Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà công nghệ phát triển nhanh hơn bao giờ hết. AI – Trí tuệ nhân tạo không còn là những khái niệm xa vời trong phim ảnh, mà đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng giữa thế giới của những cỗ máy ngày càng thông minh ấy, con người chúng ta đang ở đâu, liệu chúng ta có đang dần bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Trong tập Podcast ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng nghe chia sẻ của BTV Ái Linh về vấn đề nay qua bài viết “A.I là trí tuệ nhân tạo, còn chúng ta là ai ?”
Trong một cuộc trò chuyện cách đây hơn 2 năm, chồng tôi – một người làm trong lĩnh vực công nghệ có chia sẻ với tôi về trí tuệ nhân tạo. Nhưng trong hiểu biết ít ỏi của mình, tôi vẫn nghĩ đó chỉ là một trong vô số những sự thông minh của công nghệ, hỗ trợ cho cuộc sống của con người ngày một tiện nghi hơn như tủ lạnh thông minh, ngôi nhà thông minh hay những chú robot mà tôi đã từng xem trong các bộ phim viễn tưởng.
Nhưng không lâu sau, tôi nhận ra, AI-trí tuệ nhân tạo đã hiện diện trong cuộc sống của chúng ta rõ ràng hơn bao giờ hết. AI phát triển một cách nhanh chóng, nó không chỉ là những mã code hay câu lệnh vô hồn. AI thực hiện nhanh và chính xác những công việc đòi hỏi tính logic, những bài tính phức tạp và có thể thực hiện cả những công việc đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc. Chưa đầy một phút sau khi đưa ra câu lệnh, AI ngay lập tức có thể vẽ một bức tranh, sáng tác một bài nhạc và thậm chí viết một bài văn theo chủ đề mà bạn mong muốn…Và thậm chí, khi cần tư vấn tôi đã hỏi AI và đã được cho những lời khuyên như một chuyên gia thực thụ.
Sự lớn mạnh nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ cho chúng ta rất nhiều trong công việc nhưng cũng mang đến rất nhiều thách thức. Điều mà chúng ta thấy rõ ràng nhất là làn sóng sa thải từ các doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Lao động trong rất nhiều lĩnh vực đang dần bị thay thế bởi công nghệ. Và khi AI đang dần trở nên thông mình hơn, sáng tạo hơn và ngày càng trở nên mang tính “người” hơn thì tôi tự hỏi, liệu chúng ta, những con người bằng xương, bằng thit, có trái tim và suy nghĩ, chúng ta đang ở đâu trong thế giới này, liệu rằng, chúng ta có bị thay thế ?
Có một nghịch lý là khi công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta hào hứng, chạy theo công nghệ và vô hình chung, chúng ta càng ngày trở nên giống những cỗ máy hơn. Mạng xã hội giúp ta kết nối với thế giới dễ dàng hơn nhưng thực tế lại khiến chúng ta sống nhiều hơn trên thế giới ảo và mất dần đi những tương tác xã hội thật. Khi sử dụng mạng xã hội, lướt tin nhanh hay video ngắn, chúng ta đang bị những thuật toán dẫn dắt mà không hề hay biết, hoặc nếu có nhận thức được điều đó đôi khi ta lại không muốn thoát ra.
Công nghệ giúp cho việc giao tiếp và truyền đạt thông tin dễ dàng và tiện lợi hơn, nhưng lại khiến chúng ta mất dần đi những cảm xúc trong trò chuyện. Thay vì nhìn vào mắt nhau, nhận thấy những buồn – vui – lo lắng của người đối diện thì giờ đây chúng ta nói chuyện nhiều hơn qua màn hình, chia sẻ cảm xúc bằng những biểu tượng.
Nhưng có một điều tôi tin rằng, trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh, nhưng nó không thể thay thế cho trái tim, cảm xúc của mỗi con người. AI có thể cho bạn những lời khuyên nhưng sẽ không thể thật sự đồng cảm cùng bạn, không thể vỗ về an ủi, hay đơn giản chỉ là một cái nắm tay, một bờ vai, một hơi ấm để bạn thêm sức mạnh vượt qua lúc khó khăn. AI có thể sáng tác, có thể trình diễn nhưng không thể thổi bùng lên cảm xúc, không thể tạo được sự kết nối giữa con người với nhau. AI sẽ rất tốt trong việc tổng hợp, phân tích dữ liệu trong qua khứ nhưng sẽ không thể có những linh cảm, trực giác về tương lai như của con người. Và vì AI là trí tuệ chứ không phải là trái tim nên chẳng thể có tình yêu, sự thấu hiểu và biết hi sinh…những điều có thể khiến con người làm nên những điều không tưởng.
Nhưng để có thể tồn tại và phát triển song hành cùng AI, không trở nên máy móc và lệ thuộc vào công nghệ thì chúng ta cần phải làm gì ? Có lẽ, điều đầu tiên chúng ta cần làm là trở về với bản chất thực sự của con người. Hãy trân trọng và nuôi dưỡng tâm hồn của chính mình, đừng để cảm xúc bị chai sạn, đừng để tâm hồn bị robot hóa, bởi điều khác biệt lớn nhất của con người và robot là một trái tim biết rung cảm. Thay vì sống vội, hãy sống sâu hơn, sử dụng thời gian một cách chất lượng hơn cho những người yêu thương. Lắng nghe, sẻ chia, nhìn vào mắt nhau để thấu hiểu, chứ không đơn thuần là những cuộc trò chuyện qua màn hình. Công nghệ có thể giúp ta kết nối nhanh hơn, làm việc hiệu quả hơn, nhưng nếu không cẩn thận, nó cũng có thể khiến ta xa cách chính mình, xa cách những người thân yêu nhất. Vì thế, hãy học cách cân bằng giữa thế giới số và thế giới thực, giữa sự tiện ích của AI và giá trị của những cảm xúc con người.
Và mọi công nghệ do con người tạo ra mục đích cuối cùng là để phục vụ con người, vì thế hãy sử dụng AI như những người chủ, đừng quá lệ thuộc vào công nghệ, bởi sự phụ thuộc sẽ giết dần đi những suy nghĩ, cảm xúc và sức sáng tạo của bạn. Hãy để trái tim lên tiếng, đừng để AI định nghĩa cách ta yêu thương hay cảm nhận cuộc đời.
Ái Linh
https%3A%2F%2Fqrt.vn%2Fpodcast%2Fpodcast-a-i-la-tri-tue-nhan-tao-con-chung-ta-la-ai%2F