Trong thời đại số hóa, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành kênh mua sắm phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, nhái tràn lan trên các sàn TMĐT gây lo ngại và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm kiểm soát chất lượng hàng hóa của các sàn.
Hàng giả len lỏi khắp nơi
Chỉ cần vài cú nhấp chuột trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok Shop, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận hàng loạt sản phẩm thời trang, mỹ phẩm “hot trend” với mức giá rẻ bất ngờ.
Các chương trình khuyến mãi dày đặc, hình ảnh sản phẩm được đầu tư bắt mắt cùng những lời cam kết như “hàng chính hãng”, “giảm giá sốc”, “mua 1 tặng 1” đã đánh trúng tâm lý ham rẻ, thích thử nghiệm của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, phía sau lớp vỏ hào nhoáng ấy lại là một “ma trận” hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngày càng bùng phát và tinh vi hơn.
Nhiều người dùng phản ánh rằng họ từng đặt mua sản phẩm được quảng cáo là đến từ các thương hiệu nổi tiếng, có tem chống hàng giả, hóa đơn đầy đủ… nhưng khi nhận lại chỉ là những món hàng rẻ tiền, thậm chí không có bao bì, nhãn mác rõ ràng, hoặc mang dòng chữ “made in China” một cách mập mờ.
Đáng lo ngại hơn, nhiều gian hàng sử dụng thủ thuật đánh tráo sản phẩm: ảnh thì là hàng xịn, mô tả thì đầy đủ thông tin, nhưng khi giao hàng thì lại là bản nhái kém chất lượng, khiến người mua không khỏi bức xúc.
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử còn nhiều kẽ hở. Dù một số sàn đã có cơ chế xử lý báo cáo, khiếu nại và chính sách hoàn tiền, nhưng quy trình này vẫn còn chậm trễ, thiếu minh bạch, gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi.
Hậu quả là người tiêu dùng vừa mất tiền, vừa đối mặt với những rủi ro về sức khỏe – đặc biệt khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc – và đồng thời tiếp tay cho tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm suy giảm uy tín của các thương hiệu chân chính.
Trong khi đó, không ít chủ gian hàng lợi dụng sự phổ biến của mạng xã hội và các công cụ quảng cáo “auto” để đánh lừa người tiêu dùng. Họ thuê người nổi tiếng hoặc sử dụng người mẫu ảo, tạo ra các video “review” có kịch bản sẵn để tăng độ tin cậy.
Điều này không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh trực tuyến mà còn đặt ra bài toán nan giải cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý và truy vết nguồn gốc hàng giả trong không gian mạng.
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả quy mô lớn tại huyện Lạng Giang. Điều đáng nói là các đối tượng chủ yếu phân phối hàng qua các nền tảng như TikTok, Shopee, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Từ công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện nhiều tài khoản rao bán các loại mỹ phẩm nghi là hàng giả như “Bn Store 2024”, “Bibo Comesticc”, “Nhungnguyen010798”, “Vliwwfo6-r” (Shopee) và “Sare Comesticc”, “Coca Beauty” (TikTok).
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định đối tượng Nguyễn Văn Khánh (SN 1996, trú tại thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang) là người tổ chức sản xuất và phân phối mỹ phẩm giả. Ngày 7/5, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nơi ở của Khánh và bắt quả tang đối tượng cùng Nguyễn Thị Hiên (SN 2003) đang thực hiện hành vi sản xuất, đóng gói mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 2.468 sản phẩm mỹ phẩm thành phẩm với nhiều loại khác nhau như kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn Demi Skin 3 days, SEIMY skin 7 days plus; lăn khử mùi STOPIREX, “Cú đấm thép”, “Hải Sen”, xịt khử mùi BEUFRES… Ngoài ra, còn có khoảng 104.000 tem chống hàng giả, hàng triệu vỏ bao bì, gần 10.000 chai lọ và 300 kg nguyên liệu thô gồm phèn chua, dung dịch pha chế cùng nhiều thiết bị sản xuất như máy dập ngày sản xuất.
