Home Ứng dụng AI Ứng dụng AI để giải bài toán ESG ngành ngân hàng

Ứng dụng AI để giải bài toán ESG ngành ngân hàng

0

Tại Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức ngày 21.5.2025, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hành phát triển bền vững và vai trò của AI trong nâng cao hiệu quả báo cáo, quản trị và thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) của hệ thống ngân hàng.

Theo ông Hà, phát triển bền vững đã vượt ra khỏi phạm vi một xu hướng, trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của ngành tài chính – ngân hàng. Trong đó, việc xây dựng và công bố Báo cáo Phát triển bền vững là công cụ quan trọng để các tổ chức tài chính thể hiện cam kết, minh bạch hóa hoạt động, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong trong quá trình hướng tới một nền kinh tế xanh và toàn diện.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại lồng ghép, đưa các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, chương trình, kế hoạch kinh doanh, quy trình nghiệp vụ; khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng và công bố Báo cáo Phát triển bền vững, công bố các cam kết “xanh” của tổ chức mình.

Năm 2024 ghi nhận số lượng tổ chức lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt đạt kỷ lục với 33 đơn vị. Gần như toàn bộ các tổ chức tín dụng đã tích hợp nội dung phát triển bền vững vào báo cáo thường niên theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC. Đáng chú ý, đã có khoảng 13 – 15 ngân hàng thương mại công bố báo cáo phát triển bền vững độc lập và xu hướng này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, với thêm 6 ngân hàng thương mại công bố báo cáo.

Cùng với đó, hoạt động tín dụng xanh cũng đạt kết quả tích cực. Đến cuối quý 1/2025, có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng giá trị trên 704.244 tỉ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh trong giai đoạn 2017 – 2024 đạt bình quân 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung.

Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI”

Tuy nhiên, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, việc thực hành và công bố báo cáo phát triển bền vững trong ngành ngân hàng hiện vẫn ở giai đoạn khởi đầu. Những thách thức về khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu và đặc biệt là cách thức thu thập, xử lý thông tin một cách hiệu quả và minh bạch vẫn là những rào cản đáng kể.

Chính vì vậy, ông Hà cho rằng việc ứng dụng AI và công nghệ số chính là lời giải tiềm năng cho những bài toán trên. AI không chỉ giúp tự động hóa việc thu thập và tổng hợp dữ liệu, mà còn hỗ trợ phân tích chuyên sâu, phát hiện xu hướng và đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng báo cáo và hiệu quả quản trị bền vững.

Ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu chuyên sâu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt cả cơ hội và thách thức mà AI và phát triển bền vững mang lại.

Theo ông, học máy được xem là công cụ cốt lõi, từ phân tích dự đoán doanh thu đến phát hiện gian lận. Thị giác máy tính (Computer Vision) giúp quét hóa đơn và xử lý tài liệu tự động. Trong khi đó, xử lý ngôn ngữ tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong phân tích báo cáo và hỗ trợ khách hàng. Các thế hệ AI mới như AI tạo sinh (Generative AI) và AI tác vụ (Agentic AI) mở ra tiềm năng trong lập báo cáo, điều phối quy trình, và tự động hóa hoạt động kế toán.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa thể thay thế hoàn toàn các ứng dụng truyền thống.

Để hướng dẫn thực hành cụ thể, ACCA đã xây dựng mô hình tám giai đoạn cho chu trình sản xuất thông tin báo cáo phát triển bền vững. Theo đó từ khâu phân công trách nhiệm, thiết lập bối cảnh, xác định thông tin trọng yếu, cho đến xác minh và cải tiến liên tục – mỗi giai đoạn đều có thể tận dụng sức mạnh của AI.

Ví dụ, ở giai đoạn thiết lập bối cảnh, AI giúp rút ngắn thời gian đọc hiểu và tổng hợp yêu cầu báo cáo. Khi cần đánh giá rủi ro khí hậu ảnh hưởng đến hoạt động tài chính, AI có thể hỗ trợ mô phỏng kịch bản, phân tích dữ liệu vệ tinh như Google Flood Hub hay Climate TRACE. Trong khâu trình bày báo cáo, AI có thể tùy chỉnh định dạng và nội dung cho từng nhóm đối tượng.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo, có nhiều tổ chức chưa có sẵn luồng dữ liệu hoặc hạ tầng phù hợp để khai thác tối đa công nghệ này. Những thách thức như dữ liệu rời rạc, thiếu tiêu chuẩn hoặc không có sự phối hợp nội bộ sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả triển khai AI. Do đó, ông kêu gọi các tổ chức tiếp cận từng bước, từ cải thiện quản trị nội bộ đến xây dựng kết nối xuyên suốt giữa các bộ phận tài chính, dữ liệu và công nghệ.

Đáng chú ý, ông Mike Suffield là lời kêu gọi sử dụng AI một cách có đạo đức, nhằm củng cố niềm tin vào chất lượng và độ tin cậy của thông tin được tạo ra.

https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Fung-dung-ai-de-giai-bai-toan-esg-nganh-ngan-hang-232837.html

Exit mobile version