(QBĐT) – Nghỉ hưu nhưng không phải để nghỉ ngơi, an dưỡng, nhiều đảng viên hưu trí trên địa bàn TX. Ba Đồn xem đây là dịp để tiếp tục cống hiến, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Họ đã trở thành tấm gương sáng và là nòng cốt của các phong trào ở thôn, xóm, khu phố…
Cần mẫn và trách nhiệm
Dù đã hơn 70 tuổi, thân thể mang nhiều bệnh tật, nhưng hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1953), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin, Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) vẫn ngày 2 buổi cần mẫn đến trụ sở phường để làm việc. Những cán bộ phường nơi đây kể, ít thấy ngày nào ông vắng mặt tại trụ sở. Hôm nào ông vắng, chứng tỏ ông bị ốm đau hoặc bận theo việc hội.
Nhập ngũ năm 1972, người lính ấy vác ba lô đi chiến đấu biền biệt suốt gần 20 năm, từ chiến trường Trị Thiên đến chiến trường biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại ở nước bạn Campuchia. Trước khi về nghỉ hưu, ông mang cấp hàm thượng tá, nguyên Chủ nhiệm Sư đoàn Kỹ thuật 307 (Quân khu 5), thương binh hạng ¾ và bị nhiễm CĐDC/dioxin. Trở về với đời thường, ông đã từng 2 lần lên bàn mổ vì bệnh thần kinh đốt sống lưng và đốt sống cổ. Di chứng của căn bệnh khiến ông đi lại khá khó khăn.
Ông Lâm bảo rằng: “Người tôi vốn đã nhiều bệnh tật, nếu không đi lại mà cứ quanh quẩn ở nhà, rồi cũng sinh bệnh”. Ông nói vậy, nhưng với chúng tôi, động lực để ông làm việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhiều năm qua không chỉ đơn giản là để vượt qua bệnh tật.
![]()
|
Từ ngày bỏ ba lô người lính trên vai xuống, ông thường xuyên tham gia các phong trào ở địa phương. Hễ ở đâu cần là ông xắn tay xông vào làm việc, không nề hà, từ cấp ủy chi bộ đến Chi hội trưởng Hội CCB khu phố 5, Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin phường Ba Đồn. Ở vị trí nào, ông cũng được đánh giá là người nhiệt huyết và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.
Ông tâm sự: “Mình là một người lính đã từng vào sinh ra tử và cũng là một người đảng viên (50 năm tuổi đảng), nếu vì điều này điều kia mới nhận làm thì liệu có xứng đáng người lính “Bộ đội Cụ Hồ” và là người đảng viên”.
Năm 2011, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Ba Đồn được thành lập, ông được bầu giữ chức Chủ tịch hội. Hơn 10 năm qua, hội trở thành “ngôi nhà chung” gắn kết giữa các hội viên trên địa bàn. Để kêu gọi cộng đồng chia sẻ, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thăm hỏi, động viên những người ốm đau, bị bệnh hiểm nghèo, ông có sáng kiến thành lập “Quỹ vòng tay nhân ái”, “Quỹ tấm lòng vàng”.
Điều đặc biệt, để tạo nguồn cho các quỹ này, ông đã trực tiếp gặp gỡ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm vận động, bằng cách ký hợp đồng đỡ đầu thiện nguyện theo nhiệm kỳ (5 năm), có xác nhận của đầy đủ thành phần lãnh đạo chính quyền địa phương. Chính cách quyên góp từ thiện độc đáo, công khai, minh bạch này đã góp phần tạo nguồn quỹ ổn định lâu dài và bền vững.
Ông kể: “Ban đầu khi đề xuất ý tưởng, nhiều người nghĩ khó có thể làm được, vì hội viên đa số là người có hoàn cảnh khó khăn, thì huy động bằng cách nào. Nhưng không, cách này không thực hiện được thì làm bằng cách khác, điều quan trọng là phải kiên trì mục tiêu đã đặt ra”. Nhiều năm qua, hai nguồn quỹ do ông lập ra đã giúp đỡ, động viên nhiều hội viên, trường hợp khó khăn với số tiền hàng chục triệu đồng.
