Home Vào công việc AI - Bán hàng & marketing ‘Hoàng tử khởi nghiệp’ Đỗ Tuấn Hải

‘Hoàng tử khởi nghiệp’ Đỗ Tuấn Hải

0

“Hiểu tiền – Hiểu mình” là một hành trình mà mỗi người đều phải trải qua. Với Đỗ Tuấn Hải, hành trình ấy bắt đầu từ năm 18 tuổi, khi anh bắt đầu tự lập và sớm bước vào con đường khởi nghiệp. Những đồng tiền đầu tiên không chỉ giúp anh độc lập về tài chính, mà còn dần định hình cách anh hiểu về lao động, về tự do lựa chọn và về trách nhiệm với chính mình.

Từ năm 2009 đến nay, Tuấn Hải đã đồng hành trong hơn 14 dự án trải dài các lĩnh vực: thời trang, cà phê, nội thất, nghệ thuật đương đại, tổ chức sự kiện… Hiện anh là Founder & CEO của The A List – một agency trong lĩnh vực influencer marketing, quản lý nghệ sĩ và sản xuất sự kiện.

Nhiều người biết đến Tuấn Hải với danh xưng “hoàng tử khởi nghiệp”. Nhưng phía sau những thương hiệu thành công ấy là một nền tảng tư duy tài chính thận trọng, những nguyên tắc nhất quán và sự tỉnh táo với đồng tiền.

Với anh, khởi nghiệp không chỉ là con đường tìm kiếm lợi nhuận, mà là cách để hiểu rõ hơn về bản thân, về giá trị lao động và sâu hơn nữa, về đồng tiền: Nó đến từ đâu, đi về đâu và tác động ngược trở lại như thế nào tới cách một người sống, làm việc và ra quyết định.

Trong series BizMoney, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng Đỗ Tuấn Hải để khám phá một khía cạnh ít được kể: Góc nhìn của một người sáng tạo và điều hành doanh nghiệp nhìn về tiền bạc, từ những quyết định có tính toán, đến việc lựa chọn dừng lại đúng lúc và cả những “khoản lợi nhuận” không đo đếm bằng tiền.

Hành trình khởi nghiệp của anh bắt đầu từ rất sớm. Điều gì trong tuổi thơ hay quá trình trưởng thành đã sớm định hình lựa chọn đó?

Tôi nghĩ mình có “máu kinh doanh” từ nhỏ. Hồi học cấp 1, cấp 2, tôi rất mê truyện tranh và sưu tập tem. Nhưng vì bố mẹ không cho tiền mua những thứ đó, nên tôi phải tự xoay xở, để dành tiền ăn sáng, cho trẻ con trong xóm thuê truyện, bán lại những bộ tem cũ để có tiền mua bộ mới. Từ những ngày tháng đó, tôi dần hình thành một tư duy rõ ràng: Muốn có được điều mình thích, thì phải tự làm ra tiền.

Khi bước sang tuổi 18, bắt đầu sống tự lập, tôi hiểu nếu muốn sống theo cách của mình, không phụ thuộc vào ai thì chỉ còn một con đường: Khởi nghiệp. Với tôi, đó luôn là lý do đủ lớn để bắt đầu.

Anh còn nhớ cảm giác khi lần đầu tiên tự mình làm ra tiền để trang trải cuộc sống? Trải nghiệm đó đã để lại cho anh điều gì?

Trước 18 tuổi, tôi cũng đã kiếm được chút tiền từ mấy việc kinh doanh lặt vặt, tuy nhỏ thôi, nhưng nó giúp tôi hiểu được giá trị thật sự của đồng tiền. Nhờ đó, tôi sớm nhận ra rằng: Mọi thứ trong cuộc sống, từ bữa cơm mình ăn, bộ quần áo mình mặc, đến chỗ mình ở hay món đồ chơi mình thích đều không tự nhiên mà có. Tất cả đều là kết quả của lao động, của chất xám.

Khi bước vào đại học, mỗi tháng tôi được gia đình chu cấp 1 triệu để chi tiêu. Nhưng thường thì chỉ trong tuần đầu tiên là tôi đã tiêu sạch. Lúc ấy, tôi hiểu rằng mình không thể mãi trông chờ vào tiền từ gia đình, nhất là khi bản thân vẫn tiêu hoang, chưa biết kiểm soát.

