Home Tin tức AI Ứng dụng AI – động lực mới nâng cao năng suất ngành...

Ứng dụng AI – động lực mới nâng cao năng suất ngành Công Thương

0

Đổi mới sáng tạo và công nghệ – trụ cột trong chiến lược tăng trưởng

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đến năm 2045, ngành Công Thương xác định rõ vai trò là trụ cột trong chiến lược tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ. Theo Nghị định 40/2025/NĐ-CP, Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng, logistics, thương mại điện tử, chuyển đổi số…, đồng thời đóng vai trò “lực kéo” sản xuất và “lực đẩy” thị trường.

Phát biểu tại Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2025, TS. Trịnh Quốc Vinh (Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương) nhấn mạnh: “Để bứt phá về năng suất, không thể tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng truyền thống như lao động giá rẻ hay khai thác tài nguyên. Ứng dụng AI và công nghệ mới chính là đòn bẩy để nâng cao chất lượng sản xuất, thương mại và logistics – các lĩnh vực cốt lõi trong chuỗi giá trị ngành Công Thương”.

Đặt trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các nước trong khu vực – chỉ đạt 11,4% so với Singapore và 35,4% so với Malaysia (theo sức mua tương đương), nhóm nghiên cứu trẻ từ Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề “Ứng dụng AI để nâng cao năng suất lao động” như một đề xuất mang tính đột phá và thực tiễn.

ThS. Nguyễn Ngọc Tâm (Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước) chỉ ra rằng, công nghệ AI đang mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong toàn ngành. Trong thương mại điện tử, AI giúp cá nhân hóa hành vi người tiêu dùng, tối ưu vận hành kho bãi và hỗ trợ chatbot thông minh. Trong logistics, AI có thể dự báo nhu cầu kho hàng, tối ưu hóa tuyến vận chuyển và phân tích chuỗi cung ứng theo thời gian thực. Trong ngành năng lượng, AI hỗ trợ điều độ thông minh, dự báo phụ tải, giám sát thiết bị và tối ưu vận hành thị trường điện. Trong sản xuất, các ứng dụng AI như bảo trì dự báo, kiểm soát chất lượng, lên kế hoạch sản xuất tự động giúp nâng cao hiệu suất lao động rõ rệt.

Doanh nghiệp địa phương áp dụng AI: Thực tế nhiều triển vọng

Tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), nhiều doanh nghiệp đã bước đầu ứng dụng AI vào sản xuất và kinh doanh. Công ty Việt Thắng Jean ứng dụng AI vào khâu thiết kế, sản xuất, bán hàng, báo cáo, dự đoán xu hướng tiêu dùng. Theo ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc, nhờ sử dụng AI, doanh nghiệp giảm được 90% thời gian và chi phí cho các khâu. Chỉ với chi phí thấp (khoảng 17 USD/con AI/năm), công ty đã triển khai AI trên hầu hết quy trình. Ông khẳng định AI mang lại hiệu quả vượt trội nếu được khai thác đúng công suất.

Cũng tại TP.HCM, Công ty TM-DV Xây dựng Lê Thành ứng dụng AI trong toàn bộ quy trình tư vấn, tạo đơn hàng và giao nhận. Tuy nhiên, hệ thống AI ban đầu gặp sự cố do hiểu sai ngôn ngữ khách hàng (như viết tắt hoặc sai chính tả), dẫn đến phản hồi nhầm, gây mất khách. Có thời điểm doanh thu giảm đến một nửa. Dù vậy, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc công ty cho biết, vẫn kiên trì ứng dụng AI vì về lâu dài, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Startup công nghệ MatarStars tại TP.HCM ứng dụng AI trong quản lý vận tải thông minh, giúp tối ưu tuyến đường, quản lý đội xe, dự báo nhu cầu vận chuyển theo thời gian thực. Hệ thống AI của MatarStars cũng theo dõi hành vi tài xế và tiêu thụ nhiên liệu, nâng cao hiệu quả giao hàng và an toàn giao thông. Doanh nghiệp đã trở thành đại diện Việt Nam tham dự các diễn đàn công nghệ Đông Nam Á.

Tại thành phố Hà Nội, ứng dụng AI đã được triển khai vào các dịch vụ công trực tuyến. Theo định hướng đến năm 2030, 100% dịch vụ công toàn trình tại đây sẽ tích hợp AI để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ nhanh, minh bạch và hiệu quả hơn. Điển hình là Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ Logistics (LTA) ứng dụng AI vào các hệ thống quản lý vận tải (i-TMS), kho hàng (i-WMS) và quản lý nhân sự. AI giúp doanh nghiệp dự báo nhu cầu, phân tích thời gian thực, giảm rủi ro và tối ưu chi phí. Hiện hệ thống đã phục vụ trên 30.000 tài xế và 3.000 doanh nghiệp vận tải, nâng cao năng suất logistics toàn miền Bắc.

Tại Vĩnh Phúc, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (liên doanh T&T Group và YCH Group – Singapore) đang tiên phong triển khai AI trong vận hành thông minh: robot kho hàng, nền tảng ESG kết hợp AI và blockchain, ứng dụng digital twin để theo dõi khí thải và tối ưu hoá chuỗi cung ứng. Mô hình này hướng tới zero carbon vào năm 2040, đồng thời nâng cao năng suất logistics theo chuẩn quốc tế.

Nhìn chung, dù vẫn còn một số khó khăn ban đầu, việc ứng dụng AI trong ngành Công Thương đang mở ra cơ hội lớn để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh trong kỷ nguyên chuyển đổi số. 

 An Dương 



https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fung-dung-ai–dong-luc-moi-nang-cao-nang-suat-nganh-cong-thuong-d235408.html

Exit mobile version