Một video được tạo ra bởi Trí tuệ nhân tạo AI. Ảnh minh họa.
Sức mạnh đổi thay và hệ quả tất yếu
Chỉ trong thời gian ngắn, trào lưu sản xuất video bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành hiện tượng toàn cầu và du nhập mạnh mẽ vào không gian mạng Việt Nam. Với sự ra đời liên tiếp của các công cụ như OpenAI Sora, Google Veo, Midjourney hay Runway, việc chuyển ý tưởng thành những video trực quan sống động, thậm chí với hình ảnh siêu thực và giọng đọc tự nhiên, trở nên dễ dàng chưa từng có. Nếu trước đây, cần cả ekip quay dựng, hậu kỳ chuyên nghiệp để làm ra một clip, thì nay bất kỳ ai chỉ với vài dòng mô tả và một cú nhấp chuột, đều có thể sở hữu một sản phẩm video hấp dẫn.
Đột phá này trao quyền sáng tạo mạnh mẽ cho nhà làm phim độc lập, giáo viên, thậm chí doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù ngân sách hạn chế. Những thử nghiệm du lịch, dạy học, quảng bá sản phẩm bằng video AI đem lại hiệu quả truyền thông vượt bậc, từng được nhìn nhận như làn gió mới kích thích nền kinh tế số…
Tuy nhiên, khi cơn sốt sáng tạo đi qua, mặt tối của AI cũng nhanh chóng lộ diện. Sự tiện lợi, tốc độ cùng chi phí gần như bằng 0 dẫn đến hệ lụy: tràn ngập mạng xã hội làn sóng video “rác”, vô bổ, nông cạn hoặc thậm chí độc hại. Như ví dụ điển hình, mới đây, mạng xã hội ồn ào câu chuyện đôi vợ chồng ở Kuala Lumpur – Malaysia đã lái xe 300 km để đến một “thiên đường du lịch” mà thực tế chỉ là ngôi làng nhỏ, bởi toàn bộ hình ảnh quảng bá đều được AI dựng lên; ngay cả nữ MC xuất hiện trong video cũng là nhân vật ảo do AI tạo.
Bài đăng cảnh báo của nghệ sỹ Lý Hải trên trang cá nhân. Ảnh: FB nhân vật.
Không chỉ là những cú lừa du lịch, video AI còn bị tận dụng cho các ý đồ bất hợp pháp. Từ quảng cáo cờ bạc trá hình bằng hình ảnh giả mạo nghệ sĩ, deepfake người nổi tiếng đến những clip lừa bán hàng giả, hàng nhái… Các nghệ sĩ như Lý Hải, Khắc Việt đã buộc phải lên tiếng cảnh báo khi “được” AI đưa vào các video cổ xúy cờ bạc. Trong khi đó, ngay cả lực lượng công an cũng bị lạm dụng hình ảnh, tiếp tay cho các chiêu lừa đảo công nghệ cao.
Theo quan sát từ các chuyên gia CNTT, tình trạng “AI Slop” (nội dung AI rác, sản xuất đại trà, chất lượng thấp) tràn lan càng khiến không gian mạng thêm náo loạn. Đa số video dễ dãi, truyền tải thông tin sai lệch, xúc phạm cá nhân, thậm chí xuyên tạc sự thật, làm xói mòn niềm tin xã hội và động chạm tới chuẩn mực đạo đức số.
Khi niềm tin số bị bào mòn và thách thức quản trị nội dung
Tác động tiêu cực của video AI không chỉ dừng lại ở những cú lừa đơn lẻ. Trên bình diện xã hội, rác AI khiến người dùng trở thành nạn nhân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương như trẻ em hoặc người lớn tuổi chưa rành công nghệ. Bà Thy Dung (sinh năm 1959) ở Hà Nội từng “suýt” bị lừa bởi một video giật gân trên YouTube, bởi hình ảnh quá chân thật, khó phân biệt nếu không có kinh nghiệm số.