Tôi bắt đầu đi làm thêm đủ thứ, từ thu âm cho các chương trình thiếu nhi, viết báo, tổ chức sự kiện… Có những ngày phải chạy xe hàng chục cây số để kịp giờ làm ở nhiều nơi. Có đêm đi làm về mệt đến mức ngủ gật khi lái xe, đến khi tiếng còi ô tô rú lên mới giật mình bừng tỉnh. Hồi đó tôi chăm chỉ lắm, làm không ngơi tay, nhưng cũng nhờ vậy mà kiếm được kha khá.

Anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 19 tuổi. Trong hành trình đó, đâu là những cột mốc đáng nhớ nhất, cả về số vốn ban đầu lẫn kết quả mà anh đạt được?

Có hai lần khởi nghiệp mà tôi xem là dấu mốc quan trọng. Lần đầu là vào năm 2009, cũng là năm tôi 19 tuổi, khi tôi chính thức bước vào con đường kinh doanh nghiêm túc với thương hiệu thời trang nam Rêu Store tại Hà Nội. Lần thứ hai là vào năm 2019, khi tôi thành lập The A List – một công ty truyền thông hoạt động theo mô hình agency.

Hai cột mốc này đánh dấu hai mô hình quản trị khác nhau trong quá trình khởi nghiệp của tôi: Rêu Store là mô hình cửa hàng bán lẻ truyền thống, trong khi The A List đòi hỏi tư duy vận hành và quản trị hoàn toàn khác, linh hoạt, sáng tạo và mang tính hệ thống hơn.

Điểm chung là cả hai đều khởi đầu với số vốn rất nhỏ, dưới 100 triệu đồng. Nhưng nhờ đúng thời điểm và nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, cả hai thương hiệu đều có khởi đầu rất thuận lợi.

Trong hành trình khởi nghiệp ấy, có khoản thu nhập hay quyết định đầu tư nào từng để lại cho anh ấn tượng sâu sắc, không chỉ vì giá trị tiền bạc, mà vì bài học phía sau?

Thời gian đầu, tôi vừa đi làm thuê, vừa tự kinh doanh. Cách làm này giúp tôi có cơ hội trải nghiệm ở cả hai vai trò là người làm chủ và người làm thuê, từ đó hiểu rõ hơn tâm lý, động lực cũng như cách vận hành công việc ở mỗi vị trí.

Tôi từng nhận được những khoản thu nhập theo nhiều cách khác nhau. Điều đáng giá nhất không nằm ở số tiền, mà những quan sát thú vị của tôi về đồng tiền.

Một trong những bài học tôi thấm thía nhất là: Nếu mình làm việc gì đó mà chỉ chăm chăm nghĩ xem sẽ kiếm được bao nhiêu, lời lãi thế nào thì kết quả thường không như ý. Nhưng nếu mình làm hết sức, làm bằng sự nghiêm túc và không quá tính toán thiệt hơn, thì thành quả nhận lại thường vượt cả mong đợi.

Đó là điều tôi rút ra từ chính những trải nghiệm rất thật và đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ nguyên niềm tin vào bài học ấy.

Đâu là cách anh tích luỹ nguồn vốn, dòng tiền cho những lần khởi nghiệp của mình?

Thời gian đầu, gần như tất cả các lần khởi nghiệp của tôi đều bắt đầu từ số vốn rất nhỏ, dưới 100 triệu đồng. Có lúc là tiền tôi tự tích cóp được, có lúc phải vay mượn người thân. Cũng có thời điểm tôi vừa đi làm thuê, vừa xoay vòng dòng tiền nhỏ để nuôi ý tưởng.

Tôi chưa bao giờ có sẵn một khoản tiền lớn để bắt đầu nên luôn chọn cách “làm đến đâu, xoay đến đó”. Nhưng một khi đã quyết định bắt tay vào làm thì phải thật sự nghiêm túc và quyết liệt. Khi chưa có tiền, tôi dùng thời gian, công sức và sự quan sát của mình.

Về sau, khi đã xây dựng được một vài thương hiệu có dòng tiền ổn định, tôi bắt đầu chủ động hơn trong việc tích lũy và phân bổ nguồn lực. Khi cần thiết, tôi cũng sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính, từ tài sản, từ các chính sách vốn và dòng tiền từ các ngân hàng.

