(QBĐT) – Đọc những trang tiểu thuyết “Mưa ở lưng chừng đồi”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà văn Phạm Việt Tiến, trong tôi hiện lên “tuyến lửa” Quảng Bình những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, vì khát vọng thống nhất đất nước.
Tháng 2/1965 đế quốc Mỹ mở chiến dịch “Sấm rền” chủ trương dùng không quân đánh phá liên tục, dữ dội miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Quân và dân Quảng Bình đã bước vào cuộc đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Tiểu thuyết lấy bối cảnh một nông trường trồng dứa ở miền Bắc. Hà-nhân vật chính của tiểu thuyết cùng Thắm và trung đội được đưa về nông trường làm công nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở cung đường 16 nơi tuyến lửa.
Xuất thân của họ đều là những thôn nữ, học hành chỉ hết lớp bảy, chỉ có ba người học hết lớp mười, nhưng theo tiếng gọi của đất nước đã xung phong vào chiến trường. Hồi đó, bảo đảm giao thông vận tải là nhiệm vụ chính trị.
Cùng với quân và dân cả nước, ngành Giao thông vận tải (GTVT), thanh niên xung phong (TNXP) đã lên đường đến với những chiến trường ác liệt nhất, xông ra tuyến đầu lửa đạn, với phương châm “Đi trước mở đường” để giữ vững mạch máu giao thông. Khẩu hiệu hành động lúc đó là “Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá, ta lại sửa ta đi”. “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Đường chưa thông, không tiếc máu tiếc công”-là khẩu hiệu hành động, đặc trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được ra đời trên đất lửa Quảng Bình.
![]()
|
Vì đường ra tiền tuyến, đã có hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, công nhân, TNXP, dân công được huy động vào các công trường làm đường dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) và Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Ngày 15/5/1965, Trung ương Đoàn cho Quảng Bình thành lập hai đội TNXP chống Mỹ cứu nước với phiên hiệu là Đội N73 và Đội N75. Đội N73 có 7 đại đội do đồng chí Lương Thị Tiến, nguyên Thường vụ Huyện đoàn Tuyên Hóa phụ trách. Từ đó đến ngày đất nước giải phóng, Quảng Bình có hàng nghìn TNXP.
Tôi nhớ lần đến Thông tấn xã Việt Nam để khai thác ảnh để biên soạn sách Lịch sử Giao thông vận tải Quảng Bình (1945-2015), gặp nhiều tư liệu quý về TNXP; về tình quân-dân, tình đất-tình người ở “tuyến lửa” thật xúc động.
Những năm tháng đầy máu và hoa trên các cung đường chiến lược trên đất Quảng Bình. Ngày 10/3/1975 tiếng súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã nổ ở Buôn Mê Thuột. Những tuyến đường Bắc-Nam, trên bộ, dưới biển, trên không… đã mở rộng vươn dài theo đà chiến thắng của cuộc tổng tiến công và nổi dậy.
Trong những tháng ngày đầu năm 1975 ấy, trên đường 1A, những đoàn xe ùn ùn chuyển động vào ra, ngày thì mịt mù khói bụi, đêm thì đèn pha sáng loáng như cả một đường phố di động qua Quảng Bình. Bến cảng Nhật Lệ tàu thuyền nườm nượp đi về. Các lực lượng GTVT Quảng Bình được trực tiếp góp phần mình tham gia vào cuộc Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử của dân tộc.
Tháng 4/1975, khi cuộc tổng tiến công phát triển nhanh, các binh trạm của Đoàn 559 lật cánh về phía Đông để hoạt động. Các bến phà Roòn, Gianh, cầu Dài, Quán Hàu (trên quốc lộ 1A), Xuân Sơn, Long Đại (trên quốc lộ 15A) đều đồng loạt bắc cầu phao, cảng Đồng Hới và cảng Gianh tấp nập tàu thuyền của cả miền Bắc hối hả dồn hàng chi viện ra tiền tuyến. Tất cả các loại phương tiện vận tải của Đoàn 559, Quân khu 4, Bộ GTVT và tỉnh Quảng Bình được huy động tổng lực ngày đêm lăn bánh phục vụ cho cuộc hành quân thần tốc, bảo đảm cho “Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử”.
