Home Tin tức AI Trung Quốc lên kế hoạch “vượt mặt” Mỹ trong cuộc đua AI...

Trung Quốc lên kế hoạch “vượt mặt” Mỹ trong cuộc đua AI tiếp theo

0

Ngày 21/5 mới đây, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đã gọi sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo là một “cuộc chạy đua vũ trang” với Trung Quốc. Ông nói rằng, nếu tạm dừng vì lo ngại về an toàn AI, Mỹ có thể sẽ “bị nô dịch bởi AI do Trung Quốc kiểm soát”, tờ The Economist đưa tin.

Ý tưởng về một cuộc đối đầu giữa hai siêu cường, kết thúc bằng một chiến thắng hoặc thất bại, đang liên tục lan truyền tại Washington và nhiều nơi khác.

Tháng này, các lãnh đạo của OpenAI, AMD, CoreWeave và Microsoft đã vận động hành lang cho việc nới lỏng quy định, coi AI là yếu tố then chốt giúp Mỹ duy trì vị thế bá chủ toàn cầu.

Trước đó, ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một thỏa thuận AI với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và tuyên bố rằng, thỏa thuận này sẽ giúp đảm bảo “quyền thống trị AI” của nước Mỹ. Mỹ dự kiến sẽ chi hơn 1.000 tỷ USD từ nay tới năm 2030 để xây dựng các trung tâm dữ liệu phục vụ cho các mô hình AI.

SỰ NỔI LÊN CỦA TRUNG QUỐC

Sự ra mắt của DeepSeek hồi tháng 1 năm nay khi công ty khởi nghiệp của Trung Quốc ra mắt một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) sánh ngang với năng lực của mô hình của OpenAI đã cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc đang bám sát Mỹ.

Tuy nhiên, cuộc họp gần đây của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy quốc gia này đang chuẩn bị cho một kiểu cuộc đua chiến lược khác, theo tờ The Economist.

“Các công ty Mỹ chú trọng vào mô hình, nhưng doanh nghiệp Trung Quốc thì nhấn mạnh vào việc ứng dụng AI vào thực tế”, ông Zhang Yaqin, cựu lãnh đạo Baidu và hiện là giảng viên tại Đại học Thanh Hoa nhận định.

Chính việc tập trung vào ứng dụng thực tiễn – trong nhà máy và cho người tiêu dùng – đã từng giúp Trung Quốc vượt lên trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử.

Ngày 19/5, ông Jensen Huang, Giám đốc Nvidia, cảnh báo rằng nước Mỹ có thể sẽ lại tụt hậu. Ông chia sẻ với bản tin Stratechery rằng, nếu các công ty Mỹ không cạnh tranh tại Trung Quốc khi nơi đây đang xây dựng một “hệ sinh thái phong phú”, công nghệ và năng lực lãnh đạo của Bắc Kinh “sẽ lan tỏa khắp thế giới”.

Sự xuất hiện của Deepseek đã làm lung lay vị thế dẫn đầu lĩnh vực AI của Mỹ. Ảnh: Global Times

Cái nhìn của Mỹ về AI thường mang tính trừu tượng và phóng đại. Nhiều người kỳ vọng, các mô hình ngôn ngữ lớn sẽ sớm đạt năng lực nhận thức ngang với con người,và những người ủng hộ cho rằng, ranh giới dẫn đến trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) sẽ được vượt qua chỉ trong vài năm tới.

Ông Sam Altman, lãnh đạo OpenAI, tin rằng, bước tiếp theo sẽ là các hệ thống siêu trí tuệ thực sự vượt trội con người ở các nhiệm vụ nhận thức. Việc trở thành quốc gia đầu tiên phát triển được một mô hình có thể tự cải thiện năng lực có thể mang lại lợi thế quyết định, giống như việc trở thành nước đầu tiên chế tạo thành công bom nguyên tử.

Ông Barath Harithas thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lưu ý rằng, các nhà hoạch định Mỹ tin “quốc gia đầu tiên đạt được AGI sẽ mở ra một triều đại kéo dài 100 năm”. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ được thiết lập để đảm bảo Trung Quốc chỉ về nhì.

Trên thực tế, đúng là một số doanh nhân Trung Quốc cũng tin vào cuộc chạy đua này. Ông Liang Wenfeng, nhà sáng lập DeepSeek, đã đặt mục tiêu phát triển AGI làm sứ mệnh của công ty và cũng dự đoán, mô hình này có thể xuất hiện chỉ trong hai năm nữa.

