Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển mạnh mẽ và đang dần trở thành một công cụ không thể thiếu. Trong bối cảnh đó, vai trò của con người lại không hề bị lu mờ mà ngược lại, càng trở nên quan trọng hơn.
“AI được ví như những phương tiện mới với nhiên liệu là dữ liệu, còn con người chính là người lái”, ông Hoàng Lê – nhà sáng lập Staspi.ai ví von.
Và để thực sự tối ưu hóa hiệu quả của AI, con người cần nắm vững vị trí “người lái” của mình thông qua việc áp dụng các quy trình làm việc thông minh và tư duy phản biện.
Ông Hoàng giới thiệu một trong những quy trình nhằm đảm bảo sự cộng tác hiệu quả giữa con người và AI gọi là “human in the loop” (tạm dịch: vòng lặp vai trò của con người). Quy trình này không bắt đầu bằng việc tìm kiếm một công cụ AI cụ thể, mà khởi điểm từ việc xác định rõ vấn đề cần giải quyết và xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá kết quả. Sau đó, AI sẽ được tích hợp vào từng bước của quy trình để tạo ra kết quả. Điều mấu chốt là vai trò của con người là cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đầu ra của AI và đảm bảo kết quả đạt tiêu chuẩn mong muốn.
AI ở đây đóng vai trò là công cụ giúp người dùng tạo ra ý tưởng và sắp xếp lại các ý tưởng một cách tốt hơn. Chẳng hạn, khi xây dựng thương hiệu cá nhân, việc cung cấp cho AI thông tin chi tiết về đối tượng, luận điểm, luận cứ và ví dụ, sau đó yêu cầu AI sắp xếp lại thông tin, và cuối cùng là con người tiếp tục chỉnh sửa, điều chỉnh để kết quả đúng với mong muốn nhất trước khi công bố là một minh chứng rõ nét cho quy trình này.
Bên cạnh đó, việc chúng ta kỳ vọng quá nhiều vào AI có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn. Ông Bùi Quang Tinh Tú – nhà sáng lập UAN Marketing gợi ý, thay vì giao cho AI những tác vụ quá lớn hoặc phức tạp, chúng ta nên chia nhỏ các tác vụ và giao cho AI những phần việc nhỏ, cụ thể và đơn giản hơn. Khi đó, độ chính xác của AI sẽ cao hơn đáng kể. AI thực sự làm tốt nhất những gì chúng ta cung cấp cho nó một cách chi tiết và rõ ràng.
Mặc dù AI có thể giúp tập hợp thông tin một cách nhanh chóng, nhưng con người vẫn phải tự mình kiểm tra, đọc, xem xét từng chi tiết và chọn lọc thông tin phù hợp để đưa vào nội dung của mình. Quan điểm chung là chúng ta nên sử dụng AI như một trợ lý đúng nghĩa, giúp công việc nhanh hơn, gọn hơn, nhưng con người phải là người thực hiện những công việc quan trọng nhất và đưa ra quyết định cuối cùng.
Một thách thức lớn và cũng là điểm mấu chốt đòi hỏi vai trò của con người là sự cần thiết của kiểm chứng thông tin và tư duy phản biện khi làm việc với AI. Các mô hình AI tạo sinh cơ bản, như GPT-4, thường có vấn đề nghiêm trọng với “ảo giác thông tin” (hallucinations), do các AI này không kiểm tra tính xác thực và không trích dẫn nguồn. Do đó, việc tự mình nghiên cứu, kiểm tra chéo và xác nhận lại thông tin từ các nguồn đáng tin cậy là cực kỳ quan trọng trước khi đăng bất kỳ nội dung nào được tạo ra bởi AI. Ông Join Wes Jackson – nhà sáng lập Omega Digital – đề xuất người dùng cần luôn yêu cầu AI cung cấp nguồn thông tin và sau đó tự mình lên Google hoặc các trang web đó để xác nhận lại thông tin đã đúng hay chưa.
Các công cụ như Perplexity hay chức năng Deep Research trong các mô hình AI trả phí cũng có thể hỗ trợ kiểm tra tính xác thực. Nếu chỉ đơn thuần đăng kết quả của AI mà không tự nghiên cứu, người dùng có nguy cơ mất uy tín với cộng đồng mục tiêu mà mình đang cố gắng xây dựng. Vì vậy, điều tối quan trọng là phải kiểm tra tính xác thực và suy nghĩ một cách phê phán về bất cứ điều gì được AI tạo ra.
AI là một công cụ mạnh mẽ, nhưng con người là người lái. Việc “chơi” và thử nghiệm với AI là một cách hiệu quả để làm quen và hiểu rõ khả năng của nó, từ đó trở thành một “người lái” tốt.
“Con người nên học cách làm chủ bản thân, thành thạo kỹ năng, năng lực và kiến thức chuyên môn của mình trước khi ‘sai’ AI làm việc”, ông Tú chia sẻ.
https%3A%2F%2Fdiendandoanhnghiep.vn%2Ftoi-uu-hoa-vai-tro-cua-con-nguoi-khi-ung-dung-ai-10156938.html