“Đầu tàu” gương mẫu
Ở thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, nhiều người không xa lạ gì với ông Hoàng Minh Đức (SN 1953), không phải bởi vì ông là đại tá quân đội, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Trạch (cũ), mà vì sự năng động, nhiệt tình của ông Phó trưởng Ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội CCB. Hôm chúng tôi liên hệ làm việc, ông bảo ông đang bận và hẹn dịp khác vì đang dẫn bác sĩ thú y đi tiêm phòng dại chó cho các gia đình trên địa bàn. Phải vài ngày sau, chúng tôi mới gặp được ông.
![]()
|
Ông Đức chia sẻ: “Lúc trước còn công tác, sáng sớm thức dậy dắt xe đi làm, tối mịt mới trở về nhà, không có thời gian để gần gũi với bà con lối xóm. Từ khi nghỉ chế độ, mình có nhiều thời gian hơn để đi lại, chuyện trò với bà con. Với lại nhiệm vụ Phó trưởng Ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội CCB cũng giúp mình kết nối với bà con nhiều hơn”.
Với những thành tích và đóng góp của mình, ông Nguyễn Văn Lâm và Hoàng Minh Đức là một trong số ít đảng viên được Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền, giai đoạn 2020-2024. |
Ngày tuyến đường tự quản của Chi hội CCB thôn Vĩnh Phú hoàn thành việc treo các tấm pano, áp phích tuyên truyền, cổ động, đây cũng là tuyến đường đầu tiên được gắn biển pano, áp phích trên địa bàn xã Quảng Hòa. Từ đây, phong trào gắn biển tuyên truyền, cổ động đã lan tỏa trên nhiều tuyến đường.
Ông Đức cho biết: “Trước đây, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã Quảng Hòa rất nhỏ hẹp. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, chính quyền địa phương đã vận động người dân hiến đất mở đường, nhiều tuyến đường đã được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Có được đường đi rộng rãi, ai cũng muốn con đường được trang trí đẹp hơn. Vì vậy, năm 2020, Chi hội CCB thôn quyết định vận động hội viên đóng góp kinh phí để treo các tấm pano, áp phích trên tuyến đường chi hội tự quản. Sự xuất hiện của những tấm pano này vừa góp phần thay đổi cảnh quan tuyến đường, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau khi tuyến đường tự quản của chi hội hoàn thành, nhiều chi hội đoàn thể khác cũng làm theo. Hàng năm chúng tôi đóng góp hơn 10 triệu đồng để tăng dày các pano, áp phích, làm cho cảnh quan tuyến đường ngày một sạch, đẹp hơn”.
Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa Đặng Văn Luận chia sẻ, từ khi về nghỉ hưu theo chế độ, đảng viên hưu trí Hoàng Minh Đức đã đóng góp nhiều công sức trong xây dựng quê hương. Ông không chỉ xông xáo trong việc tổ chức nhiều phong trào ở địa phương mà còn tham gia đóng góp ý kiến và “hiến” nhiều kế hay giúp cấp ủy đảng, ban cán sự thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy Ba Đồn Trần Thanh Hưng cho biết, đảng viên hưu trí là nguồn lực rất đáng quý ở cơ sở. Bởi với kinh nghiệm, hiểu biết qua nhiều năm công tác, làm quản lý, điều hành trước đây và là những người có “tiếng nói” nhất định trong cộng đồng dân cư, sau khi về hưu, họ trở thành “đầu tàu”, nòng cốt của các hội, đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố. Sự tham gia trách nhiệm, nhiệt huyết của họ luôn là nguồn động lực tích cực cho các phong trào ở cơ sở.
Dương Công Hợp
https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202504/dang-vien-huu-tri-y-chi-khong-son-2225463/