Bài học quan trọng nhất tôi luôn ghi nhớ: Đừng khởi nghiệp chỉ để kiếm tiền. Hãy làm vì bạn muốn tạo ra một giá trị nào đó. Khi mình thật lòng với thứ mình đang làm, tiền sẽ đến như một kết quả, chứ không phải là lý do.

Anh chia sẻ “đừng khởi nghiệp chỉ để kiếm tiền”, vậy với anh, tiền đóng vai trò gì trong hành trình khởi nghiệp? Là yếu tố tiên quyết, công cụ cần có, hay chỉ là kết quả sau cùng của một hướng đi đúng?

Với tôi, tiền luôn là một công cụ quan trọng, nhưng không phải là yếu tố tiên quyết. Nếu ai đó xem tiền là mục tiêu duy nhất, thì rất dễ nản. Vì khởi nghiệp luôn có giai đoạn phải chấp nhận “đốt tiền” mà chưa thấy kết quả, chưa nhìn thấy lợi nhuận. Nếu không có một niềm tin đủ lớn hoặc một lý do đủ sâu sắc, sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.

Tiền là kết quả của việc mình hiểu đúng thị trường, làm đúng thứ có giá trị, và giữ được cam kết đủ lâu với điều mình theo đuổi. Nếu chỉ vì tiền mà làm, mọi quyết định sẽ rất ngắn hạn. Còn nếu bắt đầu từ một niềm tin, một giá trị mình thật sự tin tưởn thì tiền sẽ đến sớm hay muộn thôi.

Nhiều người chọn khởi nghiệp để kiếm tiền. Còn với anh, khởi nghiệp có đơn thuần là kiếm tiền, hay là điều gì lớn hơn?

Quan điểm của tôi là: Kinh doanh thành công trước hết phải kiếm được tiền. Phải sinh ra lợi nhuận, phải đảm bảo được lương, phúc lợi cho bản thân và những người đồng hành. Nhưng càng đi lâu trên con đường này, tôi càng nhận ra: Tiền không đủ lớn để giữ mình lại với một hành trình nhiều thử thách như khởi nghiệp.

Với tôi, khởi nghiệp là cách để sống một cuộc đời có ý nghĩa, được cùng những người cùng chí hướng xây dựng, tạo ra giá trị. Mỗi thương hiệu tôi tạo ra, mỗi không gian tôi xây dựng… đều là một phần mở rộng của con người mình, cách tôi cảm nhận, suy nghĩ, và thể hiện lý tưởng sống của bản thân.

Khởi nghiệp giúp tôi hiểu sâu hơn về chính mình, về con người, về giá trị của lao động, và về cách tạo nên một môi trường mà những người “cùng nhịp” có thể phát triển.

Nếu chỉ để kiếm tiền, tôi nghĩ mình đã dừng lại từ lâu rồi.

Nếu có 1 bạn trẻ hỏi anh “Cần bao nhiêu tiền thì bắt đầu khởi nghiệp được?”, anh sẽ trả lời như thế nào?

Bao nhiêu tiền cũng có thể bắt đầu được, miễn là bạn thật sự bắt đầu. Tiền quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Điều quan trọng hơn là bạn có dám bắt tay vào làm hay không, có đủ kiên trì để đi tiếp khi gặp khó khăn và có biết tận dụng những gì mình đang có để tạo ra giá trị đầu tiên hay không.

Khởi nghiệp không chờ bạn “đủ điều kiện”. Nó bắt đầu từ một hành động nhỏ, được lặp lại mỗi ngày với sự nghiêm túc, bền bỉ và một lý do đủ lớn để không bỏ cuộc.

Trong hành trình khởi nghiệp từ năm 2009 đến nay, đã bao giờ tiền bạc trở thành áp lực khiến anh muốn dừng lại? Và anh đã vượt qua những giai đoạn đó như thế nào?

Từ năm 2009 đến nay, tôi đã có nhiều thương hiệu tôi xây dựng phải dừng lại hoặc đóng cửa. Như tôi đã chia sẻ, làm kinh doanh thì phải tạo ra hiệu quả tài chính. Nếu một mô hình không còn hiệu quả, tôi buộc phải quyết liệt để dừng lại, dù tiếc, nhưng phải dừng.

Nhưng quan trọng hơn là sau mỗi lần như vậy, tôi đều ngồi lại quan sát kỹ càng trải nghiệm ấy và rút ra bài học để không lặp lại sai lầm ở lần sau. Điều đó mới thật sự có giá trị và ý nghĩa.

