Các chuyên gia cho rằng, AI giúp các nhà cung cấp năng lượng có thể dự đoán chính xác nhu cầu sử dụng của khách hàng, tích hợp các nguồn điện lên lưới và bảo đảm tính an toàn của hệ thống…
Đường đua mới của ngành năng lượng
Theo các chuyên gia, AI đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực sản xuất, dự báo năng lượng tái tạo, điều hành lưới điện thông minh, điều phối nhu cầu, phân phối năng lượng, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất điện cũng như nghiên cứu và phát triển vật liệu.
Điều đó có nghĩa là một lượng dữ liệu lớn chứa thông tin về lưới điện như công suất phát điện, phụ tải, dòng điện, điện áp, tần số, tín hiệu sự cố… trở thành nguồn dữ liệu đầu vào cho các ứng dụng AI với các mục đích khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng điện năng và quản lý lưới điện hiệu quả.
Báo cáo của McKinsey về việc sử dụng AI của các công ty năng lượng cho thấy, việc lập kế hoạch do AI hỗ trợ giúp doanh nghiệp không cần nhân viên công nghệ thông tin khi giải quyết các sự cố phần cứng, đồng thời giúp cải thiện năng suất của công nhân lên đến 30%. Thậm chí, việc sử dụng các khuyến nghị do AI đề xuất có thể góp phần tối ưu hóa tỷ lệ nhiệt, khả năng chuyển đổi hiệu quả nhiên liệu thành điện của nhà máy năng lượng lên đến 5%…
Tại Việt Nam, ngành năng lượng đã được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, sức mạnh của các công nghệ AI, dữ liệu lớn (Big data) và hạ tầng số (Cloud) là ba trụ cột thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số toàn diện của ngành năng lượng. AI đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quản lý năng lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty trở nên xanh, bền vững hơn.
Cũng theo các chuyên gia, không ít nhà máy điện trong nước đang sử dụng song song phần mềm từ các hãng nước ngoài và tự đầu tư mua sắm. Do vậy, các ứng dụng này chưa có sự liên kết thông tin với nhau, dẫn tới tình trạng không liên thông dữ liệu, gây khó khăn cho việc khai thác dữ liệu…
Ngoài ra, còn có một thực tế (được khảo sát tại một tổng công ty điện lực) cho thấy, có đến 70% dữ liệu được nhập thủ công và không có ràng buộc hay kiểm soát; không có quy trình số hoặc quy trình số không gắn với dữ liệu. Nhiều dữ liệu quan trọng trong nghiệp vụ chỉ được tạo ra và đưa vào hệ thống lưu trữ thông qua các báo cáo, tờ trình, tạo nên một lượng lớn dữ liệu phi cấu trúc (là các file đính kèm) mà các hệ thống quản trị dữ liệu truyền thống sẽ không thể khai thác hiệu quả.
Một vấn đề nữa tại doanh nghiệp này là các ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống hiện tách biệt với hệ quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), khiến dữ liệu manh mún và không chính xác. Cũng vì vậy, doanh nghiệp, lãnh đạo đơn vị không có được bức tranh tổng quan về dữ liệu tại đơn vị mình.
Tái định nghĩa hiệu quả vận hành ngành năng lượng
Theo đại diện Intel Việt Nam, công nghệ AI và GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) đang mang đến cơ hội đột phá cho các doanh nghiệp năng lượng, không chỉ trong việc tối ưu chi phí, cải thiện hiệu suất mà còn hỗ trợ phát triển bền vững. AI đang dần hiện diện ở mọi cấp độ ra quyết định, từ chiến lược đến vận hành. Ứng dụng AI được biết đến trong ngành năng lượng với vai trò như dự báo sản lượng, giám sát tổ máy theo thời gian thực hay trợ lý AI nội bộ, đang giúp doanh nghiệp tăng tốc ra quyết định và giảm thiểu rủi ro vận hành.
Nhiều doanh nghiệp năng lượng trên toàn cầu triển khai AI gồm ứng dụng các nền tảng đa tầng (cloud DC, đám mây ở biên và thiết bị thông minh) cùng với nền tảng vi xử lý Intel thế hệ mới và bộ tăng tốc AI. Những ứng dụng này đã mang lại hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vận hành và tiết kiệm năng lượng tối ưu hơn 3,5 lần so với cách tiếp cận truyền thống.
Đại diện Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, công nghệ AI sẽ không phát huy hết tiềm năng nếu thiếu nền tảng dữ liệu và hạ tầng triển khai phù hợp. Bởi, dữ liệu chính là nền tảng cốt lõi để triển khai AI một cách hiệu quả.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp và nhà máy vẫn đang gặp những “nút thắt” lớn như thiếu dữ liệu chủ (master data), các hệ thống phần mềm rời rạc, dữ liệu phân tán, không được kết nối liền mạch để hình thành bức tranh đa chiều về hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Do vậy, đại diện Viettel đề xuất, để vận hành thông minh và ra quyết định chính xác, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược dữ liệu rõ ràng, xác định các tập dữ liệu trọng yếu, đồng thời có lộ trình chuẩn hóa và hợp nhất phù hợp để dữ liệu thực sự trở thành “trái tim số”, làm cơ sở cho mọi quyết định và nền tảng cho các ứng dụng AI.
“Làm dữ liệu là làm ngược, doanh nghiệp cần xác định rõ đích đến trước khi bắt đầu, tránh chạy đua công nghệ một cách hình thức, và nên lựa chọn các đối tác có kinh nghiệm để đồng hành triển khai chiến lược dữ liệu bài bản”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Nguyễn Chí Thanh cho biết. Và với năng lực làm chủ công nghệ lõi AI, Big data, cloud, Viettel đang đồng hành với nhiều doanh nghiệp, nhà máy, tổ chức trong hành trình chuyển đổi số ngành năng lượng một cách thực chất và hiệu quả…
Có thể thấy, với sự hỗ trợ của các ứng dụng AI, ngành năng lượng đang chuyển mình rõ rệt từ mô hình vận hành truyền thống sang mô hình vận hành thông minh, giúp doanh nghiệp tăng tốc độ ra quyết định, tối ưu hiệu suất và giảm thiểu rủi ro.
https%3A%2F%2Fhanoimoi.vn%2Ftri-tue-nhan-tao-chia-khoa-vang-cho-nganh-nang-luong-709309.html