Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng AI trong thiết kế CLO (Course Learning Outcomes)” do Khoa Nhật Bản học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức ngày 22/4 đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục.
Tại chương trình, ThS. Hồ Tố Liên – Trưởng Khoa Nhật Bản học đã trình bày tổng quan về Trí tuệ nhân tạo (AI) và câu lệnh (prompt) – yếu tố then chốt quyết định mức độ tương tác hiệu quả giữa người dùng và các hệ thống AI. Theo cô, việc hiểu và thiết kế đúng prompt là điều kiện tiên quyết để khai thác tối đa sức mạnh của AI trong hoạt động giảng dạy, đặc biệt là trong công tác phát triển học phần và nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên.
ThS. Hồ Tố Liên nhấn mạnh việc viết chuẩn các câu lệnh giúp khai thác tối đa hiệu quả của AI
Bên cạnh phần giới thiệu lý thuyết, ThS. Hồ Tố Liên cũng dành thời gian hướng dẫn chi tiết cho các giảng viên cách ứng dụng AI trong việc xây dựng đề cương môn học, đảm bảo phù hợp với các cấp độ nhận thức trong thang Bloom – từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Việc xác định chính xác cấp độ và lựa chọn động từ hành động phù hợp giúp các chuẩn đầu ra học phần (CLO) trở nên rõ ràng, có thể đo lường được, đồng thời đảm bảo tính liên kết chặt chẽ với chuẩn đầu ra chương trình đào tạo (PLO).
Diễn giả hướng dẫn chi tiết cho giảng viên cách ứng dụng AI trong xây dựng đề cương môn học
Cô cũng chỉ ra phương pháp sử dụng AI để thể hiện mối quan hệ logic giữa CLO và PLO, từ đó bảo đảm tính nhất quán trong cấu trúc chương trình và định hướng mục tiêu đào tạo. Thông qua hoạt động thực hành trực tiếp trên các công cụ AI, các giảng viên còn được trải nghiệm quá trình khảo sát phản hồi, đánh giá mức độ hài lòng với kết quả AI đưa ra, từ đó học cách tinh chỉnh câu lệnh nhằm nâng cao tính chính xác, tính học thuật và khả năng áp dụng thực tiễn của nội dung sinh ra từ AI.
Việc tích hợp AI vào quy trình thiết kế đề cương học phần còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực: tăng tính chủ động cho giảng viên, tối ưu hóa thời gian thiết kế môn học, hỗ trợ công tác ra đề, đánh giá học tập và phản hồi hiệu quả cho sinh viên. Quan trọng hơn, AI còn đóng vai trò như một công cụ phân tích, giúp giảng viên đánh giá tính logic, mức độ nhất quán và khả năng đo lường của chuẩn đầu ra, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và đảm bảo mục tiêu đào tạo được thực thi hiệu quả.
Việc tích hợp AI vào trong quá trình giảng dạy mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các giảng viên đã tham gia thực hành xây dựng đề cương học phần ngành Ngôn ngữ Nhật với sự hỗ trợ của các công cụ AI. Quá trình này giúp các thầy cô ứng dụng trực tiếp AI trong thiết kế học phần, cũng như tạo điều kiện để thử nghiệm, so sánh và đánh giá hiệu quả giữa các phương pháp truyền thống và các phương pháp tích hợp công nghệ.
Giảng viên thực hành xây dựng đề cương học phần Ngôn ngữ Nhật với AI ngay tại hội thảo
Trong khuôn khổ chương trình, ThS. Đào Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm Dạy học số đã hướng dẫn chi tiết quy trình đo lường chuẩn đầu ra học phần (CLO) trực tiếp trên hệ thống HUTECH E-learning cho giảng viên. Thầy trình bày cách thiết lập các chỉ số đo lường phù hợp, đảm bảo CLO có thể đánh giá được theo đúng mục tiêu đào tạo.
Bên cạnh đó, thầy cũng phân tích các điều kiện cần thiết để xây dựng bảng mô tả chuẩn đầu ra, giúp gắn kết chặt chẽ giữa nội dung giảng dạy và mục tiêu đánh giá. Quy trình này hỗ trợ giảng viên kiểm soát mức độ đạt chuẩn của sinh viên qua từng hoạt động học tập cụ thể, từ đó góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, cải thiện hiệu quả giảng dạy và đảm bảo tính minh bạch trong đánh giá học tập.
ThS. Đào Quốc Huy chia sẻ quy trình đo lường chuẩn đầu ra học phần (CLO) cho giảng viên
Tin: Hồng Loan
Ảnh: Anh Khoa
TT. Truyền thông
https%3A%2F%2Fwww.hutech.edu.vn%2Fhomepage%2Ftin-hutech%2F14624984-ung-dung-ai-vao-dao-tao-khoa-nhat-ban-hoc-nang-cao-chat-luong-chuan-dau-ra-trong-thoi-dai-so