Trong xu thế chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản trị, điều hành chính quyền các cấp. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và cách tiếp cận chủ động, bài bản, Quảng Ninh không chỉ mở ra hướng đi mới trong cải cách hành chính mà còn đặt nền móng cho mô hình chính quyền thông minh trong kỷ nguyên số.
Tỉnh Quảng Ninh đã sớm khởi động chương trình “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kỹ năng số và tri thức về AI cho CBCCVC và người dân. Mỗi CBCCVC phải là “hạt nhân lan tỏa” kỹ năng AI, biến công nghệ số trở thành một phần thiết yếu trong công vụ và đời sống.
Thực tế cho thấy, AI không thay thế con người, nhưng những người biết sử dụng hiệu quả AI sẽ dần thay thế những người không biết tận dụng nó. Nếu không làm chủ được dữ liệu, không biết ứng dụng AI vào công việc hằng ngày, thì chính bản thân mỗi CBCCVC đang tụt lùi.
Đến nay, AI đã được Quảng Ninh nghiên cứu, tích hợp bước đầu vào dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, thông qua trợ lý ảo, chatbot tự động trả lời câu hỏi của người dân 24/7; giám sát giao thông, đô thị thông minh, với hệ thống camera thông minh phân tích hành vi và lưu lượng; y tế và giáo dục, với hệ thống AI hỗ trợ phân tích hồ sơ bệnh án và dữ liệu học sinh; hành chính tư pháp, AI hỗ trợ gợi ý các mẫu biểu, điều chỉnh dữ liệu hồ sơ trên phần mềm.
Ông Nguyễn Văn Toàn (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) chia sẻ: Sau khi được tiếp cận các kiến thức về AI, tôi thấy rõ hơn tiềm năng rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, giảm tải áp lực và phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả hơn. Chúng tôi sẽ tích cực ứng dụng AI vào thực tế công việc, nhất là ở cấp xã, phường trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ đánh giá cao sự chủ động của Quảng Ninh trong triển khai AI vào quản trị hành chính. Bà Laura Nguyễn, Giám đốc quốc gia Ava Labs tại Việt Nam, khuyến nghị: Tỉnh Quảng Ninh nên sớm thành lập lực lượng đặc nhiệm AI để giám sát chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên biệt, kết nối với các startup AI nhằm tăng tốc chuyển đổi. Đồng thời với đó, tổ chức cuộc thi đổi mới AI nội bộ cho CBCCVC; xác định các dự án AI thực tế để triển khai ngay lập tức.
Dù đang rất nỗ lực, nhưng để triển khai hiệu quả AI vào quản trị hành chính, Quảng Ninh đối mặt không ít rào cản, đó là: Dữ liệu vẫn còn phân tán, thiếu liên thông giữa các cấp, các ngành; hạ tầng số tại cấp xã còn hạn chế, chưa đảm bảo triển khai đồng bộ AI; thiếu nhân lực chất lượng cao về công nghệ và phân tích dữ liệu; cơ chế chính sách về bảo mật dữ liệu, sử dụng AI trong hành chính chưa đầy đủ. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: Quảng Ninh muốn sử dụng AI thực sự hiệu quả trong quản trị hành chính phải có chiến lược về dữ liệu đi trước một bước, song hành là đào tạo đội ngũ cán bộ đủ khả năng vận hành và giám sát AI.
Việc đưa AI vào quản trị hành chính được tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng, giúp tăng tốc xử lý công việc, minh bạch hóa quy trình và nâng cao sự hài lòng của người dân; hỗ trợ phân tích, dự báo giúp lãnh đạo ra quyết định chuẩn xác, kịp thời; tối ưu nguồn lực trong bối cảnh tinh giản bộ máy, tăng cường năng lực cá nhân hóa phục vụ công dân và doanh nghiệp; gắn AI với đánh giá cán bộ, thông qua chỉ số dữ liệu và hiệu quả xử lý hồ sơ.
Ứng dụng AI vào quản trị hành chính không chỉ là công cụ, mà là phép thử về năng lực đổi mới tư duy và tổ chức thực thi. Quảng Ninh đang tạo ra bước chuyển từ quản lý truyền thống sang nền hành chính dựa trên dữ liệu và tự động hóa. Cam kết, khát vọng và hành động thực chất là những gì Quảng Ninh đang thể hiện. Và nếu duy trì được nhịp phát triển như hiện nay, không xa, Quảng Ninh sẽ là hình mẫu tiên phong về “hành chính thông minh – công chức số – công dân số” tại Việt Nam.
Mạnh Trường
https%3A%2F%2Fbaoquangninh.vn%2Fquang-ninh-dua-ai-vao-quan-tri-hanh-chinh-3365913.html