Vậy có quyết định tài chính nào khiến anh thấy tự hào nhất vì “đánh liều mà thắng”?

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, tôi không tính toán quá nhiều, lúc đó đơn giản chỉ là có ý tưởng và cứ bắt tay vào làm. Nhưng càng về sau, tôi hiểu rằng: Mỗi quyết định tài chính đều cần sự tỉnh táo, cân nhắc kỹ và trách nhiệm. Bên cạnh cảm giác cá nhân, tôi thường dựa rất nhiều vào dữ liệu, kinh nghiệm tích lũy và năng lực xoay sở của đội ngũ.

Ví dụ như vào mùa Tết năm 2022, The A List nhận được một đơn hàng rất lớn từ khách hàng. Đây là một cơ hội tốt, nhưng lại đòi hỏi một khoản tạm ứng cho nhà cung cấp nằm ngoài kế hoạch. Nếu quyết định vội, rất dễ ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty trong nhiều tháng.

Lúc đó, tôi cùng team rà soát lại toàn bộ kế hoạch tài chính, sử dụng tài sản sẵn có để làm việc với ngân hàng, và xoay sở từ những nguồn lực mình đang có. Cuối cùng, chúng tôi nắm được cơ hội, không chỉ thành công với dự án đó, mà còn mở ra nhiều hợp tác mới từ chính sự tin tưởng của đối tác.

Với tôi, đó không phải là “liều lĩnh” theo nghĩa may rủi. Đó là một quyết định dám làm nhưng có tính toán, có cơ sở và đủ dữ liệu để tin vào lựa chọn của mình.

Anh có từng mắc sai lầm tài chính nào khi làm startup? Một quyết định đầu tư “bốc đồng” mà sau này phải trả giá?

May mắn là đến thời điểm này, tôi chưa có một quyết định tài chính nào quá bốc đồng khiến mình phải trả giá lớn. Tất nhiên, vẫn có những mô hình kinh doanh không hiệu quả và buộc phải đóng lại.

Tôi vốn là người khá thận trọng trong đầu tư. Với mỗi dự án, tôi luôn bắt đầu với một mức vốn vừa đủ để khởi động, không dồn toàn bộ nguồn lực vào một chỗ hay cùng một thời điểm. Những gì tôi thường “đầu tư” nhiều nhất lại là thời gian, công sức, nhân sự và sự kiên trì để vận hành. Vì phần lớn các mô hình tôi triển khai đều mới, nên tôi buộc phải vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh.

Khi một dự án đã vận hành một thời gian mà không hiệu quả, tôi cố gắng nhìn nhận thật rõ ràng để dũng cảm dừng lại thay vì cố gắng níu kéo một thứ đã không còn phù hợp. Với tôi, đôi khi biết “dừng đúng lúc” cũng là một kiểu đầu tư khôn ngoan.

Khi đứng trước một quyết định tài chính lớn, cảm xúc và lý trí luôn song hành. Anh học cách cân bằng cảm xúc trong quyết định của mình như thế nào?

Tôi không cố gắng loại bỏ hoàn toàn cảm xúc khỏi các quyết định tài chính. Vì theo tôi, cảm xúc nếu được hiểu đúng cũng là một dạng dữ liệu, nó phản ánh trực giác, kinh nghiệm tích lũy và cả sự nhạy cảm với con người, thị trường.

Nhưng để tránh việc cảm tính lấn át lý trí, tôi rèn cho mình một thói quen, luôn dừng lại một nhịp trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Tôi sẽ xem lại các con số, dòng tiền, tiến độ kế hoạch đang triển khai, trao đổi với team tài chính và quan trọng nhất là hỏi lại chính mình: “Mình đang ra quyết định vì thật sự tin tưởng, hay vì sợ bỏ lỡ?”

Kinh nghiệm dạy tôi rằng: Nếu một quyết định vừa lý trí, vừa không khiến mình thấy bất an trong lòng thì đó là quyết định nên làm. Còn nếu lý trí còn lấn cấn, cảm xúc lại quá mạnh, thì tốt nhất nên chờ thêm một chút.

Khởi nghiệp là đường dài. Mình không cần thắng trong từng quyết định, nhưng phải đủ tỉnh táo để không trả giá cho những phút vội vàng.

