24.7 C
Kwang Binh
spot_img
Thứ Ba, Tháng 4 29, 2025

Hà Nội giữ vị trí ‘quán quân’ về xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử 2025

Must read

Trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố Hà Nội dẫn đầu xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2025 với 74,7 điểm.

thuong-mai-dien-tu-ha-noi-1-1745655077.jpg
Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam. (Ảnh: BTC)

Ngày 25/4, trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI,” Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2025 (EBI 2025). Báo cáo EBI 2025 được xây dựng trên cơ sở khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước.

Theo đó, Hà Nội dẫn đầu xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2025 với 74,7 điểm. Đứng thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh với 73,5 điểm; thứ ba là Đà Nẵng với 28,1 điểm và cũng có khoảng cách rất xa so với Hà Nội lên tới 46,6 điểm.

Theo VECOM, chỉ số EBI được xây dựng trên 3 nhóm tiêu chí, bao gồm hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Việc nâng cao thứ hạng của mỗi địa phương phụ thuộc vào sự cải thiện 3 tiêu chí và các tiêu chí thành phần.

thuong-mai-dien-tu-ha-noi-2-1745655111.jpg
Ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển thương mại điện tử. (Ảnh: Thúy Nga)

Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên VECOM thông tin về dịch vụ bưu chính chuyển phát cho thương mại điện tử phân theo từng địa phương của cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính đã được sử dụng trong tính toán chỉ số thương mại điện tử bán lẻ (B2C).

Điểm trung bình của Chỉ số năm nay là 9,3 điểm, do đó khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố còn lại là rất lớn.

Khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh còn lại là rất lớn và có sự phân hóa mạnh.

Nếu như chỉ số về giao dịch B2C, trong khi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 62,9 điểm trở lên, thì 61 địa phương còn lại có số điểm cao nhất chỉ đạt 4,5 (Bắc Ninh).

Ở chỉ số hạ tầng và nguồn nhân lực, 3 địa phương trong tốp đầu gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có số điểm thấp nhất là 76,9 thì 60 địa phương còn lại có số điểm cao nhất là 36 (Hải Phòng).

Tương tự, ở chỉ số về giao dịch B2B, 3 địa phương tốp đầu là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng có số điểm từ 62,6 trở lên, 60 địa phương còn lại có số điểm cao nhất là 42,2 (Bình Dương).

thuong-mai-dien-tu-ha-noi-3-1745655064.jpg
Thành phố Hà Nội khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 70%.(Ảnh: minh họa)

Theo VECOM, việc nâng cao thứ hạng của mỗi địa phương phụ thuộc vào sự cải thiện ba tiêu chí và các tiêu chí thành phần. Có những giải pháp dẫn tới tăng điểm tiêu chí thành phần tương đối nhanh, bao gồm nâng cao nhận thức về tên miền, tổ chức các hoạt động để nhiều hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nâng cao chất lượng của dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh tại địa phương… Sở Công Thương là cơ quan nòng cốt triển khai các giải pháp này.

Để nâng cao một số tiêu chí thành phần như doanh nghiệp hay thu nhập đòi hỏi các giải pháp nhất quán, đồng bộ trong nhiều năm từ Ủy ban Nhân dân tỉnh tới nhiều cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, đầu tư, doanh nghiệp, khoa học và công nghệ, bưu chính, giao thông vận tải…/.

Ngay từ đầu năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Cùng với phân công rõ nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố sẽ phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để hoàn thành 12 mục tiêu về phát triển thương mại điện tử.

Trong đó, Thành phố đặt mục tiêu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm; doanh số thương mại điện tử B2C chiếm 13% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng số; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 55%.

Thành phố cũng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 70%.

Ngoài ra, Thành phố đặt mục tiêu website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 80%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 50%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 40%.

Trong khai thuế, nộp thuế điện tử, thành phố duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%. Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành hóa đơn điện tử.

Cùng với đó, Thành phố duy trì tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 100%; duy trì tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 100%; khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới…



https%3A%2F%2Fdoanhnghiepkinhtexanh.vn%2Fha-noi-giu-vi-tri-quan-quan-ve-xep-hang-chi-so-thuong-mai-dien-tu-2025-a31390.html

- Advertisement -spot_img

More articles

- Advertisement -spot_img

Latest article