Nguy hiểm hơn, video AI có thể bị sử dụng để lan truyền tin giả về “thuốc thần chữa bách bệnh” khiến nạn nhân bỏ lỡ điều trị y tế chính thống với rủi ro sức khỏe trực tiếp. Hay mạo danh tổ chức, cá nhân để thao túng cảm xúc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Điều này khiến việc iểm soát chất lượng càng trở nên khó khăn bởi sản xuất nội dung AI chỉ cần một vài câu lệnh, không cần kỹ năng chuyên môn, bất kỳ ai cũng “hô biến” mình thành “nhà thiết kế câu lệnh” một cách nhanh chóng.
Giảng viên Nguyễn Thu Vân, Khoa CNTT, Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội) cảnh báo, việc sản xuất hàng loạt video AI nông cạn, thiếu chiều sâu, vô hồn, làm “ngập lụt” môi trường thông tin đang xóa nhòa ranh giới thật – giả. Người xem tiếp xúc liên tục với tin giả cuối cùng sẽ làm mất khả năng phân biệt và dần nghi ngờ mọi nguồn thông tin…
Quản trị nội dung AI đang là bài toán khó cho cả doanh nghiệp nền tảng lẫn các nhà hoạch định chính sách. Dù Meta đã yêu cầu dán nhãn video AI trên Facebook, Instagram, YouTube khóa doanh thu với kênh lạm dụng AI, TikTok cấm deepfake và video sai lệch, nhưng tốc độ sản xuất và lan truyền AI vẫn nhanh hơn nhiều so với khả năng xử lý, giám sát của đội ngũ kiểm duyệt…
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này, nguy cơ để xã hội trượt dài trong “rác AI” là có thật. Để ngăn chặn, cần có sự phối hợp đồng bộ từ cả người dùng, nhà sáng tạo lẫn các cơ quan chức năng. Trong khi chờ đợi một chế tài nghiêm khắc, người dùng cần học cách chọn lọc, tự đặt ra ba câu hỏi trước mỗi video: nguồn gốc ở đâu; kênh có uy tín không; nội dung được xác nhận bởi ai. Nếu video đến từ một kênh lạ, “vừa mới lập” hoặc thiếu thông tin xác thực, tuyệt đối không nên tin tưởng.
Trí tuệ sáng tạo mới thực sự là giá trị dài hạn
Veo 3 – AI tạo video của Google.
Đằng sau làn sóng AI, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng bản thân AI không có lỗi, lỗi nằm ở cách nhân loại ứng xử với nó. Một mặt, AI có thể thay con người lao động thủ công, giảm thời gian, hạ giá thành, nhưng AI chưa và không thể thay thế chiều sâu, dấu ấn cá nhân cùng tư duy sáng tạo thực sự. Thực tế cho thấy, người làm video chất lượng bằng AI vẫn cần sự đầu tư nghiêm túc về kịch bản, hình ảnh, nghiên cứu.
Song song đó, nhu cầu đào tạo, nâng cao nhận thức công nghệ số là vô cùng cấp thiết. Mỗi công dân mạng đều cần biết cách xác minh thông tin, chọn lọc nội dung và phát triển “kháng thể số” trước cám dỗ của rác AI. Về phía chính quyền và doanh nghiệp, nhiệm vụ chỉnh đốn đạo đức, luật pháp và chuẩn hóa công cụ kiểm duyệt không thể chậm hơn tốc độ lan truyền của AI.
Theo giảng viên Trần Tiến Công, Học viện Bưu chính Viễn thông, xây dựng niềm tin số không chỉ là rào chắn kỹ thuật, mà là yêu cầu định hướng, giáo dục toàn xã hội về ứng xử, trách nhiệm với công nghệ. Đào tạo thế hệ “công dân số” không chỉ biết lập trình, mà còn hiểu sâu về tác động xã hội, pháp luật, đạo đức ứng dụng AI.
Suy cho cùng, cuộc cách mạng AI là không thể đảo ngược. Nhưng nó sẽ là động lực kiến tạo giá trị bền vững hay biến thành “đại hồng thủy” rác mạng – điều đó cuối cùng vẫn chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn, trí tuệ và bản lĩnh của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và từng người dùng Việt Nam.
https%3A%2F%2Fkinhtedothi.vn%2Fai-tao-video-cu-hich-sang-tao-hay-chi-la-rac-mang.775088.html