Anh từng chia sẻ về “Tài sản vô hình” và “Tài sản hữu hình”. Anh có thể chia sẻ chi tiết thêm 2 loại tài sản này?

Tài sản hữu hình là những gì có thể nhìn thấy và đo đếm được: tiền mặt, bất động sản, máy móc, sản phẩm… Với doanh nghiệp, đó là văn phòng, cửa hàng, thiết bị, dòng tiền hiện hữu, những yếu tố thể hiện quy mô, năng lực vận hành và sức mạnh tài chính. Ai làm kinh doanh cũng quan tâm đến phần này, vì nó là thứ rõ ràng, cụ thể.

Theo thời gian, tôi lại càng coi trọng tài sản vô hình, những thứ không thể định lượng dễ dàng, nhưng lại có sức nặng rất lớn. Đó là niềm tin mà đối tác dành cho mình, uy tín thương hiệu, văn hóa đội ngũ, hay cảm xúc mà khách hàng gắn bó với không gian, trải nghiệm mình tạo ra. Nó cũng là kinh nghiệm, trực giác, là những thất bại đã được “tiêu hóa kỹ” để trở thành bài học sâu sắc.

Tài sản hữu hình có thể mất rồi làm lại. Nhưng tài sản vô hình đặc biệt là sự tin tưởng nếu đánh mất thì rất khó để xây lại từ đầu.

Vì vậy, trong mọi quyết định, tôi luôn cố gắng cân bằng giữa thứ có thể nhìn thấy và thứ không nhìn thấy vì cả hai đều là nền tảng để đi đường dài, và không cái nào nên đánh đổi cái còn lại.

Khi bắt đầu có dòng tiền ổn định từ công việc kinh doanh, anh đã phân bổ tài chính cá nhân như thế nào? Cách anh thiết kế nguồn thu nhập và đầu tư của mình có thay đổi theo từng giai đoạn không?

Thời gian đầu, khi dòng tiền bắt đầu ổn định, tôi thường chia thu nhập thành 3 phần rõ ràng.

Một phần để duy trì cuộc sống cá nhân, đủ để không bị áp lực tài chính hàng ngày. Vì nếu còn phải lo từng bữa ăn, thì rất khó giữ được sự tỉnh táo để ra quyết định trong hành trình startup vốn đã nhiều bất định.

Một phần dành cho tiết kiệm hoặc quỹ khẩn cấp, không cần quá nhiều, nhưng luôn đủ để chủ động trước những tình huống bất ngờ.

Và phần còn lại, tôi thường ưu tiên cho tái đầu tư vào công ty, vào những thương hiệu hoặc dự án mới, hoặc đôi khi là vào… con người: những cộng sự mà tôi tin tưởng và mong sẽ đồng hành dài lâu.

Về sau, khi đã có thêm các nguồn thu nhập khác từ vận hành doanh nghiệp, chia lợi nhuận từ các thương hiệu, hay đầu tư bất động sản, tôi bắt đầu thiết kế dòng tiền cá nhân theo hướng đa nguồn: Có dòng chảy đều đặn, có dòng tạo tăng trưởng và có dòng để thử nghiệm.

Với tôi, tự do tài chính không phải là có thật nhiều tiền, mà là có đủ nền tảng để đưa ra những quyết định dài hạn mà không bị lệ thuộc vào áp lực trước mắt.

Có nguyên tắc nào anh luôn áp dụng trong chi tiêu cá nhân không?

Nguyên tắc chi tiêu cá nhân của tôi khá đơn giản: Không chi để thể hiện, chỉ chi khi thật sự thấy có giá trị.

Tôi không phải người quá tiết kiệm, nhưng cũng không bao giờ mua sắm theo cảm xúc. Với tôi, mỗi khoản chi nên “đem lại” một điều gì đó, có thể là sự tiện nghi, trải nghiệm, sức khỏe, hay đơn giản là cảm giác mình đang sống đúng với giá trị và lựa chọn của bản thân.

Chi tiêu, với tôi, cũng là một cách để rèn kỷ luật.

Với cá nhân anh, đâu là những khoản đầu tư khiến anh cảm thấy xứng đáng nhất? Và anh thường ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực hay hạng mục nào?

