Home Tin tức AI Hợp tác toàn cầu thúc đẩy chuyển đổi xanh

Hợp tác toàn cầu thúc đẩy chuyển đổi xanh

0

Kỷ nguyên thông minh với nhiều công nghệ đột phá đang tạo động lực cho chuyển đổi xanh, mở ra các cơ hội hợp tác toàn cầu mới.





Hội nghị Thượng đỉnh P4G với chủ đề “Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”

Tại phiên thảo luận cấp bộ trưởng Hội nghị Thượng đỉnh P4G với chủ đề “Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”, do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì vừa qua, các tổ chức quốc tế và các quốc gia đã cùng thảo luận về cách tận dụng xu hướng số hóa và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảm phát thải và tối ưu tài nguyên; thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm tối đa hóa tiềm năng đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi xanh; giải pháp khắc phục các rào cản kỹ thuật, hạ tầng và an ninh dữ liệu để thúc đẩy ứng dụng công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi đã chia sẻ 3 đóng góp của Nhật Bản liên quan các công nghệ tiên tiến, đó là công nghệ cải thiện môi trường sống và vấn đề vệ sinh, chuyển đổi chất thải thành năng lượng; công nghệ hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn và công nghệ giám sát môi trường để giải quyết các thách thức toàn cầu.

Ông Katsume Yasushi cho biết, một công ty tư nhân ở Nhật Bản vận hành một ứng dụng Điện thoại thông minh cho phép người dân chụp ảnh động vật, thực vật và các sinh vật sống khác và tải chúng lên. AI xác định các loài từ hình ảnh và chia sẻ loài nào đang sống và ở đâu. Điều này cho phép giám sát hiệu quả các điều kiện môi trường sống của các loài, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, “vệ tinh quan sát khí nhà kính” của Nhật Bản, còn gọi là GOSAT, quan sát nồng độ carbon dioxide và methane trên quy mô toàn cầu và sử dụng các thuật toán gốc và công nghệ AI để tính toán dữ liệu phát thải từ các khu vực cụ thể.

Công nghệ này cho phép xác minh hiệu quả lượng khí thải nhà kính và lượng khí thải loại bỏ theo Thỏa thuận chung Paris. Mông Cổ và Ấn Độ đang sử dụng công nghệ này.

Ông Katsume Yasushi kỳ vọng, với sự hợp tác của mạng lưới quốc tế mạnh mẽ của P4G, Nhật Bản sẽ đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu và phát triển bền vững thông qua việc phổ biến các công nghệ này.

Bà Fatou Haidara, Phó tổng giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng, tương lai bền vững không thể đạt được khi các cộng đồng liên tục phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán, mực nước biển dâng) và suy giảm đa dạng sinh học. Bà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là một trong những thách thức cấp bách nhất của thời đại chúng ta. Do đó, quá trình chuyển đổi xanh là điều bắt buộc để xây dựng các xã hội có khả năng phục hồi và thịnh vượng.

Ở Việt Nam, UNIDO đang triển khai danh mục hợp tác kỹ thuật trị giá 13 triệu USD, tất cả đều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia.

Cùng với Chính phủ Việt Nam, UNIDO đang xây dựng một chương trình quốc gia phù hợp, hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn tăng trưởng của quốc gia, bằng cách ưu tiên chuyển đổi xanh, số hóa và đổi mới trong sản xuất.

Bà Lê Thanh Hương, Tổng giám đốc điều hành Vegastar Technology đề xuất một giải pháp để vượt qua các rào cản kỹ thuật trong việc áp dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi xanh.

Bà Hương cho biết, Vegastar Technology đã phát triển nền tảng nguồn mở có tên GEOHUB – trí tuệ nhân tạo không gian địa lý cho tất cả mọi người, hướng đến người dùng không có kỹ năng. GEOHUB là chu trình khép kín từ việc thu thập hình ảnh quan sát, quản lý dữ liệu thông minh, đến xử lý dữ liệu tự động/bán tự động, tích hợp, phân tích và cung cấp báo cáo thông minh về 5 chủ đề do P4G đưa ra.

Hàng trăm terabyte dữ liệu được GEOHUB xử lý có thể giúp các thành viên và đối tác của P4G vượt qua các rào cản kỹ thuật trong việc áp dụng công nghệ để chuyển đổi xanh.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Việt Nam đề xuất thành lập trang web để các quốc gia thuộc P4G, các tập đoàn, công ty có thể tiếp cận một cách thuận lợi và nhanh nhất những thông tin về công nghệ, kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh.

Việc thành lập “Mô hình đổi mới sáng tạo mở” trong các nước thành viên P4G để hình thành cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ và các tập đoàn, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi xanh.

Bộ trưởng hy vọng, phiên thảo luận này sẽ gợi mở nhiều hướng tiếp cận mới về phát triển xanh, tạo ra các cơ hội hợp tác toàn cầu, bởi chỉ có hợp tác toàn cầu mới giải quyết được bài toán phát triển xanh. Không thể có một quốc gia xanh mà toàn cầu không xanh. Không thể có một toàn cầu xanh mà có một quốc gia không xanh.



https%3A%2F%2Fbaodautu.vn%2Fhop-tac-toan-cau-thuc-day-chuyen-doi-xanh-d275322.html

Exit mobile version