Home Ứng dụng AI Nhờ AI chắp cánh cho bài giảng

Nhờ AI chắp cánh cho bài giảng

0

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học đòi hỏi giáo viên phải thiết kế những hoạt động dạy học phong phú. Nhờ các ứng dụng, phần mềm AI mà quá trình chuẩn bị bài giảng điện tử của giáo viên không còn quá vất vả.

Từ ứng dụng chatbot LLMs (Large Language Models) phổ biến như Chat GPT; Google Gemini sẽ lên ý tưởng cụ thể cho bài giảng. Giáo viên chỉ cần nhập câu lệnh với mô tả ngắn gọn các bài giảng của mình, các chatbot sẽ cung cấp một dàn ý rất chi tiết với nhiều đề xuất thú vị cho các hoạt động từ khởi động, hình thành kiến thức đến luyện tập, vận dụng.

Đặc biệt, ý tưởng cho hoạt động khởi động do các ứng dụng này cung cấp có khả năng khơi gợi hứng thú rất cao cho học sinh, vì chúng lấy gợi ý từ những vấn đề mang tính thực tiễn cao.

Sau khi đã có một dàn ý chi tiết cho bài giảng, các thầy cô giáo có thể cụ thể hóa dàn ý ấy nhờ các ứng dụng soạn giáo án điện tử phổ biến như Canva, Slidesgo, Gamma… Các trang web này cung cấp cho giáo viên các mẫu thiết kế có sẵn (template) với các hiệu ứng hình ảnh sinh động, hấp dẫn, giúp hiệu quả soạn bài nhanh chóng hơn nhiều so với công cụ truyền thống PowerPoint đơn điệu.

Chưa kể, nhờ sự hỗ trợ của AI, giáo viên còn có thể xây dựng các sơ đồ tư duy để tổng kết kiến thức hoặc nhờ các chatbot “sáng tác” các bài thơ, vè ngắn gọn để biến những công thức, định lý khó nhớ trở nên dễ hiểu, dễ thuộc hơn.

Đặc biệt, nếu giáo viên chịu khó học cách sử dụng các phần mềm tạo video bằng AI còn có thể tạo ra những video thí nghiệm hóa học, vật lý, sinh học… sinh động, giàu tính trực quan để minh họa cho những kiến thức lý thuyết khó hình dung.

Không chỉ giúp đỡ người dạy trong quá trình soạn bài, AI còn giúp công tác kiểm tra, đánh giá của giáo viên thuận lợi hơn.

Đối với các môn học thuộc khối xã hội, các ứng dụng chatbot có thể gợi ý các đề bài nghị luận xã hội dựa trên sự tổng hợp các thông tin thời sự; các chủ đề tranh biện cho học sinh.

Còn đối với các môn khoa học tự nhiên, việc soạn các bộ đề trắc nghiệm hàng chục câu hỏi với các mã đề khác nhau cũng trở nên dễ dàng hơn với sự trợ giúp ra đề, “trộn đề” từ AI. Tất nhiên, các hoạt động này cần sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ giáo viên để tránh xảy ra sơ suất, đặc biệt là trong việc bảo mật đề thi.

Ngoài ra, AI cũng cung cấp những công cụ “khắc chế” đạo văn – một mặt trái khác do chính AI mang đến. Để hạn chế việc người học phụ thuộc vào các ứng dụng AI, xem các sản phẩm của AI là thành quả của chính mình, các phần mềm chống đạo văn cũng ra đời với khả năng phát hiện sao chép càng lúc càng nâng cao. Có thể kể đến các phần mềm như Dolt, Grammarly, Copyleaks…

Đặc biệt, phần mềm Turnitin gần đây không chỉ là một công cụ theo dõi đạo văn mà còn được cập nhật thêm tính năng phát hiện nội dung do AI tạo ra. Các phần mềm này giúp các giảng viên, giáo viên duy trì được sự công bằng, chính trực trong môi trường giáo dục.

Với việc soạn thảo văn bản, hầu như chỉ cần nhập đủ thông tin cần thiết, các chatbot sẽ hỗ trợ viết các văn bản hành chính với cấu trúc khá chuẩn mực, chỉ cần chỉnh sửa nhanh là đã có thể sử dụng trong công tác quản lý.

Để thích nghi với những xu hướng mới mẻ, người thầy cần không ngừng học hỏi để giải phóng chính mình khỏi những lối suy nghĩ, lối làm việc lạc hậu để cải tiến chất lượng giảng dạy và mang đến cho người học những trải nghiệm học tập sinh động.

https%3A%2F%2Fwww.vietnam.vn%2Fnho-ai-chap-canh-cho-bai-giang

Exit mobile version