Thế nhưng, ít người chú ý rằng chính phủ Trung Quốc lại đang đặt cược vào một cách tiếp cận khác. Thành tích của ông Liang từng giúp ông có buổi gặp với Thủ tướng Lý Cường hồi tháng 1, nhưng chỉ vài ngày sau đó, một phó thủ tướng phụ trách khoa học của Đảng Cộng sản đã dường như bác bỏ quan điểm kiểu Mỹ khi tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không mù quáng chạy theo trào lưu hay tham gia vào cuộc cạnh tranh quốc tế không kiểm soát”.

Tháng trước, tạp chí Qiushi – cơ quan lý luận quan trọng nhất của Đảng – đã mô tả AGI là một công cụ “để thúc đẩy sự hiểu biết của con người và cải biến thế giới”. Tại Trung Quốc, thuật ngữ AGI thường được hiểu là “AI đa năng”, áp dụng vào nhiều mục đích thực tiễn, chứ không mang hàm ý về một hệ thống siêu trí tuệ tự cải thiện như khái niệm phổ biến ở phương Tây.

TRUNG QUỐC THÚC ĐẨY MỤC TIÊU ỨNG DỤNG AI

Theo tờ The Economist, vào tháng 4, Bộ Chính trị Trung Quốc tổ chức phiên nghiên cứu chuyên đề lần thứ hai về AI (lần đầu tiên vào năm 2018). Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu các lãnh đạo cấp dưới tập trung vào việc ứng dụng AI trong đời sống hàng ngày.

“Trong khi các lãnh đạo công nghệ Mỹ thường đóng khung AI với những khát vọng không tưởng, chính phủ Trung Quốc có vẻ tập trung hơn vào việc dùng AI để giải quyết các bài toán cụ thể như tăng trưởng kinh tế và nâng cấp công nghiệp”, ông Karson Elmgren của Viện Nghiên cứu chính sách RAND nhận xét.

Báo cáo công tác thường niên của chính phủ Trung Quốc hồi tháng 3 đề cập đến chiến dịch mới mang tên “AI+”, ưu tiên các doanh nghiệp ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất hiện có, bao gồm cả các cơ sở sản xuất sử dụng robot tự động. Đây là mô hình mô phỏng chiến dịch “Internet+” cách đây một thập kỷ nhằm tạo ra một nền kinh tế số tiêu dùng tinh vi hơn phương Tây.

Cách tiếp cận thiên về ứng dụng này phản ánh tình trạng thiếu hụt nhân lực AI và chip, hay nói như ông Tập hồi tháng 4 là thiếu hụt “lý thuyết cơ bản và các công nghệ cốt lõi then chốt” và “Chúng ta (Trung Quốc) phải đối diện với khoảng cách đó”.

Ông Liu Zhiyuan của Đại học Thanh Hoa từng so sánh chiến lược của Trung Quốc với lập luận mà ông Mao Trạch Đông từng thuyết giảng năm 1938: đối thủ yếu có thể làm đối thủ mạnh kiệt sức và bền bỉ trụ lại. Hồi đầu tháng 5, tạp chí Qiushi đăng bài của ông Tang Jie cũng đến từ Đại học Thanh Hoa, kêu gọi Trung Quốc trở thành người theo sau nhanh nhạy với các đổi mới của Mỹ, tập trung vào việc tạo ra các ứng dụng rẻ hơn và nhanh hơn.

Một trong những ý tưởng của Bắc Kinh là giá trị mà AI tạo ra sẽ thuộc về những người áp dụng, chứ không phải các nhà làm mô hình. Ảnh: ChinaDaily

Chiến lược AI đang hình thành của Trung Quốc dường như có hai phần. Một là phá thế độc quyền của Mỹ đối với AI tiên tiến bằng cách sao chép các sáng tạo của phương Tây và công khai mã nguồn của các mô hình – như cách DeepSeek đã làm. Ý tưởng ở đây là giá trị mà AI tạo ra sẽ thuộc về những người áp dụng nó, chứ không phải các nhà làm mô hình.

Đến khi AGI thành hình, Trung Quốc sẽ ở vị thế tốt hơn Mỹ, với một hệ sinh thái ứng dụng xã hội, công cụ tìm kiếm, trợ lý ảo và phần cứng đã sẵn sàng, theo nhà đầu tư nổi tiếng Kai-Fu Lee tại Bắc Kinh. Ông cho rằng, bằng cách nhanh chóng thu hút người dùng và dữ liệu, các ứng dụng AI của Trung Quốc có thể xây dựng một hàng rào phòng thủ mà đối thủ phương Tây khó lòng vượt qua, giống như cách TikTok đã làm được.

