Home Vào công việc AI - Bán hàng & marketing Nhân lên cơ hội cho sản xuất xanh

Nhân lên cơ hội cho sản xuất xanh

0

Triển lãm quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam (VPPE 2025) diễn ra tại Bình Dương (từ ngày 7 đến 9-5) mở ra cơ hội cho các đối tác gặp gỡ, giao thương. Triển lãm còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành bao bì từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh, từ khai thác tài nguyên sang mô hình phát triển xanh, bền vững.

 Các doanh nghiệp tham gia VPPE 2025

Tăng cường công nghệ

Trong bối cảnh nhu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao, ngành giấy và bao bì tại Việt Nam đang nổi lên là lĩnh vực giàu tiềm năng. Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng trung bình 10-12%/năm trong 5 năm qua. Ngành giấy, bao bì được dự báo đạt quy mô xuất khẩu 3,5 tỷ USD vào năm 2026, nhờ xu hướng thay thế bao bì nhựa và sự phát triển của thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas), cho biết ngành công nghiệp bao bì Việt Nam đang có những lợi thế lớn và tăng trưởng cũng cao hơn mặt bằng chung thế giới. Cụ thể, tăng trưởng của ngành bao bì nhựa đạt 8,39%, bao bì giấy đạt 9,73% trong năm 2024. Trong khi đó, mức tăng trưởng toàn cầu chỉ ở mức 3,6% đối với bao bì nhựa và 4,7% đối với bao bì giấy. Những xu hướng lớn đang định hình lại cấu trúc ngành công nghiệp bao bì của Việt Nam. Trong đó, chuyển đổi số và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là động lực quan trọng khi AI đang giúp các doanh nghiệp (DN) bao bì tối ưu chuỗi cung ứng và tiếp cận người tiêu dùng một cách trực tiếp hơn, chính xác hơn. Bao bì hiện không còn chỉ giới hạn ở chức năng kỹ thuật hay tiếp thị như trước mà thị trường đòi hỏi phải có tính thẩm mỹ cao, thông minh, có thể kết nối sản phẩm với người tiêu dùng, phản ánh giá trị và trách nhiệm xã hội của DN.

Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, khẳng định VPPE 2025 không chỉ là nơi giới thiệu các sản phẩm mới, cập nhật công nghệ tiên tiến từ các quốc gia có nền công nghiệp giấy phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức… mà còn là không gian để các DN tìm kiếm cơ hội hợp tác, đổi mới công nghệ; đồng thời đẩy mạnh các mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất xanh, ứng dụng AI và chuyển đổi số. Tại triển lãm có chuỗi sự kiện chuyên ngành quan trọng và uy tín hàng đầu của ngành giấy và bao bì Việt Nam, tập trung giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới và máy móc thiết bị hiện đại.

Bắt nhịp xu hướng

Hiện Bình Dương là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp, với gần 30 khu công nghiệp. Ngành bao bì, đặc biệt là bao bì giấy, đóng vai trò hỗ trợ thiết yếu cho các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, đồ gỗ… Tại VPPE 2025, nhiều DN trong nước ký kết hợp tác công nghệ, tìm kiếm nhà cung cấp nguyên vật liệu đạt chuẩn quốc tế để phục vụ cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Các thiết bị trưng bày tại VPPE 2025 gồm máy sản xuất giấy tự động, dây chuyền làm túi giấy, máy in offset tốc độ cao, hệ thống tái sử dụng nước, hóa chất xử lý bề mặt giấy thân thiện môi trường…

Triển lãm năm nay ghi nhận sự tham gia của nhiều thương hiệu quốc tế lớn như Konica Minolta, Andritz, Pulppy, OKI, Polystron, cùng các DN trong nước như Liksin, An Lạc Labels, Khai Tuệ, MCCAL, Sunrise… Sự góp mặt đông đảo của các đơn vị quốc tế cho thấy sức hút của thị trường bao bì Việt Nam. Theo ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam, xanh hóa bao bì không còn là xu hướng mà là yêu cầu từ pháp luật, người tiêu dùng và cả cộng đồng DN… Đối với các DN xuất khẩu, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định về tiêu chuẩn môi trường, xanh hóa sản xuất là một yêu cầu rất cần thiết. Công ty luôn tìm kiếm những nhà cung ứng đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho các thị trường xuất khẩu.

Không chỉ xuất khẩu, với thị trường trong nước các yêu cầu chuẩn hóa về bao bì cũng đặt ra gay gắt. Với đà tăng trưởng đều đặn, cùng chiến lược phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải ròng đến năm 2050 xuống bằng “0” mà Chính phủ đã cam kết, ngành giấy và bao bì Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn 2025-2030. Nhiều DN đang đầu tư mạnh vào công nghệ tái chế, sử dụng bột giấy sinh học và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Khôi Thịnh, việc áp dụng vật liệu tái chế và quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp giảm chi phí mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh đang gia tăng. Đặc biệt, bao bì giấy phục vụ giao hàng thực phẩm và thương mại điện tử đang phát triển mạnh, với thiết kế tinh tế để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Sang cho biết thêm bên cạnh khu trưng bày, VPPE 2025 còn tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề nhằm cập nhật xu hướng công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm quản trị sản xuất. Các chủ đề tập trung vào ứng dụng công nghệ số trong ngành giấy, tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn đóng gói xuất khẩu và chuyển đổi xanh trong công nghiệp hỗ trợ. Trong khuôn khổ triển lãm, hội nghị toàn thể DN bao bì Việt Nam 2025 thảo luận nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt trước yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn môi trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

 Ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh VPPE 2025 không chỉ thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển mà còn mở ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận sản xuất xanh, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh. Đây là dịp để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác tiềm năng, giới thiệu máy móc, thiết bị, công nghệ mới… Bình Dương cam kết tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và không ngừng phát triển trên địa bàn tỉnh.

TIỂU MY – ANH TUẤN

http%3A%2F%2Fbaobinhduong.vn%2Fchuyen-doi-so-va-ung-dung-ai-nhan-len-co-hoi-cho-san-xuat-xanh-a346643.html

Exit mobile version