Theo khai nhận ban đầu, từ cuối năm 2024, Nguyễn Văn Khánh nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mỹ phẩm tăng cao nên đã tìm hiểu thị trường qua mạng, đặt mua nguyên vật liệu trôi nổi để sản xuất mỹ phẩm giả ngay tại nhà, sau đó bán qua các kênh online. Từ đó đến nay, Khánh đã tiêu thụ hơn 100.000 đơn hàng trên toàn quốc, thu về doanh thu ước tính hơn 6 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cũng là “mảnh đất màu mỡ” để hàng giả hoành hành. Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng” liên quan đến hai nhân vật nổi tiếng trên TikTok là Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), cùng ba đồng phạm khác. Nhóm này thường xuyên livestream cùng hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên để quảng cáo sản phẩm kẹo rau củ Kera – do Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt công bố và đưa ra thị trường vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan chức năng xác định sản phẩm Kera thực chất do Công ty cổ phần Asia Life sản xuất nhưng gắn mác “sạch” để lừa dối người tiêu dùng. Từ ngày 12/12/2024 đến 19/3/2025, Công ty Tập đoàn Chị Em Rọt đã bán ra 135.325 hộp sản phẩm giả, với mức giá bán lẻ 150.000 đồng/hộp, thu về gần 20,3 tỷ đồng. Vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quảng cáo sai sự thật và bán hàng giả tràn lan trên các nền tảng số.
Trách nhiệm nằm ở đâu?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), thời gian qua, liên tiếp những đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn bị triệt phá đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng hàng giả hoành hành trên không gian mạng.
Đáng lo ngại, nhiều sản phẩm giả – từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến thuốc chữa bệnh – lại được tiêu thụ dễ dàng qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như TikTok Shop, Shopee. Điển hình là vụ việc Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá đường dây mỹ phẩm giả với hơn 100.000 đơn hàng được bán qua TikTok và Shopee – cho thấy rõ lỗ hổng trong cơ chế giám sát của các nền tảng số.
Luật sư Tuấn cho biết: Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 (có hiệu lực từ 1/7/2024), cùng với Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP, các sàn TMĐT phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ: kiểm tra, xác thực thông tin người bán; giám sát và gỡ bỏ hàng hóa vi phạm; cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc; lưu trữ dữ liệu giao dịch phục vụ thanh tra, điều tra; cảnh báo rõ ràng với người tiêu dùng về rủi ro khi mua từ cá nhân, tổ chức không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp để hàng giả tồn tại kéo dài gây thiệt hại, sàn TMĐT có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới nếu bị phát hiện buông lỏng giám sát, tiếp tay hoặc bao che hành vi gian lận.
Theo ông Tuấn, pháp luật hiện hành không chỉ là công cụ xử lý hậu quả, mà cần được vận hành như một cơ chế phòng ngừa sớm và hiệu quả. Việc hàng loạt sản phẩm giả mạo ngang nhiên được livestream, quảng bá rầm rộ, thu hút hàng chục ngàn lượt mua trên các sàn TMĐT đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về trách nhiệm pháp lý lẫn đạo đức kinh doanh của chính các nền tảng này. “Đã đến lúc, các sàn TMĐT phải chuyển mình từ vai trò trung gian kỹ thuật sang vai trò đồng hành bảo vệ người tiêu dùng”, Luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Để tăng cường hiệu lực quản lý, ông đề xuất các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần: Tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đột xuất các sản phẩm đăng bán; Ứng dụng công nghệ định danh người bán, QR truy xuất nguồn gốc, AI phát hiện bất thường; Thiết lập cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm, phối hợp liên ngành để xử lý triệt để vi phạm.
Ngoài ra, các sàn TMĐT cũng cần chủ động xây dựng công cụ truy vết giao dịch, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm ngay khi phát hiện, đồng thời công khai kênh tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc ngăn chặn hàng giả: cần tỉnh táo, ưu tiên sản phẩm từ gian hàng chính hãng, có chứng từ rõ ràng và chủ động phản ánh vi phạm khi phát hiện.
Tóm lại, hàng giả trên nền tảng số không còn là câu chuyện cá biệt mà đã trở thành thách thức quản lý quốc gia. Giải pháp nằm ở sự phối hợp chặt chẽ giữa pháp luật – công nghệ – trách nhiệm của nền tảng – ý thức người tiêu dùng. Chỉ khi các bên cùng vào cuộc quyết liệt, mới có thể tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp chân chính.
https%3A%2F%2Fthuongtruong.com.vn%2Fnews%2Fkhong-the-de-san-thuong-mai-dien-tu-thanh-cho-troi-hang-gia-140576.html