KẾ HOẠCH VƯỢT MẶT MỸ

Song song với nỗ lực triển khai AI nhanh và rẻ hơn, Trung Quốc cũng đang tìm cách tạo ra các đột phá khi cố gắng vượt qua khoản đầu tư hàng nghìn tỷ USD của Mỹ vào các mô hình ngôn ngữ lớn.

“Nếu chúng ta chỉ mải miết đi theo con đường mà Mỹ đã vạch sẵn – tăng cường năng lực tính toán, tối ưu thuật toán và triển khai – thì Trung Quốc sẽ mãi mãi chỉ là kẻ bám đuôi”, ông Zhu Songchun, Giám đốc Viện AI tổng hợp Bắc Kinh, một phòng thí nghiệm quốc gia về AI tiên tiến, phát biểu hồi tháng trước.

Một báo cáo gần đây cho thấy Bắc Kinh đã có một số tiến triển trong quá trình này khi các nhà khoa học Trung Quốc có khả năng đang trên con đường xây dựng trí tuệ nhân tạo cấp độ tiếp theo, từ đó, có thể đưa quốc gia này vươn lên dẫn trước.

Nơi thử nghiệm mục tiêu này là thành phố Vũ Hán – nơi từng được biết đến là khởi nguồn của Covid-19 – giờ đây đang trở thành căn cứ cho việc nghiên cứu khoa học và công nghệ, bao gồm cả AI.

Với sự hỗ trợ lớn của chính phủ Trung Quốc, Vũ Hán là nơi thành lập các chi nhánh của hai viện AI hàng đầu có trụ chính tại Bắc Kinh với mục tiêu hợp tác về các giải pháp thay thế cho các mô hình AI tạo sinh lớn.

Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà phát triển AI và các nhà hoạch định chính sách phương Tây, theo báo cáo của một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và công nghệ mới nổi (CSET) của Đại học Georgetown.

Cách tiếp cận đa dạng và sáng tạo của Trung Quốc đối với AI đang cho thấy nước Mỹ có nguy cơ bị tụt hậu, tác giả chính của báo cáo – ông William C. Hannas nói với Newsweek.

Hai lợi thế mà Mỹ đang có là chip và thuật toán hiện đang bị xói mòn bởi các giải pháp thay thế từ Trung Quốc. Không chỉ vậy, trong khi các doanh nghiệp của Washington tập trung vào các mô hình thống kê lớn, Trung Quốc lại đánh cược vào AGI và bảo vệ nó bằng các khoản tài trợ, ông Hannas, nhà phân tích chính của CSET và trước đây là chuyên gia cấp cao của CIA về phân tích nguồn mở Trung Quốc, cho biết.

Đơn cử, tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã công bố tài trợ cho các nhà nghiên cứu phát triển AGI bằng các mô hình mới, chẳng hạn mô hình có thể tương tác với thế giới thực qua hình ảnh, mô hình điều khiển máy tính bằng ý nghĩ, hay những thuật toán giả định mô phỏng bộ não con người.

Liệu cách tiếp cận của Trung Quốc có hiệu quả? Một nghiên cứu mới của IMF kết luận, AI có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm 5,6% trong vòng 10 năm tới, so với mức 3,5% của Trung Quốc, chủ yếu vì khu vực dịch vụ nhỏ của Trung Quốc khiến năng suất tăng dù AI có phổ biến nhanh trong sản xuất, thì mức trần vẫn thấp.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là Trung Quốc đang tăng tốc trên một hướng đi khác. Một dấu hiệu là Apple: để đảo ngược tình trạng doanh thu giảm tại Trung Quốc, hãng đang ráo riết tìm đối tác bản địa cung cấp dịch vụ AI cho người dùng – điều mà giờ đây gã khổng lồ này coi là đương nhiên phải có. Nhưng các báo cáo gần đây cho thấy chính phủ Mỹ có thể sẽ ngăn cản điều này.

Nếu thiếu các ứng dụng AI được nội địa hóa, các sản phẩm công nghệ Mỹ như Iphone có nguy cơ trở thành kẻ ngoài cuộc tại thị trường Trung Quốc, và có thể cả ở những nơi khác theo thời gian.

https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Ftechconnect%2Ftrung-quoc-len-ke-hoach-vuot-mat-my-trong-cuoc-dua-ai-tiep-theo.htm

Exit mobile version