Home Vào công việc AI - Bán hàng & marketing Thúc đẩy đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và xây...

Thúc đẩy đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và xây dựng hệ sinh thái số

0

Hội thảo đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế và trong nước: Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cùng các bộ ngành và chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số và quản trị công nghệ. Các diễn giả chia sẻ về xu hướng chuyển đổi số ở Đông Nam Á và sự cần thiết phải xây dựng chính sách linh hoạt để thúc đẩy đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và phát triển hệ sinh thái số tại Việt Nam.

Công nghệ giữ vai trò then chốt

Theo bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI), ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phát triển kinh tế mà còn là yếu tố quyết định trong việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới, mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng. 

Bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình, Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI)

Đặc biệt trong bối cảnh các mô hình kinh tế số thay đổi liên tục với tốc độ chóng mặt, công nghệ giữ vai trò then chốt. Tại Việt Nam, năm 2023, kinh tế số đã đóng góp tới 18,3% GDP. Mục tiêu đến năm 2025 là nâng tỷ lệ này lên 25%. Để hiện thực hóa, Chính phủ Việt Nam đang triển khai loạt chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bà Citra cho biết.

Tuy vậy, bà Citra Nasruddin cũng lưu ý rằng bên cạnh cơ hội, công nghệ số cũng kéo theo không ít rủi ro và thách thức. Do đó, hệ thống chính sách và quy định pháp lý cần được điều chỉnh và bổ sung kịp thời để tối ưu hóa lợi ích và phòng ngừa các vấn đề phát sinh từ sự phát triển này. Hội thảo cũng đã làm rõ những xu hướng quản trị công nghệ ở khu vực Đông Nam Á và nhấn mạnh rằng, để quản lý tốt nền kinh tế số, các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, cần có các chính sách linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Nhu cầu nhân lực có kỹ năng công nghệ mới tăng mạnh

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)

Đồng tình với quan điểm của hầu hết các diễn giả tại Hội thảo là công nghệ giữ vai trò then chốt trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – eComDX cho biết, Thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, với quy mô thị trường TMĐT đã vượt qua mức 25 tỷ USD, tăng trưởng 22% so với năm 2023 và chiếm khoảng 9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng cao. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ mới đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự đổi mới và cải tiến các mô hình kinh doanh hiện nay. 

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, khi nền kinh tế số ngày càng mở rộng, nhu cầu về nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức về công nghệ mới ngày càng gia tăng. Các chương trình đào tạo TMĐT hiện nay đang ngày càng đa dạng và có sự thay đổi tích cực nhờ vào việc ứng dụng công nghệ mới. Một số trường đại học đã bắt đầu tích hợp các môn học liên quan đến công nghệ mới vào chương trình giảng dạy, như: Ứng dụng AI trong TMĐT, Blockchain và tiền mã hóa, Trí tuệ nhân tạo trong tài chính, và Quản lý và phân tích dữ liệu lớn…

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo công nghệ số cho doanh nghiệp và các địa phương nhằm nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng công nghệ vào hoạt động TMĐT.

Một vấn đề lớn mà ông Tuấn đề cập đến tại Hội thảo là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành TMĐT. Để giải quyết tình trạng này, ông Tuấn cho rằng mô hình đào tạo “theo đơn đặt hàng” giữa Nhà nước và doanh nghiệp là một giải pháp tiềm năng. Đây là mô hình có thể linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa cung cấp kiến thức lý thuyết, vừa chú trọng thực hành và giúp kết nối hiệu quả giữa cung và cầu lao động.

Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả và bền vững, cần có sự phối hợp rõ ràng và minh bạch giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo dù là “đặt hàng” cũng cần đảm bảo cung cấp kiến thức nền tảng và kỹ năng cốt lõi, giúp học viên thích ứng lâu dài với môi trường TMĐT không ngừng thay đổi.

Toàn cảnh Hội thảo

Bộ Công Thương đang triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực TMĐT thông qua việc sửa đổi chương trình giảng dạy, cập nhật học liệu, tăng cường thực tập và kiến tập cho sinh viên, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của kinh tế số. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý và kinh doanh trực tuyến mà còn thúc đẩy đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh, từ đó xây dựng một hệ sinh thái số vững mạnh và linh hoạt.

Một trong những sáng kiến quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và xây dựng hệ sinh thái số trong thương mại điện tử là Chương trình Go Online, do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số triển khai. Chương trình này sẽ được tổ chức ở cả 6 khu vực kinh tế trên cả nước, với mục tiêu đào tạo chuyên sâu về các vấn đề cốt lõi của TMĐT. Bao gồm khung pháp lý, chiến lược phát triển kinh doanh, quy định thuế và các giải pháp quảng cáo số. 

Đặc biệt, chương trình sẽ chú trọng vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến mô hình kinh doanh, giúp các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.

Qua đó, chương trình không chỉ trang bị cho doanh nghiệp và lực lượng lao động trẻ những kiến thức và kỹ năng thực tiễn, mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái số tại các địa phương, tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp và tổ chức trong nước có thể kết nối, hợp tác và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại số.



https%3A%2F%2Fmoit.gov.vn%2Ftin-tuc%2Fthuc-day-doi-moi-cong-nghe-mo-hinh-kinh-doanh-va-xay-dung-he-sinh-thai-so.html

Exit mobile version