Home Tin tức AI xu hướng tất yếu trong giáo dục Việt Nam

xu hướng tất yếu trong giáo dục Việt Nam

0

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu trong giảng dạy.

Cơ hội đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục

Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục và thu được những kết quả tích cực. Theo đó, AI hỗ trợ giáo viên xây dựng kế hoạch bài giảng, thiết kế bài kiểm tra, chấm điểm và phân tích kết quả học tập, đồng thời giúp cá nhân hóa phản hồi cho học sinh. Đây là bước tiến quan trọng giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Năm học 2024-2025, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, định hướng học sinh về trí tuệ nhân tạo, đồng thời tham gia kiểm tra trình độ tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế. Trong khi đó, TP Hà Nội thí điểm mô hình giáo dục thông minh sử dụng AI tại một số trường học nhằm nhân rộng sau khi thử nghiệm thành công. Tỉnh Hà Nam (nay là tỉnh Ninh Bình) cũng ứng dụng AI để đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả bài giảng và khuyến khích tư duy sáng tạo của học sinh.

Việc ứng dụng AI thúc đẩy giáo dục cá nhân hóa, giúp học sinh tiếp cận kiến thức phù hợp với năng lực riêng, đồng thời phát triển tư duy phản biện và sáng tạo. AI cũng góp phần tăng cường sự công bằng trong giáo dục, hỗ trợ đánh giá khách quan và nâng cao chất lượng bài giảng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), việc khai thác hiệu quả các công cụ AI còn gặp nhiều rào cản do phần lớn giáo viên hạn chế về năng lực sử dụng, thiếu hướng dẫn cụ thể, và sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận công nghệ giữa các vùng miền. Việc nâng cao năng lực số của đội ngũ giáo viên được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong thời gian tới.

Mới đây, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Đại học RMIT Việt Nam phát động chương trình “Diễn đàn đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với trí tuệ nhân tạo 2025”. Chương trình toàn diện này bao gồm tập huấn đào tạo, xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo, tổ chức cuộc thi quốc gia và ngày hội giáo dục với AI, nhằm nâng cao năng lực sử dụng AI cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc. Đây là bước đi quan trọng thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên AI.

Ngoài ra, việc tích hợp học trực tuyến được xem là hướng đi tất yếu trong giáo dục đại học Việt Nam, giúp cá nhân hóa quá trình học tập và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Nhiều trường đại học đã áp dụng các nền tảng học trực tuyến tích hợp AI, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập linh hoạt cũng như hỗ trợ giảng viên trong quản lý lớp học và đánh giá kết quả.

Việc đào tạo nâng cao năng lực số cho giáo viên là then chốt để AI được ứng dụng hiệu quả trong giáo dục. Chương trình đào tạo “Ứng dụng công cụ AI trong giảng dạy và học tập cho giáo viên Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học RMIT tổ chức đã thu hút hơn 1.650 giáo viên và cán bộ quản lý tham gia tập huấn trực tiếp và trực tuyến. Nội dung tập huấn tập trung vào ứng dụng AI trong thiết kế bài giảng, kiểm tra đánh giá, xây dựng môi trường học tập số và phát triển kỹ năng sử dụng AI có trách nhiệm.

Trên thế giới, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ cũng góp phần thúc đẩy ứng dụng AI trong giáo dục. Theo đó, OpenAI phối hợp với Microsoft giới thiệu phiên bản ChatGPT hỗ trợ giáo viên trong việc dạy học. Công cụ AI này hứa hẹn tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả giảng dạy.

Phiên bản ChatGPT được thiết kế riêng cho giáo viên, đánh dấu bước ngoặt trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào giảng dạy. Được phát triển với sự hỗ trợ của Microsoft, công cụ này được kỳ vọng sẽ trở thành “trợ lý ảo” tin cậy trong việc lên kế hoạch giảng dạy, cá nhân hóa nội dung học và tiết kiệm thời gian cho nhà giáo…

Giải pháp để hiện thực hóa chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục

AI là cơ hội tuyệt vời để xây dựng một xã hội học tập suốt đời.

Bên cạnh những cơ hội, việc ứng dụng AI trong giáo dục cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết. Gia tăng khoảng cách số giữa các vùng miền, thiếu hạ tầng công nghệ đồng bộ, năng lực số của giáo viên và học sinh chưa đồng đều, cùng những vấn đề về đạo đức, bảo mật dữ liệu và tính chính xác của nội dung AI là những rào cản lớn…

Để hiện thực hóa chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo AI được triển khai bài bản, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam. Trong đó, Bộ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và xây dựng khung hướng dẫn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục nhằm triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

AI sẽ được tích hợp vào chương trình giáo dục phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp với từng cấp học và đối tượng. Chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm sẽ được cập nhật để chuẩn bị cho việc ứng dụng AI trong giảng dạy. Đồng thời, Bộ cũng sẽ tổ chức các cuộc thi AI quy mô quốc gia, quốc tế và các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý.

Song song đó, hệ sinh thái AI được phát triển với nền tảng dữ liệu mở hỗ trợ phân tích, dự báo và hoạch định chính sách, cùng các công cụ như Chatbot, trợ giảng AI và hệ thống đánh giá tự động. Hạ tầng công nghệ tại các cơ sở giáo dục sẽ được nâng cấp đồng bộ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ngoài việc hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, tham gia phát triển hệ sinh thái AI trong giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hợp tác với doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước nhằm phát triển ứng dụng AI và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng giáo dục…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục. “Việc ứng dụng AI trong giáo dục phải giúp học sinh, sinh viên có thêm cơ hội học tập hiệu quả, sáng tạo và hạnh phúc hơn, thay vì tạo ra tâm lý ỷ lại, thụ động. Nếu được khai thác đúng cách, AI sẽ là cơ hội tuyệt vời để xây dựng một xã hội học tập suốt đời”.

https%3A%2F%2Fkinhtedothi.vn%2Fung-dung-ai-xu-huong-tat-yeu-trong-giao-duc-viet-nam.766797.html

Exit mobile version