Những “nhân viên” đặc biệt
Tại Nhà máy Thủy điện Sơn La – nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, một “nhân viên” đặc biệt đã được Công ty Thủy điện Sơn La bố trí thực hiện công việc giám sát vận hành quanh Nhà máy từ khoảng 2 năm nay. “Nhân viên” này – do Công ty tự chế tạo – được tích hợp các cảm biến thông minh giám sát môi trường và ứng dụng phân tích xử lý ảnh để kiểm tra tình trạng của tủ điện, cung cấp thông tin chính xác cho người vận hành.
Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Sơn La, việc ứng dụng robot tích hợp AI nhằm mục đích tự động hóa một phần công việc có tính lặp đi lặp lại, giúp phát hiện những vấn đề khó quan sát bằng mắt thường, đồng thời giám sát các vị trí có yếu tố rủi ro cao. Ứng dụng cũng dần hướng tới mục tiêu thử nghiệm điều khiển, giám sát từ xa, giảm số lượng người trực, nâng cao năng suất lao động và tối ưu chi phí sản xuất… Đặc biệt, nhờ có “nhân viên” robot này, CBCNV Nhà máy không còn phải di chuyển, làm việc tại khu vực có nguy cơ mất an toàn như nơi có bình áp lực cao, có thiết bị cao áp…
Robot giám sát thiết bị tại Công ty Thủy điện Sơn La. Ảnh: ĐVCC
Robot giám sát thiết bị chỉ là một trong số những ứng dụng công nghệ AI tại Công ty Thủy điện Sơn La. Cuối năm 2024, sản phẩm “Số hóa và phân tích dữ liệu đặc tính tua-bin thủy lực Francis, phục vụ công tác quản lý vận hành nhà máy thủy điện” của nhóm tác giả thuộc Công ty Thủy điện Sơn La đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận là 1 trong 10 sản phẩm Make by EVN. Sản phẩm sử dụng phần mềm mã nguồn mở Engauge và các thuật toán AI, giúp cải thiện độ chính xác trong vận hành nhà máy thủy điện, tối ưu hóa nguồn nước và công suất phát. Sản phẩm đã áp dụng thành công tại các nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu và đào tạo chuyển giao cho Thủy điện Quảng Trị. Do Công ty Thủy điện Sơn La hoàn toàn làm chủ mã nguồn nên sản phẩm còn có khả năng mở rộng, phát triển thêm và thương mại hóa sản phẩm.
Trí tuệ nhân tạo cũng đang được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) ứng dụng để quản lý giám sát, vận hành “trục xương sống của hệ thống điện”. Trong đó, “Hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện ứng dụng AI” do Công ty Truyền tải điện 2 thực hiện cũng là một sản phẩm được công nhận Make by EVN năm 2024. Công tác bay tự động kiểm tra lưới điện truyền tải giúp tối ưu hóa khối lượng kiểm tra trong mỗi đợt bay, hạn chế sai sót và giảm được thời gian, mức độ yêu cầu đào tạo cho lực lượng công nhân. Ngoài ra, hệ thống AI còn hỗ trợ cho việc tự động biên tập, sắp xếp dữ liệu, tự động kiểm tra hình ảnh và phát hiện bất thường của thiết bị. Tới nay, hệ thống AI vẫn đang được các đơn vị trong EVNNPT tiếp tục “huấn luyện” để không ngừng nâng cao hiệu quả công việc.
EVNNPT xây dựng đường bay tự động cho UAV kiểm tra lưới điện truyền tải. Ảnh: ĐVCC
Trong công tác kinh doanh – dịch vụ điện, công nghệ AI đã được các tổng công ty Điện lực sử dụng triệt để, giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng (CSKH). Đó là các “trợ lý ảo”, chatbot AI phục vụ, tiếp nhận yêu cầu, cung cấp thông tin. “Nhân viên AI” tại Trung tâm CSKH có khả năng phục vụ đồng thời cùng lúc nhiều khách hàng với chất lượng đồng đều theo quy trình, làm việc 24/24h, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng sử dụng điện trên không gian mạng.