Với tôi, những khoản đầu tư đáng giá nhất luôn là đầu tư vào con người. Trước hết là chính mình, từ việc học, đi du lịch, đến trải nghiệm những điều mới. Tôi tin rằng tư duy và thế giới quan của mình càng rộng, thì cách làm việc và ra quyết định sẽ càng sâu và chắc.

Bên cạnh đó, tôi cũng luôn ưu tiên đầu tư vào những cộng sự có tiềm năng, bằng cách tạo môi trường tốt, trao cơ hội để họ thử sức và phát triển.

Về bản chất, tôi luôn hướng tới những khoản đầu tư có khả năng tạo ra giá trị bền vững, thay vì chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Dù đầu tư vào người, vào thương hiệu hay không gian, tôi đều tự hỏi: “5 năm nữa điều này còn ý nghĩa không?” Nếu câu trả lời là có, thì tôi sẽ làm.

Anh là CEO của The A List – một agency chuyên về truyền thông và booking KOLs/influencers. Từ góc nhìn của người đứng sau hàng trăm chiến dịch lớn nhỏ, theo anh: KOL có thể kiếm tiền, nhưng làm sao để họ có thể kiếm tiền một cách bền vững? Đâu là yếu tố cốt lõi giúp thương hiệu cá nhân không “sớm nở tối tàn”?

Từ góc độ của người đã đồng hành với rất nhiều KOL/influencer trong hàng trăm chiến dịch, tôi cho rằng có 3 yếu tố cốt lõi để một thương hiệu cá nhân không “sớm nở tối tàn”.

Thứ nhất là sự hiểu mình. Nghĩa là KOL đó có biết mình đại diện cho giá trị gì không? Mình hợp với ngành hàng nào? Mình muốn xây dựng hình ảnh gì? Nếu không có trục giá trị rõ ràng, thì rất dễ bị kéo theo xu hướng hoặc nhận booking thiếu chọn lọc.

Thứ hai là khả năng làm việc chuyên nghiệp. Làm KOL không chỉ là “lên hình”, mà là làm việc cùng nhiều bên liên quan, nhãn hàng, agency, production… Nếu không có thái độ nghiêm túc và tinh thần cộng tác, thì khó có thể đi lâu.

Thứ ba là tư duy đầu tư cho chính mình. Những KOL bền vững tôi từng thấy đều rất chịu khó học, thử những lĩnh vực mới, nâng cấp bản thân, từ kỹ năng giao tiếp đến cách sản xuất nội dung. Họ không đứng yên đợi cơ hội, mà chủ động tạo ra cơ hội.

Với tôi, thương hiệu cá nhân cũng giống như một doanh nghiệp. Muốn đi đường dài, thì phải có chiến lược, có bản sắc và quan trọng nhất là tạo ra được giá trị thật cho cộng đồng.

Thương hiệu cá nhân có thể xem là một “tài sản tạo dòng tiền”. Nếu coi đó là một khoản đầu tư nghiêm túc, theo anh, KOL nên ưu tiên rót tiền vào đâu trước tiên: hình ảnh, nội dung, trải nghiệm cá nhân hay đội ngũ hỗ trợ?

Đúng vậy, thương hiệu cá nhân là một “tài sản tạo dòng tiền”, nên nếu đã xác định nghiêm túc với nghề, KOL nên xem mình như một nhà sáng lập của chính thương hiệu mình.

Nếu chỉ được chọn một nơi để “rót tiền” đầu tiên, tôi sẽ chọn trải nghiệm cá nhân. Vì không có trải nghiệm thật, thì nội dung sẽ cạn rất nhanh, hình ảnh sẽ thiếu chiều sâu và ekip giỏi đến mấy cũng khó kể một câu chuyện không có chất liệu.

Từ trải nghiệm, KOL sẽ biết mình là ai, muốn nói gì, phù hợp với nhóm khán giả nào. Và đó là nền tảng để phát triển nội dung, hình ảnh và định hướng ekip sau này.

Tất nhiên, ekip, hình ảnh, nội dung đều quan trọng nhưng nếu bản thân không có gì để kể, thì mọi thứ còn lại chỉ là lớp vỏ. Đầu tư vào bên trong trước khi đầu tư vào bên ngoài, đó mới là bước đi dài hạn.

Đầu tư vào thương hiệu cá nhân cũng là một khoản đầu tư quan trọng. Anh sẽ đầu tư gì cho thương hiệu cá nhân của mình? Và anh sẽ không đầu tư vào điều gì?

