo các tác phẩm nghệ thuật mà khó nhận diện, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên phức tạp. Nếu AI có thể tạo ra tác phẩm giống con người, quyền sở hữu sẽ thuộc về ai? Liệu đó là sự sáng tạo của AI hay chỉ là sao chép từ những tác phẩm có sẵn mà AI đã học? Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc xác định quyền sở hữu trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật.
Theo thông tin từ WIPO, ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu đóng góp khoảng 2,25 nghìn tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế và sử dụng hơn 30 triệu lao động. Trong năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đạt 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 29% so với năm 2017. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của sáng tạo trong nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của ngành sáng tạo, đặc biệt là âm nhạc. Tuy nhiên, khi các tác phẩm nghệ thuật ngày càng dễ dàng bị sao chép và khai thác trái phép, đòi hỏi phải có một hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả, bảo vệ các giá trị sáng tạo của nghệ sĩ.
Như ông Nguyễn Mai Kiên nhận định, việc ứng dụng AI trong sáng tạo văn học, nghệ thuật đã mang đến những thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, các vấn đề này không chỉ liên quan đến công nghệ mà còn tác động sâu rộng đến đạo đức nghề nghiệp, bản quyền và sự sáng tạo của nghệ sĩ. Khi AI tạo ra một tác phẩm mới từ những gì đã học được, câu hỏi đặt ra là liệu đó có phải là sự sáng tạo thực sự hay chỉ là sự tái tạo những tác phẩm cũ, và ai sẽ là người sở hữu quyền lợi tài chính từ những tác phẩm này?
Ông Kiên cũng cho rằng đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật với AI là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng. “Việc sử dụng AI để tạo ra nội dung có thể dẫn đến nguy cơ thao túng thông tin, tạo ra những tác phẩm không phản ánh đúng thực tế xã hội. Điều này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ phía các nghệ sĩ, nhà sản xuất nội dung cũng như các cơ quan quản lý”, ông bày tỏ.
Ngoài ra, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong thời đại số đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ trong các hệ thống pháp lý. Các công nghệ tiên tiến như blockchain có thể giúp theo dõi và xác minh quyền sở hữu các tác phẩm, giúp bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và ngăn chặn tình trạng sao chép trái phép. Theo ông Lê Huy Anh – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực thay đổi trong ngành công nghiệp âm nhạc. Từ các sáng chế giúp cải thiện chất lượng âm thanh, cho đến những giải pháp bảo vệ bản quyền âm nhạc, công nghệ đang từng ngày làm thay đổi cách chúng ta sáng tác, biểu diễn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật này.
AI mở ra cánh cửa mới cho sáng tạo nghệ thuật, nhưng cũng đặt ra những vấn đề về bản quyền, đạo đức và quyền sở hữu trí tuệ. AI có thể giúp nghệ sĩ sáng tạo nhanh chóng và hiệu quả, nhưng quan trọng là không để công nghệ thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong bối cảnh AI, là yếu tố quan trọng để bảo vệ giá trị sáng tạo của nghệ sĩ và ngành công nghiệp âm nhạc. Để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, các quốc gia và cơ quan quản lý cần có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp lý, đảm bảo công nghệ không làm mất đi giá trị nghệ thuật. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành công ng hiệp sáng tạo, tạo ra sản phẩm nghệ thuật chất lượng và bền vững.
https%3A%2F%2Fdoanhnhansaigon.vn%2Fkhi-cong-nghe-gap-ban-quyen-319318.html