Home Tin tức AI Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ chiến lược...

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ chiến lược Big Data, AI, IoT

0

Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có những bước đi vững chắc trong việc ban hành, điều chỉnh các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của thời đại số. 

NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG ĐÃ CÓ HƠN 1.000 MÁY CHỦ

Nông nghiệp và môi trường là một trong những ngành có số lượng thủ tục hành chính lớn, vì vậy, Bộ đã triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tích hợp từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, đến thời điểm này, đã có 347 thủ tục hành chính về lĩnh vực nông nghiệp ở cấp Trung ương, 225 ở cấp tỉnh, 55 ở cấp huyện và 23 ở cấp xã đã được tích hợp và cung cấp trực tuyến.

“Người dân và doanh nghiệp ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công của ngành nông nghiệp và môi trường thông qua môi trường số, góp phần tăng tính minh bạch, giảm phiền hà và nâng cao hiệu quả phục vụ”, ông Lê Phú Hà khẳng định.

Về hạ tầng công nghệ thông tin của ngành nông nghiệp và môi trường, ông Lê Phú Hà cho hay đang được xây dựng đồng bộ, bài bản. Trong đó, nổi bật là việc vận hành các trung tâm dữ liệu hiện đại, điển hình như Trung tâm dữ liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (được khai trương trong năm 2024).

Tính đến ngày 10/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cung cấp hơn 1.000 máy chủ, trên 9.000 CPU, hơn 20 TB RAM và khoảng 800 TB lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý. Hệ thống tài khoản dùng chung với hơn 16.300 người dùng cùng gần 10.000 chữ ký số đã tạo nên một nền tảng kết nối nội bộ hiệu quả.

 

“Hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử hợp nhất toàn ngành nông nghiệp và môi trường đã chính thức vận hành từ 1/3/2025. Tính đến ngày 10/5/2025 đã tiếp nhận và xử lý hơn 105.000 văn bản, trong đó trên 23.400 văn bản được ký số và lưu chuyển hoàn toàn trên môi trường điện tử”.

Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đối với nội dung ứng dụng dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo vào chuyên môn, ngành nông nghiệp và môi trường đang từng bước xây dựng kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ phân tích, điều hành và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý nhà nước.

Ông Lê Phú Hà cho biết chuyển đổi số ngành nông nghiệp và môi trường hướng đến ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong ngành dự kiến đạt từ 20-30%, thông qua việc số hóa tài nguyên, dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành.

Đề cập về các giải pháp đột phá và kiến nghị chính sách, Cục trưởng Cục chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin: Ngành xác định một số giải pháp đột phá: hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, và ứng dụng các công nghệ chiến lược như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị được đưa ra, đáng chú ý là đề xuất xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số – yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đảm bảo dữ liệu “Đúng – Đủ – Sạch – Sống” – tức là dữ liệu chính xác, đầy đủ, cập nhật và có khả năng chia sẻ, liên thông giữa các hệ thống.

NÔNG NGHIỆP CHÍNH XÁC: XU THẾ TẤT YẾU

Tại hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường” (ngày 10/5/2025), ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành, nhận định trong những năm tới, nông nghiệp chính xác sẽ trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong đó có sự hỗ trợ từ các công nghệ mới (IoT – internet vạn vật); Big Data (dữ liệu lớn), AI phân tích dữ liệu…

Tuy nhiên, theo ông Trường, vấn đề hiện tại mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đó là sự thiếu chính xác trong quá trình vận hành của máy móc nông nghiệp, như: máy cấy không biết đi thẳng hàng, drone không bay được chính xác, máy gặt không tính được năng suất, máy cày không biết độ nông sâu…

Là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, ông Trường cho biết mục tiêu của Đại Thành là nghiên cứu, cung cấp, chuyển gia các sản phẩm công nghệ như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái trên máy nông nghiệp trên mặt đất, san phẳng đất vệ tinh… Những thiết bị này đều bắt buộc phải dùng dịch vụ điều dẫn chính xác (DTALS).

Theo đó, DTALS gồm 3 lớp: lớp thu tín hiệu, lớp trung tâm xử lý dữ liệu; lớp ứng dụng với các hạ tầng công nghệ: hệ thống thông tin địa lý GIS – Cơ sở dữ liệu không gian – các kỹ thuật cung cấp số liệu, khí tượng thời tiết – dịch vụ internet – GIS di động…

 

“Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ điều khiển chính xác (DATLS) giúp tăng năng suất, điều khiển chính xác máy móc, tối ưu tài nguyên; tăng năng suất từ 15-20% quan cánh đồng mẫu; giúp tiết kiệm chi phí 15-25% chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu); giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao cạnh tranh (chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc minh bạch, xây dựng thương hiệu… của nông sản”.

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành.

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết các mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực Chuyển đổi số được đặt ra mang tính “cách mạng”: đến năm 2030, Việt Nam nằm trong Top 50 về Chính phủ số, dẫn đầu ASEAN về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số đẳng cấp quốc tế, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tầm nhìn đến năm 2045, đóng góp 50% GDP từ kinh tế số, có hàng chục doanh nghiệp công nghệ đạt chuẩn toàn cầu, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số, một bước đi được kỳ vọng sẽ làm rõ vai trò, khuyến khích năng lực và tinh thần đổi mới trong hệ thống công quyền.

“Các chính sách đột phá về tài chính, thể chế đang được xây dựng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công, và quan trọng nhất là tạo không gian sáng tạo an toàn và khuyến khích mạo hiểm cho doanh nghiệp và nhân tài. Không có doanh nghiệp đột phá nếu thiếu người tài. Không có Chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ. Và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục và chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ”, TS. Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.

https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Fchuyen-doi-so-nganh-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-chien-luoc-big-data-ai-iot.htm

Exit mobile version