Với tôi, thương hiệu cá nhân không phải là thứ để tô điểm, mà là cách mình hiện diện một cách nhất quán, rõ ràng và có trách nhiệm với giá trị mình theo đuổi.

Nếu đầu tư cho thương hiệu cá nhân của chính mình, tôi sẽ đầu tư vào nội dung và không gian hiện diện. Tức là chọn những nền tảng, hoạt động và bối cảnh mà tôi có thể chia sẻ được góc nhìn thật, trải nghiệm thật, và cách mình sống, làm việc mỗi ngày.

Tôi cũng sẽ đầu tư vào các mối quan hệ chất lượng, vì tôi tin rằng sự kết nối bền vững luôn tạo ra ảnh hưởng dài hạn hơn bất kỳ chiến dịch truyền thông nào.

Còn điều tôi sẽ không đầu tư, là cố gắng trở nên “phù hợp” với số đông hoặc đánh bóng hình ảnh bằng những thứ không phải là chính mình. Bởi tôi tin: Thương hiệu cá nhân bền vững là kết quả của sự thành thật chứ không phải là sản phẩm của kỹ xảo.

Nhìn lại hành trình đã qua, đâu là những cột mốc, dấu mốc tài chính của bản thân khiến anh cảm thấy ấn tượng, đáng nhớ và tự hào?

Nếu nói về một thành quả hữu hình khiến tôi cảm thấy tự hào nhất cho đến hiện tại, thì đó chính là việc hoàn thành A Plus Building – toà nhà văn phòng của The A List tại TP.HCM, vừa ra mắt trong năm nay.

Với tôi, đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc, mà là một mô hình đầu tư phản ánh cách tôi xây dựng và đầu tư: Tập trung vào con người – vào không gian làm việc và trải nghiệm.

Tòa nhà không chỉ phục vụ cho hoạt động nội bộ của The A List, mà còn tích hợp quán cà phê, phòng triển lãm nghệ thuật đương đại và không gian mở dành cho cộng đồng sáng tạo. Điều khiến tôi cảm thấy vui nhất là, nơi này không chỉ có ý nghĩa với đội ngũ trong hệ sinh thái của mình, mà còn trở thành một điểm đến được bạn bè quốc tế ghé thăm để tìm hiểu về cà phê tuyển chọn, nghệ thuật Việt Nam và văn hoá sáng tạo đang hình thành ở đây.

Với tôi, đó là một khoản đầu tư tài chính dài hạn, không chỉ mang tính vật chất, mà còn tạo ra dòng chảy giá trị và tinh thần. Một không gian có thể nuôi dưỡng cảm hứng, cộng đồng và sự phát triển bền vững, đó là điều mà tôi tin sẽ tạo ra “lợi nhuận” lớn nhất theo thời gian.

Nếu chỉ được chọn ba cụm từ để nói về tiền, với vai trò là một người đã làm chủ, nhà đầu tư, và trải qua nhiều giai đoạn tài chính khác nhau, anh sẽ chọn gì? Và vì sao những cụm từ đó lại đúng với trải nghiệm của anh?

Nếu chỉ chọn ba cụm từ để nói về tiền, tôi sẽ chọn:

Công cụ. Vì tiền là thứ giúp mình thực hiện những điều lớn hơn như xây dựng không gian, tạo ra việc làm, đầu tư vào con người và tạo ra thay đổi tích cực. Nhưng cuối cùng, nó là công cụ không phải mục đích.

Thước đo ngắn hạn. Vì tiền có thể phản ánh phần nào hiệu quả vận hành, quyết định đúng sai… nhưng chỉ trong một giai đoạn nhất định. Nó không thể và không nên được dùng để đo lường toàn bộ giá trị của một hành trình dài.

Trách nhiệm. Vì càng có nhiều tiền, càng cần tỉnh táo trong cách phân bổ, sử dụng và lựa chọn đầu tư. Tiền luôn đi kèm với lựa chọn. Và mọi lựa chọn đều kéo theo hệ quả.

Với tôi, tiền không phải là vấn đề cốt lõi nhưng cách mình nhìn nhận và sử dụng tiền lại thể hiện rất rõ mình là ai, mình ưu tiên điều gì và đang hướng về đâu.

