26.8 C
Kwang Binh
spot_img
Chủ Nhật, Tháng 5 18, 2025

5 ngành nghề có nguy cơ mất việc cao trong kỷ nguyên AI

Must read

VOH – Công nghệ, Trí tuệ nhân tạo (AI) và những biến động kinh tế toàn cầu đang tạo ra những thay đổi lớn trong thị trường lao động.

Trong vòng 5 năm tới, nhiều ngành nghề tưởng chừng như ổn định có thể bị thay thế nếu người lao động không kịp thích nghi.

Báo cáo “The Future of Jobs Report 2023” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, khoảng 23% công việc hiện nay sẽ biến đổi trong 5 năm tới, tương đương với 83 triệu việc làm bị thay thế, trong khi chỉ có khoảng 69 triệu việc làm mới được tạo ra. Như vậy, thế giới sẽ đối mặt với mức giảm ròng khoảng 14 triệu việc làm.

ai_voh
Trong vòng 5 năm tới, một số ngành nghề sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị thay thế bởi tự động hóa.

Trong bối cảnh ấy, nhiều nhóm nghề quen thuộc đang đối diện với nguy cơ bị đào thải khi máy móc và phần mềm thông minh đảm nhận ngày càng nhiều công việc mà con người từng làm.

Nhân viên văn phòng và hành chính

Những công việc mang tính lặp lại, xử lý số liệu hay giấy tờ đơn thuần đang là đối tượng bị tự động hóa “lấn sân” nhanh nhất. Tại Mỹ, hãng tư vấn McKinsey ước tính số lượng nhân viên văn phòng có thể giảm khoảng 1,6 triệu người trong những năm tới, trong đó trợ lý hành chính giảm khoảng 710.000 người.

Tại Việt Nam, dù tỷ lệ thất nghiệp chung được duy trì ở mức thấp (2,28% trong năm 2023), Tổng cục Thống kê vẫn ghi nhận gần 1,07 triệu người mất việc trong năm qua. Con số này phần nào phản ánh áp lực từ sự thay đổi cơ cấu việc làm, đặc biệt với các ngành nghề hành chính đơn thuần.

Nhân viên bán lẻ và thu ngân

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và các hệ thống thanh toán tự động đang làm giảm nhu cầu với nhân viên bán hàng và thu ngân tại cửa hàng truyền thống. McKinsey dự báo, số lượng nhân viên bán lẻ tại Mỹ có thể giảm tới 830.000 người, trong khi thu ngân giảm khoảng 630.000 người.

Tại Việt Nam, việc nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi triển khai quầy thanh toán tự động, mua hàng online và dịch vụ giao hàng tận nhà cũng cho thấy xu hướng này đang len lỏi vào từng ngóc ngách thị trường.

Nhân sự sản xuất trong dây chuyền

Công việc lặp đi lặp lại trong các dây chuyền sản xuất đang dần nhường chỗ cho robot và hệ thống tự động. Dự báo đến năm 2030, khoảng 11,8 triệu lao động sản xuất tại Mỹ sẽ phải tìm kiếm công việc mới do tác động của tự động hóa.

Không chỉ tại các quốc gia phát triển, ngành sản xuất tại Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng rõ rệt khi nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất và giảm chi phí nhân công.

Ngành truyền thông và sản xuất nội dung

Sự phát triển của AI, đặc biệt là các công cụ viết bài, tạo video, chỉnh sửa hình ảnh tự động khiến lĩnh vực truyền thông, nội dung cũng đứng trước thách thức lớn. Người làm nội dung nếu không liên tục cập nhật kỹ năng và ứng dụng công nghệ vào công việc sẽ rất dễ bị bỏ lại phía sau.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã áp dụng AI để viết mô tả sản phẩm, biên tập video tự động hay phân tích xu hướng truyền thông, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân sự thủ công.

Hướng dẫn viên du lịch truyền thống

Sự xuất hiện của các ứng dụng bản đồ, hướng dẫn du lịch tự động, công nghệ thực tế ảo… đang khiến vai trò của hướng dẫn viên du lịch truyền thống mai một dần. Để thích ứng, những người làm nghề cần chuyển mình sang các dịch vụ du lịch trải nghiệm, cá nhân hóa và kết hợp công nghệ.

Đại dịch COVID-19 từng khiến ngành du lịch lao đao và sự phục hồi chậm cho thấy du lịch truyền thống đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các hình thức du lịch công nghệ cao, tiết kiệm và thuận tiện hơn.

Thích ứng trong kỷ nguyên chuyển đổi số

Việc hàng triệu việc làm biến mất không đồng nghĩa với việc con người trở nên thừa thãi mà ngược lại, đây là thời điểm để tái định nghĩa khái niệm “nghề nghiệp” và “giá trị lao động”.

Trong thế giới mà máy móc ngày càng giỏi các công việc lặp lại, con người cần phát huy những phẩm chất mà công nghệ chưa thể thay thế như tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, thích ứng linh hoạt, trực giác và giá trị đạo đức. Chính vì vậy, các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, học tập suốt đời đang được xem là “kỹ năng cứng” của kỷ nguyên số.

Người lao động cần chủ động học hỏi và nâng cao kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số và khả năng làm việc trong các môi trường linh hoạt như làm việc từ xa, freelance hay đa nhiệm. Việc chuẩn bị sớm giúp mỗi người không chỉ đón đầu mà còn có thể tạo dựng một bản sắc nghề nghiệp mới – linh hoạt hơn, ý nghĩa hơn và phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội tương lai.

Về phía các cơ quan quản lý và tổ chức giáo dục, việc cải cách phương pháp đào tạo và định hướng nghề nghiệp là điều tất yếu. Thay vì chỉ tập trung đào tạo kỹ năng chuyên môn, cần chú trọng hơn vào khả năng thích ứng, sáng tạo và học tập suốt đời cho người học.

Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, không ai có thể đứng yên. Nhưng nếu chủ động chuẩn bị và sẵn sàng thay đổi, mỗi người sẽ tìm thấy cơ hội mới giữa thách thức và khẳng định được giá trị bản thân trong thị trường lao động ngày một biến động.

https%3A%2F%2Fvoh.com.vn%2Fcong-nghe%2F5-nganh-nghe-co-nguy-co-mat-viec-cao-trong-ky-nguyen-ai-594822.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article