Home Tin tức AI Chiến lược phát triển AI Việt Nam: Từ ứng dụng đến làm...

Chiến lược phát triển AI Việt Nam: Từ ứng dụng đến làm chủ công nghệ lõi

0

Nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có khoa học công nghệ. Thị trường Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam đang ngày càng trở nên sôi động và đầy hứa hẹn, minh chứng cho sự phát triển vượt bậc này.

Bên cạnh đó, với những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước, nguồn nhân lực công nghệ dồi dào và lượng dữ liệu khổng lồ, các công ty công nghệ Việt Nam đang tích cực ứng dụng AI vào đa dạng các lĩnh vực, từ dịch vụ khách hàng, chính phủ số, đến đô thị thông minh.

Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng, các doanh nghiệp Việt Nam còn đang nỗ lực làm chủ các công nghệ lõi, xây dựng một hệ sinh thái AI vững mạnh, hợp tác chặt chẽ giữa các tập đoàn lớn và startup.

Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tận dụng công nghệ tiên tiến để thúc đẩy phát triển đất nước, hướng tới một tương lai thông minh và hiệu quả hơn trong giai đoạn phát triển sau thống nhất.

Để có cái nhìn sâu sắc về hiện trạng, cơ hội cũng như những thách thức trên hành trình chinh phục công nghệ tiên tiến này, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel AI – một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.

AI nhất định phải nằm trong danh mục công nghệ chiến lược của Việt Nam

 Thưa ông, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ được ban hành, ông đánh giá thế nào về hiện trạng thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam hiện nay? Đâu là những lĩnh vực ứng dụng AI đang sôi động nhất?

– Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay thực sự rất sôi động, không chỉ các công ty lớn trong nước mà cả các công ty khởi nghiệp sáng tạo và các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) quốc tế đều đang hiện diện và thúc đẩy ứng dụng AI mạnh mẽ.

Trước đây, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều ứng dụng như camera thông minh giám sát giao thông và an ninh, hay định danh khách hàng điện tử (eKYC), giúp người dùng có thể đăng ký, sử dụng dịch vụ trực tuyến mà không cần ra cửa hàng.

Đặc biệt, sự xuất hiện của các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT, Gemini, Grok… đã làm cho các chatbot trở nên thông minh hơn, vượt trội hơn trong tương tác với con người. Điều này giúp mở rộng phạm vi ứng dụng của AI.

Trước đây, AI chủ yếu được dùng cho các công việc hoặc trường hợp sử dụng (use cases) chuyên biệt trong các ngành hẹp. Giờ đây, công nghệ tiên tiến này có thể làm được nhiều việc hơn và thâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel AI (Ảnh: Viettel).

Tôi nghĩ rằng các ứng dụng AI hiện tập trung vào việc hỗ trợ con người tốt hơn trong các công việc, đặc biệt là các công việc cá nhân. Ví dụ, như người dùng làm công việc marketing, có thể nhờ các chatbot hiện nay như ChatGPT, Grok lập kế hoạch truyền thông, gợi ý các điểm chính, thậm chí là tự lên kế hoạch hoàn chỉnh.

Sau đó, chúng ta có thể kết hợp các công cụ sinh ảnh, sinh nội dung, sinh video để tạo ra minh họa và hoàn thiện bài viết đó. Ngay cả đội marketing của Viettel AI cũng đang dùng các công cụ này hàng ngày như một phần không thể thiếu.

Giờ đây, mọi người đều hỏi ChatGPT để tìm hiểu kiến thức rất nhanh. Thậm chí con tôi ở nhà cũng dùng để tìm hiểu thông tin và học tập.

AI giờ đây không chỉ phục vụ cho các công ty, doanh nghiệp hoặc các tổ chức vốn trước kia cần đầu tư lớn để sử dụng, mà hiện đã có rất nhiều công cụ AI miễn phí đáp ứng nhu cầu cá nhân.

Tôi thấy việc ứng dụng AI đối với cá nhân rất hiệu quả. Mọi người đang bắt đầu dùng AI như một trợ lý cá nhân, và AI trở thành một bộ não thứ hai.

Các mô hình ngôn ngữ lớn hiện tại như GPT được huấn luyện trên dữ liệu toàn cầu với đa dạng ngôn ngữ (sách, tài liệu học thuật, trang tin,…), các kiến thức của nhân loại được ghi nhớ trong các mô hình ngôn ngữ lớn này, do đó khi bạn có một câu hỏi, các chatbot này đều trả lời tương đối tốt, giúp tăng cường khả năng của bản thân.