AI ngày càng phổ biến và hiện hữu trong hầu hết các mặt hoạt động của EVN. Đơn cử, với những cuộc họp theo hình thức trực tuyến, việc tổng hợp thông tin cuộc họp được nhân viên thực hiện bằng cách đánh máy và tổng hợp thủ công. Công đoạn này cũng tiêu tốn không ít thời gian và có thể sai sót. Do đó, Công ty Công nghệ thông tin – Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã triển khai giải pháp nâng cao công tác giám sát sao lưu hệ thống phần mềm. Nhờ ứng dụng AI, từ chỗ có thể mất hàng giờ để tổng hợp, phân tích nội dung cuộc họp, giờ chỉ cần vài phút để hoàn thành công việc này. AI cũng giúp giảm thiểu sai sót, cải thiện quy trình làm việc, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác để hỗ trợ việc ra quyết định và theo dõi tiến độ công việc sau cuộc họp…
“Làn gió mới” trong EVN
Việc đẩy mạnh ứng dụng AI – thành quả cách mạng công nghiệp 4.0 – là một trong những minh chứng rõ nét về nỗ lực của Đảng ủy EVN và Tập đoàn trong việc khẩn trương, kịp thời triển khai Nghị quyết 57- NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Để quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 24/02/2025, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, ban hành Chương trình hành động số 40-Ctr/ĐU thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW (gọi tắt là Chương trình hành động số 40). Theo đó, Tập đoàn và các đơn vị thành viên quyết tâm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình chuyển đổi số và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đơn vị, mang lại hiệu quả thiết thực.
Bằng cách tự động hóa các quy trình thủ tục, hỗ trợ phân tích dữ liệu và dự báo, AI giúp bộ máy tại các đơn vị trong EVN ngày càng tinh gọn và chuyên nghiệp hơn. Thay vì mất hàng giờ để tra cứu tài liệu, soạn thảo báo cáo; thay vì mất cả ngày để người thợ “áo cam” vất vả leo núi, băng rừng bám tuyến đường dây truyền tải…; với việc dùng AI hỗ trợ, CBCNV EVN có thể dành thời gian và công sức cho những công việc đòi hỏi độ khó, sức sáng tạo cao hơn.
Đối với AI, EVN có chủ trương tiếp cận, ứng dụng một cách bài bản và toàn diện. Trong Chương trình hành động số 40, Tập đoàn đặt mục tiêu thiết lập các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và trung tâm dữ liệu ngành Điện, là cơ sở cung cấp cho các nền tảng trí tuệ nhân tạo sử dụng trong các bài toán phân tích, tính toán tối ưu vận hành nhà máy điện, lưới điện truyền tải, phân phối hiệu quả.
Bên cạnh đó, EVN nhấn mạnh quan điểm: bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trên không gian mạng của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đồng thời, EVN cũng đề ra những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển hạ tầng công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo nhân lực AI. Tại cuộc họp của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp EVN năm 2025 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An – Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu các đơn vị khi triển khai đề án tái cơ cấu cần tập trung nâng cao năng lực quản trị, hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ; đẩy mạnh chuyển đổi số, và đặc biệt là phải thay đổi tư duy, cách làm.
Cùng với việc thực hiện “cách mạng số”, EVN đã, đang xây dựng văn hóa số trong toàn Tập đoàn. Các đơn vị, tổ chức đoàn thể trong EVN đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình tập huấn, đào tạo để đội ngũ CBCNV, người lao động nâng cao nhận thức, kiến thức về công nghệ số, từng bước làm chủ và khai thác hiệu quả những công cụ, giải pháp mới.
Từ yếu tố con người đến quy trình, công nghệ, EVN đang chuyển mình mạnh mẽ dưới định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW. Trong đó, trí tuệ nhân tạo không chỉ là giải pháp công nghệ, mà còn là động lực cho sự đổi mới tư duy và nâng cao năng lực quản trị trong toàn EVN, xây dựng ngành Điện lực hiện đại, thông minh và phục vụ ngày càng tốt hơn cho xã hội.
Phạm Ngọc
https%3A%2F%2Fwww.evn.com.vn%2Fd%2Fvi-VN%2Fnews%2FUng-dung-tri-tue-nhan-tao-da-tro-thanh-dong-luc-doi-moi-toan-dien-cac-hoat-dong-cong-tac-cua-EVN-60-12-502709