
AI và Kinh tế bất ổn – “Cơn gió ngược” cho lao động công nghệ
Hàng loạt tên tuổi lớn đã công bố các đợt cắt giảm đáng kể. Công ty mẹ của Facebook, Meta, đã cho thôi việc khoảng 3.600 nhân viên (5% lực lượng lao động), đánh dấu đợt sa thải diện rộng thứ ba liên tiếp từ năm 2022. CEO Mark Zuckerberg giải thích động thái này nhằm “tinh gọn bộ máy, tái phân bổ nguồn lực vào các dự án AI trọng điểm”. Tương tự, Autodesk (công ty phần mềm AutoCAD) cắt giảm hơn 1.350 người (9% nhân sự) để tập trung vào AI, dữ liệu và đám mây. Workday (phần mềm nhân sự, tài chính) sa thải 1.750 người (8,5%), trong khi Salesforce cũng cắt giảm hơn 1.000 nhân viên trong bối cảnh chuyển hướng sang các nền tảng AI cho doanh nghiệp. Ngay cả tập đoàn công nghiệp châu Âu Siemens cũng cắt giảm tới 5.600 việc làm ở mảng tự động hóa kỹ thuật số do thị trường Đức và Trung Quốc sụt giảm.

Giới chuyên gia nhận định đợt sa thải lần này là hệ quả của nhiều yếu tố cộng hưởng. Áp lực từ kinh tế toàn cầu (lạm phát, lãi suất cao) buộc doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu. Quan trọng hơn, cuộc đua AI đang định hình lại chiến lược của các công ty công nghệ, khiến họ ưu tiên tuyển dụng nhân sự AI và cắt giảm các bộ phận không còn là cốt lõi. Bên cạnh đó, đây cũng là sự điều chỉnh cần thiết sau giai đoạn các công ty tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ bùng nổ công nghệ do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, giữa bức tranh có phần ảm đạm, Nvidia nổi lên như một ngoại lệ đáng chú ý. Nhà sản xuất chip đồ họa và AI hàng đầu thế giới này không thực hiện bất kỳ đợt sa thải lớn nào trong hơn một thập kỷ qua và duy trì tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện dưới 5% mỗi năm. Thành công này được cho là đến từ văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, sự tập trung vào công nghệ lõi và khả năng dẫn dắt của CEO Jensen Huang.
Tác động đến Việt Nam
Tại châu Á, làn sóng cắt giảm được dự báo có thể lan sang trong thời gian tới. Việt Nam, với vai trò là một trung tâm gia công phần mềm (outsourcing) và công nghệ mới nổi, được cho là sẽ chịu tác động gián tiếp. Các chuyên gia nhân sự cảnh báo, để duy trì năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam cần chủ động tái đào tạo và nâng cao kỹ năng trong các lĩnh vực đang có nhu cầu cao và là xu hướng tất yếu như AI, học máy (machine learning), bảo mật dữ liệu và điện toán đám mây.

Làn sóng sa thải năm 2025 cho thấy thị trường việc làm công nghệ không còn là “miền đất hứa” dễ dàng như trước. Đây không chỉ là sự điều chỉnh ngắn hạn mà có thể là dấu hiệu của một thời kỳ mới, nơi khả năng thích ứng, học hỏi liên tục và nắm bắt các kỹ năng công nghệ lõi, đặc biệt là AI, sẽ quyết định giá trị và sự sống còn của người lao động trong ngành.
https%3A%2F%2Fvnreview.vn%2Fthreads%2Fbao-sa-thai-nganh-cong-nghe-chua-dung-hon-22-000-nguoi-mat-viec-quy-i-2025-vi-ai.60058%2F