Trong lĩnh vực doanh nghiệp, chúng tôi ứng dụng rất nhiều trong hoạt động dịch vụ khách hàng, vận hành mạng lưới và các hoạt động quản trị. Khách hàng có thể tương tác với chatbot hoặc voicebot để hỏi về dịch vụ, sản phẩm hay phản ánh sự cố.

Bản thân Viettel cũng dùng các hệ thống hỗ trợ (support) để giúp nhân viên tổng đài tra cứu thông tin khách hàng nhanh hơn, đội ngũ bán hàng đa dịch vụ của chúng tôi khi gặp khách hàng đều có thể hỏi chatbot về thông tin các sản phẩm/dịch vụ của Viettel.

Ứng dụng AI trong doanh nghiệp rất đa dạng. Tôi thấy sự bùng nổ của ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn giúp AI ngày càng thông minh, giao tiếp tự nhiên hơn, khuyến khích người dùng sử dụng nhiều hơn và mang lại lợi ích lớn cho cả mục đích cá nhân và công việc.

Theo ông, trí tuệ nhân tạo có được coi là một công nghệ chiến lược mà Việt Nam cần làm chủ?

– Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết 57. Trí tuệ nhân tạo nhất định phải nằm trong danh mục công nghệ chiến lược, bởi vì muốn nâng cao năng suất lao động thì phải dùng trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cần thiết phải làm chủ công nghệ lõi này.

Chuyển đổi số bây giờ mà không có trí tuệ nhân tạo hoặc phân tích dữ liệu lớn thì sẽ kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang dự thảo một chiến lược gọi là chuyển đổi số bằng AI, trong đó Viettel cũng tham gia.

Dự thảo này nhấn mạnh việc các ứng dụng chuyển đổi số sắp tới phải thông minh hơn bằng cách ứng dụng AI trong quá trình thực thi và tương tác. Vì vậy, tôi tin chắc rằng AI sẽ phải là công nghệ chiến lược hàng đầu mà Việt Nam cần làm chủ.

Ông có thể chia sẻ những cơ hội và thách thức trong việc phát triển ứng dụng AI tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại?

Nhờ các mô hình ngôn ngữ lớn hàng đầu thế giới, chúng ta có thể dễ dàng tích hợp chúng vào dữ liệu riêng để xây dựng các ứng dụng hỏi đáp cụ thể.

Ông Nguyễn Mạnh Quý Giám đốc Viettel AI

– Về cơ hội, tôi nghĩ rằng hiện có rất nhiều. Nhờ các mô hình ngôn ngữ lớn hàng đầu thế giới, chúng ta có thể dễ dàng tích hợp chúng vào dữ liệu riêng để xây dựng các ứng dụng hỏi đáp cụ thể.

Ví dụ, như Viettel có thể dùng dữ liệu về các chính sách, gói cước để xây dựng chatbot trả lời khách hàng. Việc tạo ra các chatbot thông minh giờ đây dễ dàng hơn nhiều so với trước.

Ngoài ra, các nền tảng tự động hóa sử dụng AI (AI Agent) cũng đang phát triển theo hướng có nhiều kỹ năng, giúp tự động hóa các công việc cụ thể theo nhu cầu của người dùng.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, AI ngày càng thông minh hơn, việc tích hợp các tính năng tiên tiến vào ứng dụng trở nên dễ dàng, tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty phát triển các ứng dụng trong hoạt động kinh doanh của mình.

Về thách thức, tôi nghĩ ở Việt Nam chưa có hạ tầng đủ lớn để các công ty tự nghiên cứu và xây dựng các mô hình nền tảng (Foundation models).

Dù việc sử dụng các nền tảng của công ty nước ngoài là khả thi và mang lại lợi ích, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu khách hàng hoặc dữ liệu doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ Cloud có server đặt tại nước ngoài.

Tuy nhiên, tôi tin cơ hội nhiều hơn rủi ro. Điều quan trọng là người dùng cần hiểu rõ và sử dụng một cách trách nhiệm.

