Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và công nghệ liên tục đổi thay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi số như một hướng đi sống còn. Không chỉ là lời hô hào, quyết tâm chuyển mình đã được lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện rõ qua những khoản đầu tư mạnh tay vào hạ tầng công nghệ cũng như nhân lực số, mở ra kỳ vọng về một diện mạo kinh doanh mới.
Chuyển đổi số không phải để cắt người, mà để tăng năng suất
Tại Đại hội cổ đông 2025 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) ngày 26.4, trước những câu hỏi về việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận hành, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái khẳng định ngân hàng có cách tiếp cận rõ ràng: ưu tiên tự động hóa các tác vụ phù hợp, nhưng không đặt mục tiêu thay thế con người.
“Hiện nay có khá nhiều câu hỏi xoay quanh AI, với MB, cách tiếp cận rất rõ ràng và đơn giản: cái gì có thể tự động hóa bằng AI, chúng tôi sẽ ưu tiên ứng dụng trước”, ông Lưu Trung Thái nói.
Cũng theo ông Thái, trong trường hợp có dư thừa nguồn lực, MB sẽ phân bổ nhân sự sang những công việc đòi hỏi giá trị gia tăng cao hơn, những lĩnh vực mà AI không thể thay thế.
“Lấy ví dụ, cách đây 5 năm, số lượng nhân sự của MB tương đối đi ngang. Nhưng hai năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lại tăng lên, không phải vì công nghệ không hiệu quả, mà bởi chúng tôi cần thêm người ở các vị trí mới”, ông Thái cho biết.
Ông Vũ Thành Trung – Chủ tịch ngân hàng số MBV (thuộc MB) cũng chia sẻ thêm, gần như 80% nguồn lực công nghệ MB sử dụng trong hai năm tới sẽ là đầu tư bảo mật. MB sử dụng AI để phát hiện phần mềm gián điệp trên Điện thoại của khách hàng khi sử dụng app MBBank; ngăn chặn giao dịch bất thường.
“Quan điểm của MB khi làm chuyển đổi số không phải để cắt người. MB coi chuyển đổi số là để tăng năng suất lao động của cán bộ nhân viên. Chuyển đổi số giúp công việc đơn giản hơn và nhân viên chuyển dịch sang các công việc có giá trị hơn”, ông Trung nêu.
Không thể duy trì một bộ máy thiếu hiệu quả trong kỷ nguyên số
Tại Đại hội đồng cổ đông ABBank, ông Vũ Văn Tiền – Phó chủ tịch, thành viên HĐQT ABBank chia sẻ, ABBank cũng chủ động thực hiện tái cấu trúc toàn diện về mô hình tổ chức.
“Phải thừa nhận rằng mô hình hiện tại còn bảo thủ, thậm chí tồn tại yếu tố bao che khiến hiệu quả hoạt động chưa cao. Bộ máy đông nhưng không mạnh”, ông Tiền nói.
“Quan điểm xuyên suốt là không thể tiếp tục duy trì một bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả trong kỷ nguyên số, khi yêu cầu đặt ra là một người có thể đảm đương công việc của nhiều người trước đây”, ông Tiền nói và nhấn mạnh ABBank bắt buộc phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group cũng nhấn mạnh chuyển đổi số là “mảnh ghép còn thiếu” để Masan vươn mình từ hình ảnh tập đoàn truyền thống, đa ngành trở thành nền tảng trải nghiệm tiêu dùng tích hợp, tương tự như các tập đoàn bán lẻ và công nghệ hàng đầu thế giới như Walmart, Amazon, Alibaba, Reliance hay Apple.
Ông cảnh báo các mô hình truyền thống sẽ dần biến mất và chuyển đổi số sẽ định hình lại toàn bộ ngành (sản xuất, chuỗi cung ứng, thương hiệu, đổi mới, trải nghiệm khách hàng, bán lẻ hiện đại). Việc tích hợp phần mềm, dữ liệu, AI, tự động hóa vào DNA của Masan là điều bắt buộc.
Ông Danny Le – Tổng giám đốc Masan Group cho biết với việc xây dựng giao diện số người tiêu dùng để tích hợp, cuối năm nay nền tảng này sẽ đi vào vận hành, sử dụng AI và Machine learning.
“5 trụ cột chiến lược để khai mở lợi nhuận và vượt trội bền vững của Masan sẽ là: thị phần chi tiêu, mạng lưới, hội viên, chuỗi cung ứng, chuyển đổi số + tự động hóa. Khi mọi mảnh ghép chiến lược được hoàn thiện, giá trị bền vững sẽ được tạo ra với tăng trưởng lợi nhuận 20%; tăng trưởng ROE 20%; 2x tỉ lệ nợ ròng/EBITDA” – ông Danny cho biết thêm.
Doanh nghiệp định hướng ứng dụng AI toàn diện
Tại Đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn FPT, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, ông Trương Gia Bình cho biết: “FPT sẽ có những mô hình AI như DeepSeek dành cho từng lĩnh vực, từng ngành chuyên biệt”.
Theo ông Bình, về công nghệ AI, mỗi người FPT có trách nhiệm làm ra các trợ lý AI cho chính mình – “bình dân AI vụ”. Khi AI trở nên phổ cập, càng bình dân bao nhiêu thì nhu cầu về nhà máy AI sẽ lớn bấy nhiêu. Trong tương lai gần FPT không giới hạn ở 2 nhà máy vì rất nhiều tập đoàn trên thế giới đã đề xuất làm cùng FPT.
“Chuyển đổi AI là bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi số của FPT với mục tiêu tạo ra 1 triệu trợ lý ảo cho công việc hằng ngày, giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc. FPT cũng sẽ tích hợp AI vào toàn bộ sản phẩm, dịch vụ Made by FPT giúp các dịch vụ trở nên thông minh, tiện dụng hơn với người dùng”, ông Bình nêu.
Đề cập đến chuyển đổi số, ứng dụng blockchain, AI, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng khẳng định Techcombank luôn đầu tư mạnh vào nền tảng công nghệ để phục vụ các mục tiêu dài hạn.
“Khi hành lang pháp lý được mở ra, đương nhiên sẽ chủ động tham gia, không chỉ với vai trò khai thác mà còn hướng đến việc sở hữu các nền tảng công nghệ chiến lược. Techcombank tiếp tục định hướng trở thành ngân hàng ứng dụng AI toàn diện, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính”, ông Hồ Hùng Anh nêu.
Cũng chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số, Tổng giám đốc Petrolimex Đoàn Nam Hải cho biết “chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa vận hành toàn hệ thống”.
“Chúng tôi đã tổ chức các khóa đào tạo ứng dụng AI bắt buộc cho toàn thể cán bộ, từ cấp quản lý đến người lao động, nhằm nâng cao năng suất lao động và khả năng thích ứng công nghệ. Giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chuyển đổi số và Công nghệ thông tin nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI vào nhiều nội dung trọng điểm”, ông Hải nói.
https%3A%2F%2F1thegioi.vn%2Float-phat-ngon-an-tuong-ve-chuyen-doi-so-cua-lanh-dao-doanh-nghiep-trong-mua-dai-hoi-co-dong-2025-231980.html