Trở lại với tiểu thuyết “Mưa ở lưng chừng đồi”, nhiệm vụ bảo vệ mạch máu giao thông của Hà và trung đội diễn ra dưới mưa bom bão đạn. “Tháng tám năm bảy mốt, Cung 16 hầm hập bom. Bom dội xuống gần như cả ngày cả đêm. Hà đã ở đây được sáu tháng. Mọi thứ cũng gần như quen dần đối với cô. Đôi bàn tay ngày nào còn mềm, mà bây giờ đã dày lên vì suốt ngày cầm cán xẻng… Nhưng điều đó không làm cô bận tâm. Mọi người chịu được, cô cũng chịu được. Các chị toàn đã vài ba năm ở đây rồi, mình mới có sáu tháng. Nhưng ngày hôm nay Hà và cả Tú nữa đều thấy bất an. Trong có ba ngày mà trung đội đã có hai người hy sinh. Ác liệt quá, đấy là chưa kể trên toàn tuyến”, (trang 37).
![]()
|
Họ chịu đựng đạn bom, thiếu thốn ngay cả vật dụng cần thiết, nước tắm của phụ nữ trong những ngày “thiên quý”. Hà, Thắm và đồng đội chính là con đường, tất cả cho tiền tuyến, cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.
Tại Cung đường 16 khốc liệt đó, Hà gặp Nam-một người lính và họ yêu nhau, với lời hứa chờ đợi ngày đất nước thống nhất nhưng luôn gặp thử thách của số phận. Những trang viết khốc liệt, thấm đẫm nhân văn, đan xen giữa lãng mạn và hiện thực đã tạo nên sức hút đặc biệt cho tác phẩm, khiến người đọc không thể rời được trang viết, để rồi cùng lãng mạn theo tác giả đến trang cuối.
Hà, Thắm và trung đội sau khi rời “mặt trận” GTVT về Nông trường Đông Giang nhưng cuộc sống phía trước của họ không hề đơn giản. Họ phải bước vào “trận chiến” khác không có tiếng súng, nhưng không kém cam go. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ trì trệ và đổi mới sáng tạo, kể cả với “phe nhóm”, “cánh hẩu”… để xây dựng nông trường phát triển.
Nhà văn Phạm Việt Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Cho đến nay nhà văn Phạm Việt Tiến đã xuất bản “Bến Phù Vân” năm 2021 – Truyện dài; “Phía tây trời sáng” năm 2022 – Truyện dài; “Mưa ở lưng chừng đồi” năm 2024 – Tiểu thuyết. |
Tuy nhiên, với phẩm chất được trui rèn ở “tuyến lửa”, họ đã không đầu hàng, gục ngã, xứng đáng với tuổi trẻ đã cống hiến, với đồng đội đã hy sinh và lịch sử của đất nước.
Tôi từng có hạnh phúc, được ngành GTVT Quảng Bình, Công ty Việt Trung “ủy thác” biên soạn, viết bổ sung lịch sử của đơn vị. Tiếp cận tư liệu, gặp các nhân chứng như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, ông Lại Văn Ly-Giám đốc Ty GTVT thời đó, Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, nhà văn Nguyễn Khắc Phê-nhà văn trưởng thành từ đường 12A và lăn lộn ở nhiều thư viện.
Sinh thời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đánh giá, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chiến công của GTVT Quảng Bình gắn với những địa danh đã đi vào lịch sử như: Cảnh Dương, Cự Nẫm, Ba Rền, U Bò, phà Gianh, Long Đại, Xuân Sơn, Quán Hàu, sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang; hệ thống đường Trường Sơn…Chiến công đó, cùng với tên tuổi các anh hùng Nguyễn Thị Suốt, Võ Xuân Nở, Nguyễn Thị Kim Huế, Võ Xuân Khuể, Đinh Thị Thu Hiệp… và bao đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng, mãi mãi xứng đáng với truyền thống “Quảng Bình quật khởi”, truyền thống của quê hương “Hai giỏi”.”
“Mưa ở lưng chừng đồi” với gần 450 trang hiện lên rõ nét ký ức thời chiến của TNXP, những năm tháng oanh liệt trên “đất lửa” Quảng Bình, Và người đọc tự hào về những thành tựu sau 50 năm Ngày thống nhất đất nước của đất nước nói chung và Quảng Bình nói riêng trước ngưỡng cửa “vươn mình” của dân tộc.
Ngô Đức Hành
https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202504/ky-uc-tuyen-lua-quang-binh-qua-mua-o-lung-chung-doi-2225898/