Gần đây, ở nước ngoài cũng có những vụ việc nhân viên của một công ty lớn đưa thông tin của doanh nghiệp lên các chatbot công cộng để hỏi đáp và phân tích, dẫn đến thông tin của doanh nghiệp bị lộ lọt, gây mất an toàn thông tin. Vấn đề cốt lõi là chúng ta cần nâng cao nhận thức và hướng dẫn sử dụng đúng cách cho người dùng.

Thách thức khác là sự chi phối của các tập đoàn Big Tech toàn cầu đối với công nghệ lõi, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, Google, Meta…. Phần ứng dụng có nhiều cơ hội, nhưng phần công nghệ lõi nếu chúng ta không tự làm chủ thì cũng có không ít nguy cơ, chúng ta cũng cần làm chủ công nghệ lõi để phát triển xa hơn và bền vững hơn trong tương lai.

Lợi thế cạnh tranh của AI Việt Nam

So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, thị trường AI của Việt Nam có những đặc điểm riêng biệt hay lợi thế cạnh tranh nào, thưa ông?

– Trước đây, khi nghiên cứu để đánh giá lợi thế cạnh tranh của Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực AI, các đối tác quốc tế đánh giá rằng Việt Nam có nguồn nhân lực rất tốt so với các nước xung quanh.

Chúng ta có nền tảng nhân sự giỏi về toán và một nguồn nhân lực lớn về phát triển phần mềm, Việt Nam cũng có các chương trình đào tạo về Khoa học Máy tính (Computer Science) và Khoa học Dữ liệu (Data Science) đang phát triển.

Ngoài ra, nhân lực công nghệ của Việt Nam cũng rất thích các công nghệ mới. Đây là những lợi thế lớn liên quan đến nguồn nhân lực so với khu vực Đông Nam Á nói chung.

Thứ hai là chúng ta đã có những chính sách từ Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI, như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 71 của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, trong đó ứng dụng nhiều công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo, IoT… để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn và thông minh hơn.

Liên quan đến Big Data, IoT và AI, ông đánh giá thế nào về nguồn lực nhân lực hiện nay của Việt Nam?

– Chúng ta phải thấy rằng, người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, sử dụng các nền tảng số, thì thuộc top của thế giới.

Ví dụ, như YouTube, Việt Nam là một trong những nước có người xem nhiều nhất, mạng xã hội cũng rất phổ cập ở Việt Nam hay những thông tin được đăng tải trên báo chí, tất cả đã tạo ra một lượng dữ liệu rất lớn. Đây là nguồn dữ liệu dồi dào để phát triển AI.

Nếu chúng ta có chiến lược để tận dụng nguồn dữ liệu trong nước để huấn luyện AI, giúp AI hiểu người dùng Việt Nam hơn, phát triển thông minh hơn, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển công nghệ trong nước.

Ông Nguyễn Mạnh Quý Giám đốc Viettel AI

Tuy nhiên, hiện các nền tảng sinh dữ liệu chủ yếu do các tập đoàn Big Tech cung cấp, trong khi dữ liệu do người Việt Nam mình sinh ra thì rất nhiều. Nếu chúng ta có chiến lược để tận dụng nguồn dữ liệu này để huấn luyện AI, giúp AI hiểu người dùng Việt Nam hơn, phát triển thông minh hơn, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển công nghệ trong nước.

Vậy về năng lực công nghệ của Việt Nam để xử lý Big Data, IoT, AI ông đánh giá hiện trạng như thế nào?

– Tôi nghĩ đối với năng lực công nghệ Việt Nam, thì đến nay chúng ta cũng bám sát cùng sự phát triển của thế giới. Khi thế giới có công nghệ mới, thì ở Việt Nam các công ty cũng nhanh chóng tìm hiểu, thử nghiệm, triển khai, không hề chậm trễ.

Như tôi đã nói, khả năng thích nghi với công nghệ mới của người Việt Nam rất nhanh ví như công cụ ChatGPT ra đời cách đây khoảng 3 năm, giờ đây lượng người dùng chatbot này là rất nhiều, thậm chí có người coi nó như một công cụ không thể thiếu.

Họ hỏi AI cần thông tin, thậm chí về những vấn đề đào sâu, và nhận được trả lời rất nhanh. Bản thân chúng ta cũng dùng nó rất nhiều để học tập, nâng cao kiến thức. Nó như một bộ não thứ hai, giúp chúng ta tìm hiểu thông tin nhanh hơn.

Viettel tham gia vào lĩnh vực AI như thế nào thưa ông?

