(TBTCO) – Liên tiếp những vụ việc “nóng” gần đây cho thấy hàng giả đã lộng hành trong suốt thời gian dài trên các sàn thương mại điện tử. Thế nhưng, việc xử lý triệt để tình trạng này vẫn là “bài toán nan giải”, khiến dư luận không khỏi hoang mang và đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng.
“Siro ăn ngon Hải Bé” – một trong những sản phẩm được xác định là giả bán trên các kênh mạng xã hội. Ảnh tư liệu |
Vào cuộc quyết liệt, phanh phui nhiều vụ
Sự xuất hiện của thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng rất nhanh (25%/năm), khiến đây là môi trường rất “màu mỡ” cho những kẻ buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động. Vừa qua, hàng loạt vụ việc bị phanh phui đã cho thấy mức độ nghiêm trọng và tinh vi của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả qua sàn thương mại điện tử.
80% số hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đang tiêu thụ, mua bán trên mạngTheo ước tính của cơ quan chức năng, có hơn 80% số hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Do đặc thù, việc kiểm soát những mặt hàng giao dịch trên không gian mạng gần như không thể. |
Điển hình, đầu tháng 5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang triệt phá một cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Các sản phẩm khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da… của cơ sở này được rao bán trên các sàn thương mại điện tử Shopee và TikTok Shop. Từ khoảng cuối năm 2024 đến nay, chủ cơ sở này đã bán hơn 100.000 đơn hàng cho các khách hàng trên cả nước, với doanh thu hơn 6 tỷ đồng.
Gần đây nhất, việc Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố bị can, bắt tạm giam Giám đốc Công ty TNHH Hải Bé là Trần Đại Phúc và Lê Văn Hải (thành viên góp vốn của công ty) về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm. Theo cơ quan công an, từ năm 2024 đến nay, Công ty TNHH Hải Bé đã bán qua các kênh mạng xã hội TikTok Shop, Facebook, Shopee “Gia đình Hải Sen” và “Hải Sen” hơn 800.000 sản phẩm, trong đó riêng mặt hàng “Siro ăn ngon Hải Bé” được bán với số lượng trên 100.000 hộp.
Ngoài ra, nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử từng bán dầu ăn giả OFOOD của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food…
Ông Nguyễn Tấn Phong – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) cảnh báo, các đối tượng kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, thậm chí quảng cáo còn chuyên nghiệp hơn cả doanh nghiệp thật. Công nghệ cao đang bị sử dụng sai lệch, gây khó khăn lớn trong việc xác minh nguồn gốc sản phẩm.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, nguyên nhân cốt lõi khiến hàng giả dễ dàng “ẩn nấp” trên sàn thương mại điện tử là do quy trình quản lý người bán còn lỏng lẻo. Chỉ cần thư điện tử hoặc số Điện thoại là có thể đăng ký bán hàng, không yêu cầu xác thực danh tính điện tử, khiến cho các đối tượng dễ dàng “ve sầu thoát xác”, đổi tên tài khoản khi bị xử lý.
Bên cạnh đó, để tránh bị sàn kiểm duyệt, không ít chủ gian hàng áp dụng chiêu lách luật như viết tắt tên thương hiệu, cố tình không ghi nhãn hiệu trong phần mô tả sản phẩm nhưng lại sử dụng hình ảnh hàng thật đủ để người mua nhận ra…
Tăng cường pháp lý và công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng
Trước thực trạng nhức nhối này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm 2025, hơn 33.000 sản phẩm vi phạm đã bị gỡ khỏi các sàn, 11.000 gian hàng bị xử lý.
Chính sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, những ngày qua nhiều TikToker nổi tiếng từng là “ngôi sao bán hàng” cũng đang dần biến mất trên sàn thương mại điện tử, như TikToker Hải Sapa TV đã gỡ bỏ mặt hàng thịt trâu gác bếp; TikToker Múi Xù chuyên bán mỹ phẩm bị phản ánh bán kem chống nắng không rõ thành phần đã xóa toàn bộ sản phẩm trên kênh…
Để ngăn chặn tận gốc hàng giả trên sàn thương mại điện tử, các chuyên gia đề xuất, các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội phải chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát sản phẩm vi phạm, khóa tài khoản gian lận và chia sẻ dữ liệu với cơ quan chức năng để truy vết nhanh chóng. Cùng với đó, cần tăng cường áp dụng công nghệ như AI, Big Data để giám sát và phát hiện vi phạm tự động.
Về phía cơ quan chức năng, Bộ Công thương cho biết, Bộ đã ký đề án tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng. Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI)… trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, Bộ Công thương đang hoàn thiện dự thảo Luật Thương mại điện tử, với quy định bắt buộc định danh người bán. Quy định này sẽ giúp truy vết nguồn gốc hàng hóa, xử lý vi phạm và truy thu thuế.
Đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công thương yêu cầu bắt buộc phải có pháp nhân hoặc đơn vị ủy quyền tại Việt Nam để bảo đảm chịu trách nhiệm pháp lý khi xảy ra tranh chấp…
Bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan chức năng và nền tảng thương mại điện tử, yếu tố quan trọng còn đến từ chính người tiêu dùng. Không ít người vì ham rẻ, quá tin vào đánh giá ảo mà bỏ tiền mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Chỉ khi người tiêu dùng cảnh giác, từ chối mua hàng nghi ngờ, ưu tiên gian hàng chính hãng và biết tự bảo vệ mình thì mới có thể từng bước ngăn chặn thị trường hàng giả trên sàn thương mại điện tử.
Đã có hành lang quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tửTheo Bộ Công thương, Nghị định số 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Việc triển khai nghị định này đang được thực hiện đồng bộ trên cả hai phương diện: phía cơ quan nhà nước và phía các sàn thương mại điện tử. Nghị định này có một nội dung quan trọng là chuyển trách nhiệm kê khai và nộp thuế từ hàng triệu cá nhân kinh doanh sang các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử và các tổ chức cung cấp nền tảng số có chức năng hỗ trợ thanh toán. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính (cơ quan thuế) trong việc chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu sàn và ứng dụng thương mại điện tử (bao gồm mã số thuế, định danh cá nhân, tình trạng hoạt động)… Về phía doanh nghiệp nền tảng, hiện các doanh nghiệp đã phối hợp từ sớm với cơ quan thuế trong giai đoạn xây dựng nghị định để tránh tình trạng “thuế chồng thuế” và đề xuất hoàn thiện chính sách. Doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật như nâng cấp hệ thống dữ liệu, phần mềm quản lý và công cụ thu – báo cáo thuế, đảm bảo tính chính xác và minh bạch khi khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng từ ngày 1/7… Thời gian tới, để triển khai Nghị định 117/2025, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, đặc biệt là các cơ quan thuế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn với các sàn, người bán trên các sàn hiểu rõ hơn và thực hiện tốt các nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Đối với các nền tảng thương mại điện tử, tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ phục vụ khấu trừ và nộp thuế thay; chuẩn hóa dữ liệu định danh người bán; rà soát dữ liệu người bán chưa đăng ký kinh doanh, chưa kê khai thuế… |
https%3A%2F%2Fthoibaotaichinhvietnam.vn%2Ftruy-quet-manh-hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-179535-179535.html