Home Công nghệ AI Việt Nam khẳng định vị thế

Việt Nam khẳng định vị thế

0

Kết quả này vừa được công bố trong Bảng Chỉ số AI Thế giới của WIN (Worldwide Independent Network of Market Research – Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu).

Việt Nam xếp hạng 6/40 quốc gia trên Bảng chỉ số AI Thế giới. Ảnh: WIN

Theo đó, với 59,2 điểm trên thang 100, Việt Nam vượt qua nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt về mức độ quan tâm, niềm tin và sự chấp nhận công nghệ AI. Đây là một điểm sáng rõ nét trong hành trình chuyển đổi số mà Việt Nam theo đuổi trong hơn một thập kỷ qua. Nhưng điều đáng nói hơn là, kết quả này không đến từ hạ tầng hay đầu tư công nghệ đắt đỏ, mà đến từ một yếu tố nền tảng: con người – đặc biệt là thế hệ trẻ, những cư dân số thực thụ đang sinh sống tại các trung tâm đô thị năng động như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Thứ hạng cao về mức độ tin tưởng và chấp nhận AI lần lượt ở vị trí thứ 3 (65,6 điểm) và thứ 5 (71,6 điểm) toàn cầu phản ánh một sự chuyển dịch trong tâm lý xã hội: từ sự thận trọng sang tinh thần cởi mở và kỳ vọng. Người Việt không chỉ tò mò về AI mà còn tin rằng công nghệ này sẽ mang lại giá trị thiết thực trong đời sống và công việc. Chính sự sẵn sàng về mặt tư tưởng này đã, đang và sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, AI không còn là khái niệm xa vời mà đã và đang trở thành công cụ để doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu vận hành và tạo ra trải nghiệm khách hàng vượt trội. Khi thị trường sẵn sàng, khi người tiêu dùng đã có mức độ chấp nhận cao, đó cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp bước vào giai đoạn ứng dụng AI thực chất, không chỉ ở quy mô lớn, mà cả trong các mô hình SME hay startup.

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào bảng xếp hạng cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng mức độ sử dụng AI thực tế tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với các quốc gia đứng đầu như Mỹ, Singapore hay Hàn Quốc. Việt Nam có thể đạt điểm cao về nhận thức và kỳ vọng, nhưng hạ tầng dữ liệu, chính sách hỗ trợ và năng lực triển khai công nghệ AI trong đời sống, sản xuất kinh doanh vẫn cần được củng cố mạnh mẽ. Khoảng cách này chính là cơ hội nếu được lấp đầy bằng các chiến lược bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể “nhảy cóc công nghệ”, như cách mà ông Xavier Depouilly – Tổng Giám đốc Indochina Research Vietnam, đồng thời là diễn giả chính tại Lễ công bố Chỉ số AI Thế giới nhận định.

Cụm từ “nhảy cóc công nghệ” không còn là khẩu hiệu, mà đang hiện hữu ở những nền tảng học tập ứng dụng AI, các startup phát triển chatbot chăm sóc khách hàng, các doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất thông qua phân tích dữ liệu thời gian thực… Một quốc gia đi sau hoàn toàn có thể vượt lên nếu tận dụng được lợi thế về con người, thị trường và chính sách. Trong trường hợp của Việt Nam, các chỉ số về mức độ chấp nhận công nghệ cao trong xã hội chính là tiền đề để tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp – từ tiêu dùng đến sản xuất, từ giáo dục đến quản trị nhà nước.

Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để duy trì và phát huy động lực sẵn sàng ứng dụng AI trong cộng đồng. Để làm được điều đó, cần sự tham gia đồng bộ từ ba phía: nhà nước – với chính sách hỗ trợ cụ thể và lâu dài; doanh nghiệp – với tinh thần đổi mới và đầu tư chiến lược; người dân – với sự tiếp cận, sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

Chuyển đổi số không chỉ là một cuộc đua về kỹ thuật, mà còn là một hành trình thích ứng xã hội. Với sự ghi nhận từ bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam không chỉ “ghi dấu ấn”, mà còn đang ở vào thời điểm chín muồi để bước vào giai đoạn tăng tốc, hướng đến một nền kinh tế số, nơi AI không phải là tương lai xa vời, mà là công cụ tăng trưởng ngay trong hiện tại.

https%3A%2F%2Fdiendandoanhnghiep.vn%2Fxep-hang-ai-toan-cau-viet-nam-khang-dinh-vi-the-10157872.html

Exit mobile version