– Chúng tôi mới tham gia vào lĩnh vực AI từ năm 2019, trong quá trình nghiên cứu, tất nhiên chúng tôi cũng có những thuận lợi và khó khăn.

Thuận lợi chính là Viettel là nhà mạng lớn nhất Việt Nam, chúng tôi có công nghệ di động (4G, 5G), hệ thống cáp quang rất mạnh, và hạ tầng trung tâm dữ liệu (data center) số 1.

Viettel cũng đã nhận diện tầm quan trọng của AI từ rất sớm, năm 2021 chúng tôi đã đầu tư hệ thống siêu máy tính huấn luyện mô hình AI, giúp giảm thời gian huấn luyện máy học xuống hàng chục lần so với trước.

Đến năm 2022, chúng tôi và Nvidia đã ký kết hợp tác triển khai chương trình AI Nation qua đó nhanh chóng tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Viettel eKYC được ứng dụng rộng rãi từ lĩnh vực tài chính đến các nghiệp vụ khác (Ảnh: Viettel).

Gần đây, với sự phát triển bùng nổ của Generative AI, Agentic AI, chúng tôi quyết định đầu tư vào hạ tầng trung tâm dữ liệu tại Tân Phú Trung, TP.HCM với quy mô lên đến 140MW và đầu tư hệ thống GPU với năng lực tính toán 1,5 ExaFLOPS đáp ứng nghiên cứu mô hình AI lên đến 200 tỷ tham số. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đầu tư vào hạ tầng GPU cung cấp dịch vụ AI lên đến 1.000 card để thúc đẩy ứng dụng AI và chuyển đổi thông minh.

Xu hướng AI trong tương lai sẽ ra sao?

Ông dự đoán xu hướng AI nào sẽ định hình mạnh mẽ thị trường Việt Nam trong thời gian tới?

– Tôi nghĩ sau Generative AI, một xu thế mạnh mẽ sẽ là Agentic AI sẽ giúp con người tự động hóa các “kỹ năng” nhỏ. Ví dụ, viết một bài viết là một kỹ năng, đọc và trả lời email cũng là một kỹ năng.

Trong cuộc sống, chúng ta phải làm rất nhiều việc, AI Agent sẽ hỗ trợ chúng ta thực thi một số công việc cụ thể và nó sẽ phát triển theo hướng có nhiều kỹ năng, khi người dùng cần kỹ năng gì, AI sẽ tự động hóa công việc cho họ.

Trong thời gian tới, xu thế này là tất yếu, giúp chúng ta hoạt động hiệu quả hơn. Trước đây, chúng ta phải tương tác qua lại nhiều lần với chatbot. Nhưng AI Agent khác ở chỗ người dùng giao cho nó một mục tiêu, và nó có khả năng suy nghĩ để lập kế hoạch, làm từng bước một.

Các AI Agent có thể tự giao tiếp với nhau để xử lý các luồng công việc phức tạp nhanh hơn, hiệu quả hơn, bằng cách kết hợp các kỹ năng nhỏ lại. Tôi đánh giá trong vài năm tới, AI Agent sẽ là một xu thế để mọi người ứng dụng, giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Còn tương lai xa hơn (có thể 5-10 năm tới), xu thế mới có thể là các robot hình người, AI sẽ hiện thân và có cơ thể, tự nhận biết môi trường, tư duy và hành động.

Nếu trước đây, AI chỉ là phần mềm, một cái gì đó rất khó hình dung, thì xu thế mới này đưa ra khái niệm AI có cơ thể, kết hợp cả phần cứng lẫn phần mềm.

AI thông minh như ChatGPT cần hệ thống server trên cloud rất mạnh, nhưng đưa trí thông minh đó xuống thân một con robot đòi hỏi tối ưu rất nhiều về xử lý, năng lượng…

Đây có thể là xu thế tiếp theo sau Generative AI và AI Agent – robot có trí thông minh, khả năng suy luận để tương tác và hoạt động tự chủ trong môi trường vật lý, chứ không chỉ làm việc theo kịch bản hay kế hoạch cố định.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện!

https%3A%2F%2Fdantri.com.vn%2Fcong-nghe%2Fchien-luoc-phat-trien-ai-viet-nam-tu-ung-dung-den-lam-chu-cong-nghe-loi-20250429083100110.htm

Exit mobile version