Kỷ nguyên AI: Cơ hội và thách thức
Sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI) và robot đang tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trên thị trường lao động toàn cầu, định hình lại toàn bộ việc làm. Trong khi nhiều công việc có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa thì vẫn có những ngành nghề được đánh giá là khó bị AI xâm chiếm nhờ vào yếu tố không thể sao chép.
AI đang được ứng dụng để cải thiện trải nghiệm mua sắm trong bán lẻ, phát hiện gian lận và đánh giá rủi ro trong tài chính, hỗ trợ chẩn đoán và tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe hay cá nhân hóa lộ trình học tập cho học sinh.
Từ đó mở ra cánh cửa cho nhiều người không có nền tảng công nghệ truyền thống nhưng lại có kiến thức chuyên môn sâu về các ngành này, kết hợp với kỹ năng AI cơ bản hoặc trung cấp.
Điểm đáng chú ý trong thị trường việc làm AI hiện nay là sự dịch chuyển từ việc quá chú trọng bằng cấp sang đề cao kỹ năng thực tế. Dù một số công việc như kỹ sư AI vẫn thường yêu cầu bằng cử nhân nhưng ngày càng nhiều công ty sẵn sàng tuyển dụng dựa trên khả năng kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc cụ thể.
Sự bùng nổ của AI tạo sinh không chỉ thúc đẩy tuyển dụng trong các doanh nghiệp công nghệ lớn với những vị trí được trả lương cực cao cho những chuyên gia hàng đầu mà còn kích thích làn sóng đầu tư vào nhân lực AI ở nhiều ngành nghề tưởng chừng không liên quan.

Có thể thấy AI không chỉ thách thức mà còn mở ra vô số cánh cửa cơ hội mới, đầy tiềm năng và hứa hẹn mức thu nhập “khủng”.
Dữ liệu gần đây cho thấy lượt tìm kiếm từ khóa “AI jobs” trên Google đã tăng vọt, đạt đỉnh mới vào đầu năm 2025, vượt qua cả giai đoạn sôi sục tháng 5/2023. Các công ty đang chạy đua để tích hợp AI, còn người lao động thì nôn nóng tìm hiểu vị trí của mình trong kỷ nguyên mới này.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 92 triệu việc làm sẽ bị thay thế do công nghệ, đổi mới, AI cũng như các yếu tố kinh tế và công nghiệp khác. Nhưng 170 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra vào năm 2030. Có nghĩa là cứ một công việc cũ mất đi sẽ có khoảng 1,85 công việc mới xuất hiện.
Không những xuất hiện nhiều vị trí mới mà một số công việc quen thuộc hiện nay cũng sẽ bùng nổ nhu cầu, đặc biệt khi vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup AI tiếp tục tăng mạnh.
Các công ty như OpenAI, Anthropic và nhiều startup khác đang thúc đẩy một cuộc đua toàn cầu về nhân tài AI nên đổ xô tìm kiếm những nhân sự xuất sắc nhất.
Trong kỷ nguyên AI, việc lựa chọn nghề nghiệp không chỉ dựa trên thu nhập mà còn cần cân nhắc đến tính bền vững và khả năng thích ứng với công nghệ.
Theo ZipRecruiter, các kỹ năng phổ biến nhất được liệt kê trong yêu cầu công việc AI là: lập trình (programming), phát triển phần mềm (software development), viết lách (writing) – đặc biệt quan trọng cho huấn luyện viên AI và những người làm việc với mô hình ngôn ngữ lớn.
5 nghề “hái ra tiền” liên quan đến AI
Dưới đây là những nghề liên quan đến AI đang “khát nhân lực”, cơ hội làm việc linh hoạt từ xa và có mức lương hấp dẫn khiến ai cũng phải ao ước.
Kỹ sư AI (AI Engineer)
Kỹ sư AI là những người đứng sau việc thiết kế các hệ thống, mô hình và thuật toán AI. Công việc này đòi hỏi kiến thức vững chắc về lập trình, thành thạo các framework AI như TensorFlow, PyTorch và khả năng chuyển hóa ý tưởng trừu tượng thành sản phẩm thực tế.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng AI, từ tự động hóa quy trình nội bộ đến phát triển sản phẩm mới, kỹ sư AI đang trở thành một trong những vị trí “nóng” nhất thị trường.
Kỹ sư AI có mức lương trung bình là 106.386 USD/năm (khoảng 2,6 tỷ đồng/năm).
Tư vấn AI (AI Consultant)
Tư vấn AI như “người dẫn đường”, đánh giá tiềm năng ứng dụng, xây dựng chiến lược và lựa chọn công nghệ phù hợp với từng mô hình kinh doanh. Nhu cầu tìm kiếm tư vấn AI đang tăng mạnh trong nhiều ngành nghề.
Mức lương trung bình của tư vấn AI là 113.566 USD/năm (tương đương hơn 2,8 tỷ đồng/năm).
Nhà nghiên cứu AI (AI Researcher)
Nhà nghiên cứu AI không chỉ áp dụng công nghệ sẵn có mà họ còn sáng tạo ra các thuật toán và mô hình tiên tiến, đẩy lùi giới hạn hiện tại. Công việc này thường yêu cầu trình độ tiến sĩ hoặc ít nhất là kinh nghiệm nghiên cứu chuyên sâu.
Mức lương trung bình của nhà nghiên cứu AI là 113.102 USD/năm (khoảng 2,8 tỷ đồng/năm).
Huấn luyện viên AI (AI Trainer)
AI Trainer có nhiệm vụ huấn luyện mô hình, giúp chúng nhận diện, phân tích và xử lý thông tin chính xác hơn. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khả năng viết lách tốt và hiểu cách vận hành của các hệ thống AI.
Đáng chú ý, huấn luyện viên AI không nhất thiết phải có nền tảng kỹ thuật sâu mà chỉ cần có kỹ năng giao tiếp, phân tích và tư duy hệ thống vững vàng.
Công việc này có mức lương trung bình khoảng 64.984 USD/năm (tương đương 1,6 tỷ đồng/năm).
Quản lý sản phẩm AI (AI Product Manager)
AI Product Manager giữ vai trò chiến lược, định hướng phát triển sản phẩm AI, làm việc chặt chẽ với các kỹ sư, nhà thiết kế và bộ phận kinh doanh để đưa sản phẩm từ ý tưởng ra thị trường.
Trong bối cảnh AI đang được tích hợp vào mọi sản phẩm, từ phần mềm tới thiết bị gia dụng thì vị trí quản lý sản phẩm AI càng trở nên quan trọng.
Công việc này có mức lương trung bình 103.178 USD mỗi năm (khoảng 2,5 tỷ đồng một năm).
https%3A%2F%2Fvietnamfinance.vn%2Ftin-vui-cho-nguoi-mat-viec-nhung-nghe-moi-hai-ra-tien-nho-ai-d126080.html