Đến thời điểm hiện tại, anh có cảm thấy mình đã đạt được mức độ “tự do tài chính” chưa? Theo anh, quãng đường từ lúc chắt chiu từng đồng đến khi có được sự tự do ấy đòi hỏi điều gì, chỉ là kiếm đủ tiền, hay còn là cách nghĩ khác về tiền bạc và giá trị sống?

Nếu theo cách hiểu đơn giản, thì hiện tại tôi có thể chủ động về tài chính – đủ để sống, làm việc, đầu tư và không còn phải “chạy theo” tiền mỗi ngày nữa. Nhưng nếu gọi đó là “tự do tài chính”, tôi nghĩ khái niệm này sâu hơn chuyện có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Với tôi, tự do tài chính là khả năng đưa ra những quyết định dài hạn mà không bị chi phối bởi nỗi sợ thiếu tiền.

Quãng đường từ lúc chắt chiu từng đồng đến trạng thái này không chỉ là hành trình kiếm tiền, mà còn là hành trình thay đổi cách nghĩ về tiền. Từ chỗ coi tiền là mục tiêu, đến lúc nhận ra: tiền chỉ là công cụ và điều thực sự quan trọng nằm ở cách mình sống, mình trao đi và mình tạo ra điều gì có giá trị bền vững hơn.

Tự do tài chính với tôi không đồng nghĩa với việc có mọi thứ mình muốn, mà là không phải đánh đổi những điều mình tin chỉ để sống sót. Và để đến được đó, không chỉ cần tích lũy tài sản, mà còn cần trưởng thành trong tư duy và cảm xúc.

Theo anh, người trẻ hôm nay nên đầu tư vào điều gì trước tiên?

Tôi nghĩ, khoản đầu tư đầu tiên nên là vào việc hiểu chính mình. Hiểu mình muốn gì, phù hợp với điều gì, có giá trị cốt lõi nào rồi từ đó mới biết nên đầu tư vào đâu, ở giai đoạn nào.

Nếu buộc phải chọn một điểm khởi đầu, tôi sẽ chọn trải nghiệm sống. Vì trải nghiệm cho ta chất liệu để quan sát, để học, để va chạm và từ đó hình thành thế giới quan riêng. Hiểu mình muốn gì, phù hợp với điều gì, có giá trị cốt lõi nào rồi từ đó mới biết nên đầu tư vào đâu, ở giai đoạn nào.

Mỗi người có một lộ trình khác nhau. Nhưng với tôi, thứ đáng đầu tư nhất là thứ giúp mình trưởng thành về nhận thức vì khi đã rõ mình là ai, thì mọi khoản đầu tư sau đó mới thực sự có điểm đến.

Nếu được quay lại năm 18 tuổi, anh sẽ nói gì với chính mình, về tiền bạc, khởi nghiệp?

Thành thật mà nói, khi còn trẻ, tôi làm mọi thứ rất nhanh và cũng mong nhìn thấy kết quả thật nhanh. Nhưng càng đi lâu, tôi càng chọn cách đi chậm lại, chắc hơn. Tôi lựa chọn những thành quả đến chậm nhưng bền vững. Vì đúng là: “đường dài mới biết ngựa hay”.

Nhìn lại, hành trình 5 năm, 10 năm trôi qua rất nhanh. Và điều quan trọng không phải là mình từng thắng ở giai đoạn nào, mà là sau 10 năm, 20 năm, mình còn giữ được tinh thần, năng lượng và niềm tin với con đường mình chọn hay không.

Tư duy và tâm trí có đủ linh hoạt để thích nghi, để dẫn dắt đội ngũ, để không bị bỏ lại phía sau đó mới là điều cần nghĩ đến.

Nếu được quay lại năm 18 tuổi, tôi sẽ chỉ nhắn một câu: “Khởi nghiệp không phải lúc nào cũng cần thuận lợi. Càng khó khăn, thử thách càng là lúc thể hiện bản lĩnh và năng lực. Quan trọng là đi đường dài mà vẫn giữ được sự tử tế, chính trực và vẫn là chính mình”.

Trân trọng cảm ơn anh đã chia sẻ!

Minh Nguyệt

 

https%3A%2F%2Fcafebiz.vn%2Fhoang-tu-khoi-nghiep-do-tuan-hai-16-nam-startup-14-lan-dung-khoi-nghiep-chi-de-kiem-tien-17625071616073284.chn

Exit mobile version